17/08/2013 - 08:43

Ai Cập tiếp tục bất ổn

Ai Cập đang có nguy cơ lún sâu hơn trong vũng lầy bạo lực khi tổ chức Huynh đệ Hồi giáo kêu gọi tuần hành quy mô lớn trên khắp cả nước ngày 16-8 nhằm phản đối vụ trấn áp khiến hàng trăm người chết xảy ra trước đó.

Đối đầu nguy hiểm

Bất chấp những chỉ trích từ phương Tây, chính phủ lâm thời Ai Cập được sự hậu thuẫn của quân đội cảnh báo sẽ bắn hạ bất cứ ai tấn công cảnh sát cũng như phá hoại các công sở. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi những người biểu tình bao vây và đốt phá 2 tòa nhà chính phủ ở quận Giza thuộc ngoại ô Thủ đô Cairo hôm 15-8.

 Một tòa nhà chính phủ ở quận Giza bị tấn công. Ảnh: Reuters

Trước đó đã có ít nhất 638 người chết và hàng ngàn người bị thương khi cảnh sát tấn công nhằm "quét sạch" các lều trại được dựng lên bởi người biểu tình đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Dù bị tổn thất nặng nề sau vụ trấn áp trên, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo khẳng định sẽ không rút lui trong cuộc đối đầu với lãnh đạo quân đội Ai Cập, Tướng Abdel Fattah al-Sisi. Để chứng minh tuyên bố trên, họ kêu gọi hàng triệu người ủng hộ ông Morsi xuống đường tuần hành vào ngày 16-8 và gọi sự kiện này là "Ngày thứ Sáu giận dữ", gợi nhớ về vụ lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011.

Quốc tế lo ngại

Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập. Sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 15-8, Argentina - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA đã hối thúc tất cả các bên "kiềm chế tối đa" và chấm dứt bạo lực. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đang ở thăm Trung Đông cũng lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên xung đột xem xét lại hành động để cứu đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Nhiều chính phủ châu Âu đã triệu đại diện ngoại giao của Ai Cập đến để bày tỏ quan ngại về vụ đụng độ đẫm máu hôm 14-8. Cao ủy nhân quyền LHQ Navi Pillay kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "độc lập, không thiên vị, hiệu quả và đáng tin cậy" về chiến dịch giải tán người biểu tình của lực lượng an ninh nước này.

Trong khi đó, tình hình tại Ai Cập cũng khiến quan hệ giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng. Ngày 15-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ tại Ai Cập Huseyin Avni Botsali và Ai Cập cũng có hành động tương tự.

Washington thận trọng

Phát biểu hôm 15-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông "cực lực lên án" hành động sử dụng vũ lực của lực lượng an ninh Ai Cập đối với người biểu tình, đồng thời cảnh báo quan hệ giữa Washington và Cairo có thể "sẽ không tiếp tục nữa". Tổng thống Obama cũng lặp lại tuyên bố hủy cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Ai Cập dự kiến vào tháng tới. Tuy nhiên theo giới phân tích, việc Washington chỉ hủy cuộc tập trận chung với Cairo mà chưa cắt khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỉ USD/năm dành cho nước này cho thấy chính quyền Obama vẫn còn muốn duy trì quan hệ với các tướng lĩnh ở xứ Kim tự tháp.

Theo giới phân tích, Nhà Trắng vừa muốn ủng hộ nền dân chủ ở Ai Cập, vừa muốn bảo vệ lợi ích chiến lược của họ tại quốc gia có tầm quan trọng chiến lược này. Ai Cập đã ký kết hiệp ước hòa bình với đồng minh của Mỹ là Israel, cũng như đang kiểm soát kênh đào Suez vốn là tuyến hàng hải huyết mạch đối với thương mại và quân sự Mỹ.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết