06/06/2012 - 08:10

Hoạt động văn học nghệ thuật ở TP Cần Thơ

5 năm vượt khó

Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (bìa phải) và đồng chí Nguyễn Phiêu Luân, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ (bìa trái) trao giải cho hai tác giả đoạt giải cao nhất trong cuộc vận động viết bút ký văn học “Cần Thơ - Thành phố đồng bằng”. Ảnh: LỆ THU. 

Năm 2007, Hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ được nâng lên thành Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ (gọi tắt là Liên hiệp hội- LHH). Đây cũng là LHH về văn học nghệ thuật (VHNT) duy nhất ở khu vực ĐBSCL hiện nay. Nhiệm kỳ đầu tiên (2007-2012) của LHH đã kết thúc. Hôm nay, ngày 6-6-2012, LHH tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới (2012-2017). 5 năm hoạt động theo mô hình mới, LHH đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu nhất định.

Cuối tháng 5-2012, Cuộc vận động viết bút ký văn học “Cần Thơ- Thành phố đồng bằng” do Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ (thuộc LHH) tổ chức đã kết thúc. Dù lần đầu tiên tổ chức nhưng sau hơn một năm phát động, cuộc thi đã thu hút được 33 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài thành phố tham gia. 10 tác phẩm tiêu biểu được trao giải đều rất xứng đáng, tạo nên sự phấn khởi cho các tay viết trong và ngoài giới. Cuộc thi đã tạo nên sinh khí cho hoạt động VHNT của TP Cần Thơ.

5 năm qua, dù kinh phí hạn hẹp, tình hình kinh tế khó khăn nhưng các hoạt động thường niên như: xuất bản Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, mở các trại sáng tác, triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật, tổ chức Ngày thơ, Ngày sân khấu, Ngày âm nhạc Việt Nam... vẫn được duy trì tạo dấu ấn trong đời sống văn học, văn nghệ ở thành phố trung tâm đồng bằng.

TP Cần Thơ đã tổ chức được nhiều hoạt động VHNT qui mô khu vực và quốc gia trong thời gian gần đây. Những thành quả đó đã chứng tỏ LHH đã phát huy được vai trò, tích cực phối hợp và đạt kết quả tốt. LHH đã tham gia với Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận VHNT cho 19 tỉnh, thành phía Nam; đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ XVI, tổ chức Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực ĐBSCL lần thứ IX; phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức trại sáng tác VHNT cho khu vực ĐBSCL...

Đặc biệt, những người làm văn nghệ đã không đứng ngoài những sự kiện chính trị lớn của đất nước. LHH đã phát động các văn nghệ sĩ tích cực tham gia cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương và địa phương phát động. Qua 2 đợt, có 237 tác phẩm của 112 tác giả tham gia ở các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật. Trong đó, có 53 tác phẩm đoạt giải; 2 tác giả nhiếp ảnh đoạt giải Trung ương (1 giải Nhất và 1 giải tặng thưởng).

Không chỉ vận động sáng tác, LHH luôn tạo điều kiện để các tác phẩm được phổ biến, quảng bá rộng rãi trong nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng. 5 năm qua, gần 2.000 tác phẩm văn, thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, mỹ thuật, điện ảnh... hoàn thành và được in ấn, dàn dựng, xuất bản. Trong đó, có trên 30 công trình, đầu sách được nhận kinh phí từ Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật.

LHH có 6 Hội chuyên ngành (Âm nhạc, Nhà văn, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Kiến trúc sư) và 3 phân hội (Múa, Văn nghệ dân gian, Điện ảnh). Cuối nhiệm kỳ, 3 Phân hội đã hoàn tất việc chuyển đổi từ Phân hội lên Hội theo Quyết định của UBND TP Cần Thơ. Như vậy, hiện nay, LHH có 9 Hội chuyên ngành trực thuộc với 475 hội viên.

Một số đề án, dự án mang tính chiến lược phục vụ cho sự phát triển VHNT như: Chương trình phát triển VHNT giai đoạn 2010-2020, Đề án “Giải thưởng Bùi Hữu Nghĩa về VHNT” và “Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT” của địa phương... cũng được LHH xây dựng.

Ông Phan Huy, Chủ tịch LHH, đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế của hoạt động VHNT trong 5 năm qua: “Tuy số lượng tác phẩm nhiều nhưng tác phẩm đỉnh cao, có giá trị rất khiêm tốn, chất lượng một số tác phẩm chưa đạt yêu cầu. Một số hội viên tham gia hoạt động sáng tác không đều, thậm chí có người cả nhiệm kỳ không có tác phẩm”. Những hoạt động khác như việc giới thiệu, phổ biến tác phẩm đến với công chúng vẫn còn yếu, thiếu sức lan tỏa; một số Hội chuyên ngành còn lục đục, thiếu đoàn kết; số lượng hội viên đông nhưng chưa thực sự mạnh, còn thiếu lực lượng trụ cột, đầu đàn có sức cuốn hút phong trào...”.

Sự thẳng thắn đó là một tín hiệu tốt khiến cho mọi người hy vọng một sự chuyển động mới trong đời sống VHNT trong nhiệm kỳ mới. Đó cũng là tiền đề để BCH nhiệm kỳ mới phấn đấu thực hiện được mục tiêu: “Tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ, nâng cao trình độ mọi mặt cho văn nghệ sĩ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT của TP Cần Thơ trong giai đoạn mới” như phương hướng đã đề ra.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết