11/04/2021 - 07:54

800 triệu trẻ em chưa thể trở lại trường vì COVID-19 

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới đây cho biết, khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới chưa thể quay trở lại trường học tập bình thường. Nhiều em trong số này có nguy cơ bỏ học nếu tình trạng trường học đóng cửa kéo dài nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trẻ em Ấn Ðộ trong một giờ học trực tuyến. Ảnh: Reuters

Ít nhất 90 quốc gia đóng cửa trường học

UNICEF cũng cho hay, hiện có ít nhất 90 quốc gia vẫn đang đóng cửa trường học hoặc tổ chức dạy và học trực tuyến. Robert Jenkins, Giám đốc phụ trách mảng giáo dục của Liên Hiệp Quốc cho biết, vào thời gian cao điểm của đại dịch, khoảng 1,6 tỉ trẻ em ở hơn 190 quốc gia không thể đến trường, hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên làm việc tại trường học bị ảnh hưởng công ăn việc làm. Và hiện nay, khoảng 800 triệu trẻ em chưa thể quay lại trường. Tại 29 quốc gia, các trường học vẫn đóng cửa hoàn toàn.

Ông Jenkins cho rằng đóng cửa trường học là một phần của sự gián đoạn “không thể tưởng tượng được” đối với việc học tập của trẻ em. “Tôi không hình dung được quy mô của việc đóng cửa các trường học hồi năm ngoái và tôi cũng không hình dung nó lại diễn ra lâu đến như vậy. Có rất nhiều bài học cần được rút ra. Một trong số đó là tác động của đóng cửa trường học kéo dài đối với trẻ em” - ông Jenkins nói với tờ Guardian.

Theo các tổ chức nhân đạo, tình trạng đóng cửa trường học đã góp phần làm gia tăng thực trạng trẻ em bị lạm dụng và suy giảm quyền trẻ em trên toàn thế giới, dẫn đến gia tăng việc sử dụng lao động trẻ em cũng như vấn nạn tảo hôn ở các cộng đồng mà trẻ em khó tiếp cận được với giáo dục.

Báo cáo của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) gần đây cảnh báo rằng tại Lebanon, trẻ em thường bị chính ba mẹ mình ép làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cơ quan này lo ngại nhiều trẻ em tại đây có thể sẽ không bao giờ quay trở lại trường. Còn tại Uganda, nhiều trường đã bị đóng cửa kể từ tháng 3 năm ngoái, khiến khoảng 15 triệu trẻ em phải nghỉ học. Chỉ có một số ít trường mở cửa để tổ chức các kỳ thi quan trọng. Ở các quốc gia khác như Afghanistan, các bé gái vị thành niên có tỷ lệ bỏ học cao. Tại đây, khoảng 2,2 triệu trẻ em gái không được đến trường trước khi đại dịch bùng phát, làm gia tăng lo ngại bùng nổ vấn nạn kết hôn sớm.

Ðáng lo ngại, đại dịch đã bộc lộ và làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng trong giáo dục vốn tồn tại từ lâu mà chưa bao giờ được giải quyết một cách thỏa đáng. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho thấy, 2/3 các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp đã cắt giảm ngân sách giáo dục công kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chuyển đổi số trong giáo dục

Hồi tháng 10 năm ngoái, UNESCO đã tổ chức Hội nghị Giáo dục Toàn cầu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới và đối tác bày tỏ cam kết bảo vệ nguồn ngân sách giáo dục và bảo vệ nền giáo dục khỏi tác động tàn phá của COVID-19. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, UNESCO và hơn 160 đối tác thông qua Liên minh Giáo dục Toàn cầu đã xây dựng 3 chủ đề trọng tâm, gồm kết nối, giới tính và giáo viên, để đảm bảo rằng việc dạy và học sẽ không bị gián đoạn trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này. UNESCO và các đối tác trong năm ngoái cũng đã phát động chiến dịch nhằm đảm bảo mọi trẻ em gái đều có thể học trong khi trường học đóng cửa và quay trở lại trường khi trường mở cửa một cách an toàn.

UNESCO cho rằng để thúc đẩy giáo dục trong mùa COVID-19, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường là hết sức cần thiết. UNESCO nhấn mạnh, để các trường học có thể mở cửa an toàn trở lại, 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học trên toàn thế giới phải được ưu tiên trong các chiến dịch tiêm chủng.

Chuyển đổi số trong giáo dục mới thật sự là tương lai của nền giáo dục toàn cầu. Trong khi trường học đóng cửa và phải học trực tuyến nhưng nhiều học sinh không thể tiếp cận Internet. Có khoảng phân nửa dân số thế giới (tức khoảng 3,6 tỉ người) còn thiếu kết nối Internet, điều này có nghĩa ít nhất 463 triệu học sinh hoặc gần 1/3 học  sinh trên toàn thế giới không thể học từ xa. Liên Hiệp Quốc ước tính gần 500 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông đã không được tiếp cận bất kỳ buổi học từ xa nào. 3/4 trong số này sống trong các gia đình nghèo khó nhất hoặc các khu vực nông thôn. Sự phân hóa kỹ thuật số lớn này cho thấy vấn đề kết nối Internet đã trở thành yếu tố then chốt đảm bảo quyền giáo dục cho mọi người.  Cải thiện kỹ năng và điều kiện kết nối chính là chìa khóa giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, Relief Web)

Chia sẻ bài viết