13/02/2011 - 09:05

Ai Cập ra sao thời hậu kỷ nguyên Mubarak ?

Người biểu tình Ai Cập vui mừng sau khi ông Mubarak từ chức. Ảnh: AFP

Sự kiện Tổng thống Hosni Mubarak trước sức ép của dân chúng biểu tình cuối cùng đã tuyên bố từ chức lúc 23 giờ ngày 11-2 (giờ Việt Nam) đã làm rúng động nước này và thế giới A-rập. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là liệu sự ra đi của nhà cầm quyền 29 năm qua ở Ai Cập có đảm bảo được sự chuyển giao dân chủ êm thấm ở nước này?

Ông Mubarak, nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất trong thế giới A-rập hiện đại, đã rời phủ tổng thống ở Thủ đô Cairo cùng gia đình tới biệt thự tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên bán đảo Sinai. Đám đông hàng ngàn người đã la ó nhạo báng khi 2 trực thăng quân sự chở ông và tùy tùng cất cánh bay về phía Đông. Không lâu sau đó, Phó Tổng thống Omar Suleiman có tuyên bố ngắn trên truyền hình rằng: “Ông Mubarak đã quyết định từ chức tổng thống. Ông ấy đã ủy thác nhiệm vụ điều hành đất nước cho Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang”. Với dân chúng Ai Cập, ngày 11-2 là ngày vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước kể từ sau vụ Quốc vương Farrouk và chủ nghĩa thuộc địa Anh bị buộc phải rời khỏi nước này năm 1952.

Sau khi ông Mubarak ra đi, Hội đồng Tối cao vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng nào. Trong khi đó, đài truyền hình vệ tinh Al-Arabiya cho biết hội đồng sẽ sa thải nội các, đình chỉ cả hai viện quốc hội và chỉ định người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao. Người phát ngôn Hội đồng Tối cao cho hay cơ quan này sẽ không thay thế chính quyền hợp pháp mà chỉ điều hành đất nước cho tới khi diễn ra bầu cử vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, khó khăn đã sớm phát sinh vào hôm qua khi quân đội muốn đám đông biểu tình ở quảng trường Tahrir tại Thủ đô Cairo trở về nhà sau hơn 2 tuần tụ tập. Karim Alrawi, nhà hoạt động nhân quyền Ai Cập, cho rằng người biểu tình nói sẽ không ra về cho tới khi luật khẩn cấp được thực thi trong 30 năm qua được dỡ bỏ, còn quân đội tuyên bố sẽ không bãi bỏ luật này cho đến khi trật tự được vãn hồi. Theo Alrawi, về điểm này, phe đối lập có thể chia rẽ giữa một bên tin và một bên không tin quân đội. Đây sẽ là phép thử đầu tiên đối với Hội đồng tối cao.

Hiện nay có hai thành viên Hội đồng Tối cao có thể lên nắm quyền Ai Cập, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Marshal Tantawi và Trung tướng Sami Hafez Enan, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang. Ông Tantawi được xem là nhân vật quyền lực nhất trong giai đoạn chuyển giao. Ông được đánh giá là người cẩn trọng, biết rõ tình hình Ai Cập và có nhiều kinh nghiệm hơn. Ngược lại ông Enan không tạo được ấn tượng gì đặc biệt đối với các quan chức Mỹ. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ cho rằng trong hai nhân vật trên không có ai thiên về dân chủ mạnh mẽ.

Theo Nhật báo phố Wall của Mỹ, chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể tham khảo cuộc lật đổ cựu Tổng thống Indonesia Suharto năm 1998 làm mô hình chuyển giao dân chủ ở Ai Cập. Tuần rồi, Hội đồng Tối cao Ai Cập cũng đã thảo luận với các chuyên gia chính sách nước ngoài về những điểm tương đồng giữa cuộc cách mạng ở Indonesia và Ai Cập. Các vấn đề chính mà các quan chức Mỹ đang quan tâm ở Ai Cập là làm thế nào để cân bằng tỷ lệ ủng hộ người theo đạo Hồi gia tăng và vai trò của quân đội. Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng Indonesia là “ví dụ tốt nhất” mà Ai Cập có thể hướng đến. Tuy nhiên, trong tuyên bố sau khi ông Mubarak từ chức, Tổng thống Obama thừa nhận “sẽ còn nhiều ngày khó khăn phía trước”.

N. KIỆT (Theo WSJ, CNN, NYT)

Thụy Sĩ ngày 11-2 đã “đóng băng” tất cả tài khoản của ông Mubarak, phu nhân, hai con trai và vợ của họ, cũng như em rể của ông và các cựu bộ trưởng phát triển đô thị, du lịch, nội vụ… Nước này kêu gọi tất cả ngân hàng kiểm tra hồ sơ về các nguồn quỹ do những người nằm trong danh sách trên đứng tên và báo cáo lên chính quyền. Thụy Sĩ không cho biết có bao nhiêu tiền trong các tài khoản của gia đình ông Mubarak nhưng theo ước tính của tổ chức chống tham nhũng Global Financial Intergrity có trụ sở ở Washington, khoảng 57 tỉ USD tài sản bất hợp pháp đã “chảy” khỏi Ai Cập giai đoạn 2000-2008.


Chia sẻ bài viết