03/09/2022 - 18:37

5 cách vượt qua hội chứng “sương mù não” 

Hội chứng sương mù não (Brain Fog) là một nhóm triệu chứng bao gồm lo âu, mất ngủ, kém tập trung, khó suy nghĩ thông suốt hoặc ra quyết định, có thể dẫn tới cảm giác chán nản và căng thẳng tinh thần. Nếu để tình trạng này kéo dài mà không điều trị, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút và tăng nguy cơ mắc các rối loạn thần kinh và nhận thức như bệnh Alzheimer và Parkinson.

Vận động giúp cải thiện chức năng não bộ và đẩy lùi sương mù não.

Vận động giúp cải thiện chức năng não bộ và đẩy lùi sương mù não.

Dưới đây là 5 biện pháp có thể giúp bạn phòng chống hội chứng “sương mù não”:

1. Bổ sung L-tyrosine

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh chính được tạo ra từ L-tyrosine, loại axít amin thường có trong các thực phẩm giàu prôtêin. Dopamine đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực, hiệu suất và sự tập trung cho trí não. Vì thế, một chế độ ăn uống chứa hàm lượng cao L-tyrosine có thể giúp cung cấp đầy đủ những “vật liệu xây dựng” cơ bản cần thiết cho quá trình tổng hợp dopamine. Nhóm thực phẩm giàu L-tyrosine gồm: các sản phẩm động vật (thịt gia cầm, cá, trứng, sữa), táo, bơ, chuối, củ dền, rau lá màu xanh đậm, sôcôla đen, các loại hạt như hạnh nhân và óc chó, dầu ôliu, rau kinh giới, hương thảo, nghệ, dưa hấu.

2. Lập danh sách 5 việc cần hoàn thành

Một danh sách việc cần làm dài ngoằn chỉ làm cho bộ não và hệ thần kinh căng thẳng, dẫn đến trạng thái “đình công” và trì hoãn. Thay vì vậy, hãy viết ra 5 việc cần làm vào mỗi sáng. Trong đó, phần việc 1-2  là nhiệm vụ bắt buộc hoàn thành. Phần việc 3-4 cũng cần hoàn thành, nhưng không yêu cầu gắt gao về thời gian như 2 nhiệm vụ đầu tiên. Còn phần việc thứ 5 là nhiệm vụ sẽ được nhận thưởng nếu bạn làm xong. Với cách làm này, bạn sẽ biết ưu tiên điều gì quan trọng nhất để tập trung xử lý, những gì không hoàn thành trong ngày có thể chuyển sang danh sách ngày hôm sau, giảm bớt áp lực cho tâm trí.

3. Nhịn ăn gián đoạn (IF)

Khác với các phương pháp ăn kiêng khác, IF không quy định loại thực phẩm hay lượng calo dung nạp cụ thể mà chỉ giới hạn khoảng thời gian được phép ăn uống. Cách ăn uống này giúp cải thiện các chức  năng trao đổi chất được biết là quan trọng đối với sức khỏe não bộ. IF giúp giảm tình trạng căng thẳng ôxy hóa, viêm nhiễm, mức đường huyết và đề kháng insulin. Hơn nữa, việc nhịn ăn như thế cũng làm tăng lượng hoóc-môn gọi là hoạt chất dinh dưỡng thần kinh từ não (BDNF). Mức BDNF thấp được cho là cản trở việc học hỏi thông tin mới, dễ trầm cảm và tâm trạng thất thường.

IF có nhiều hình thức khác nhau nhưng phổ biến nhất là 16:8 (tức nhịn ăn liên tục 16 tiếng, ăn thoải mái trong 8 tiếng). Nhờ đó, bạn có thể thực hiện hầu hết thời gian nhịn ăn trong khi ngủ.

Lưu ý là những người nhẹ cân, có nguy cơ suy dinh dưỡng, mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc có vấn đề về duy trì mức đường trong máu không nên theo đuổi IF.

4. Bổ sung dưỡng chất bổ trợ trí não

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi sẽ có thể hỗ trợ sức khỏe não bộ và cải thiện chức năng nhận thức cho người mắc hội chứng “sương mù não”. Cụ thể là ưu tiên các dưỡng chất giúp bổ trợ trí não sau:

+ Nhóm vitamin B6, B9, B12 (có nhiều trong chuối, tảo Spirulina, bơ, cà chua, yến mạch, các loại đậu, bí đỏ, rau dền, khoai lang).

+ Magiê (sôcôla đen, bơ, quả hạch, các loại đậu và hạt, ngũ cốc, chuối, một số cá béo, rau lá màu xanh đậm).

+ Sắt (gan, thịt đỏ, động vật thân mềm như sò và hàu, các loại hạt và ngũ cốc, cải bó xôi, trứng, hạt bí, mật ong, bông cải xanh, ức gà…).

+ Axít béo Omega-3 (các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu, các loại hạt, rau lá màu xanh đậm, hạt chia, óc chó, các loại đậu).

5. Tập thể dục

Vận động thể chất thúc đẩy sản xuất tế bào não mới, làm chậm quá trình lão hóa và cải thiện lưu lượng chất dinh dưỡng đến não. Vận động cũng là một công cụ mạnh mẽ để điều chỉnh hệ thần kinh hiệu quả. Bằng cách tập thể dục, bạn cho phép cơ thể và não bộ nhận thức hiện tại và kết nối, cải thiện khả năng tập trung.

NGUYỆT CÁT (Theo Hindustan Times)

Chia sẻ bài viết