04/12/2018 - 21:12

Ai chi phối OPEC? 

Vai trò của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bị đặt dấu hỏi sau khi Qatar, quốc gia được coi là “cầu nối ngoại giao” giữa các nước thành viên, tuyên bố rút khỏi khối này kể từ đầu năm 2019.

Cái bắt tay thân mật giữa Tổng thống Nga Putin (phải) và Thái tử Mohammed của Saudi Arabia. Ảnh: NBC

Quyết định trên được Qatar công bố hôm 3-12 trong bối cảnh OPEC đang chuẩn bị hội nghị cấp cao vào ngày 6 và 7-12 tới tại Thủ đô Vienna của Áo. Cuộc họp có sự tham gia của cả các nước không phải thành viên OPEC được kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác khi mà giá dầu đã tuột hơn 30% trong hai tháng qua. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã đồng ý “gia hạn” thỏa thuận giới hạn sản lượng được ký kết cuối năm 2016.

Trong buổi họp báo ngày 3-12 tuyên bố rút khỏi OPEC sau 57 năm gắn bó, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi phủ nhận hành động này liên quan đến căng thẳng chính trị-kinh tế giữa Qatar và 4 quốc gia A-rập khác kéo dài từ 18 tháng qua. Tuy nhiên, ông Kaabi nói rằng một quốc gia có vai trò quá bé nhỏ trong OPEC như Qatar không thể tiếp tục dành nguồn lực và thời gian cho tổ chức vốn chỉ do một nước điều hành. Thay vào đó, Qatar sẽ tập trung phát triển khí đốt thiên nhiên. Tuy không nói rõ quốc gia nào hoàn toàn chi phối OPEC, nhưng chắc chắn ông Kaabi muốn ám chỉ Saudi Arabia, nước khai thác hơn 10 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Đất nước tí hon Qatar chỉ có sản lượng khai thác dầu 600.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng của OPEC. Sự rút lui của Qatar vì thế không ảnh hưởng tức thời đến tổ chức chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thế giới. Tuy nhiên, theo nhà phân tích dầu mỏ Andy Critchlow, quốc gia vùng Vịnh này có khả năng sản xuất hơn 6 triệu thùng dầu quy đổi/ngày vào năm 2022, bởi đây là nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất hành tinh. Hơn nữa, Qatar rất khôn khéo trong đàm phán năng lượng với các đối thủ trong khu vực nên được xem là “cầu nối ngoại giao” trong OPEC. Cho nên mất Qatar là một cú giáng mạnh và có thể gây chia rẽ 11 quốc gia thành viên OPEC còn lại.

"OPEC thực sự không còn tồn tại nữa, nó là tổ chức có 2 thành viên-Nga và Saudi Arabia”, chuyên gia Critchlow nhận định. Vấn đề ở chỗ Nga không phải là thành viên, mà chỉ là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất liên minh với OPEC nhằm kiểm soát giá cả thị trường dầu mỏ. Nga và Saudi Arabia có thể dễ dàng cùng nhau tăng sản lượng khai thác dầu nếu Mỹ cấm vận xuất khẩu năng lượng nhằm vào Iran. Tuy nhiên, việc Mỹ tạm thời miễn trừng phạt một số nước mua dầu của Iran đã làm giá dầu thế giới giảm nhanh và thỏa thuận “đình chiến thương mại” Mỹ-Trung Quốc có thể khiến giá dầu lao dốc, buộc Nga và Saudi Arabia phải tìm cách can thiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc OPEC duy trì mức giá dầu cao giả tạo, nhưng ông có lẽ phải thông cảm cho Saudi Arabia, quốc gia đồng minh phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP, NBC, Nytimes)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
OPEC