08/09/2017 - 10:14

4 tiến bộ mới trong cuộc chiến chống ung thư 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca ung thư mới dự báo sẽ tăng lên 22 triệu trong vòng 20 năm tới. Song những thành tựu nghiên cứu khoa học gần đây hứa hẹn mang đến những giải pháp tốt hơn trong công tác chẩn đoán và chữa trị căn bệnh gây tử vong hàng đầu này, điển hình là 4 thành tựu dưới đây:

Công cụ mới giúp ích cho việc điều trị ung thư ở trẻ em

Dữ liệu từ nghiên cứu của Viện Y khoa Howard Hughes (HHMI-Mỹ) đang mở ra cơ hội để các nhà khoa học trên khắp thế giới tìm ra những đột phá mới trong việc chẩn đoán và điều trị các loại ung thư ở trẻ em. Theo đó, nhóm chuyên gia HHMI đã nuôi các tế bào ung thư người trên chuột và tạo ra gần 100 hình mẫu của 12 loại ung thư phổ biến ở trẻ em như u nguyên bào thần kinh (u não), ung thư xương, ung thư máu... Mọi dữ liệu đều được chia sẻ miễn phí cho cộng đồng khoa học thông qua tạp chí Nature.

 Nguồn thông tin dồi dào này cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng hình mẫu ung thư sẵn có để hiểu hơn về những phản ứng phức tạp của từng dạng bệnh, thử nghiệm các liệu pháp khác nhau đối với tế bào ung thư, từ đó có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhi.

Hai đột phá mới trong liệu pháp miễn dịch

Trong 3 phương pháp điều trị ung thư hiện tại gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch thì liệu pháp miễn dịch ít gây hại cho cơ thể nhất, bởi nó chỉ tập trung phá hủy các tế bào ung thư chứ không tấn công tất cả tế bào nằm trong khu vực ung thư.

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép sử dụng liệu pháp gien dựa vào tế bào mới để điều trị bệnh bạch cầu cấp tính (ALL) – một bệnh ung thư máu hoặc tủy xương. Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 63 bệnh nhân từng thất bại với các phương pháp điều trị khác cho thấy, 83% trong số họ đã thuyên giảm sau 3 tháng điều trị với liệu pháp gien.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã xác định được 100 gien đóng vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng liệu pháp miễn dịch. Đột phá này có thể giúp cải thiện hiệu quả điều trị, nhờ cho phép các bác sĩ dễ dàng nhận biết nguyên nhân khối u không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn như lỗi ở một gien nào đó trong số 100 gien đã nhận diện.

Cải thiện chẩn đoán ung thư da

Khi chẩn đoán ung thư da, các bác sĩ chủ yếu dùng mắt quan sát các dấu hiệu bất thường. Nhằm tăng độ chính xác khi chẩn đoán, Tiến sĩ da liễu Mary Martini đã phát triển một công cụ mới mang tên “Dermatoscopy” (ảnh).

Đó là một ống soi da được trang bị các ống kính phóng đại và đèn LED bên trong. Khi dùng Dermatoscopy soi nốt ruồi trên da, các bác sĩ có thể nhìn rõ đặc điểm của nốt ruồi, cách nó phát triển cũng như kết cấu tế bào bên trong, để họ phân biệt nốt ruồi lành tính và ác tính mà không cần lấy mẫu da.

Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Da liễu Mỹ, nhóm các nhà nghiên cứu người Ý và Hy Lạp phát hiện những nốt ruồi mới mọc dễ phát triển thành u sắc tố ác tính hơn nốt ruồi đã có từ lâu. Khối u xuất hiện trên nối ruồi cũ cũng mỏng hơn trên nốt ruồi mới. Những hiểu biết mới này giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và đưa ra các lời khuyên điều trị kịp thời đối với bệnh nhân.

Phát hiện mỗi liên hệ giữa ung thư vú và sức khỏe tim

Theo nghiên cứu công bố gần đây trước hội nghị của Hiệp hội Tim mạch châu Âu, phụ nữ có tiền sử cholesterol cao (mỡ trong máu cao) ít bị đe dọa tính mạng vì ung thư vú, có lẽ nhờ sử dụng thuốc statin – thường được chỉ định điều trị cholesterol cao.

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu theo dõi 32.000 phụ nữ và phát hiện, so với nhóm có chỉ số cholesterol bình thường, nhóm bị cholesterol cao có uống statin giảm 33% nguy cơ phát triển ung thư vú. Ở người bị ung thư vú, nhóm có cholesterol cao cũng giảm 40% nguy cơ tử vong so với nhóm đối chứng không bị cao mỡ máu.

Tuy chưa rõ tại sao phụ nữ bị cholesterol cao lại có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn và khả năng sống sót cao hơn, nhưng các chuyên gia đoán rằng có thể thuốc statin đã góp phần làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Phát hiện này hứa hẹn mở ra hướng mới trong phòng ngừa và chữa trị ung thư vú. 

HUY MINH (Theo Mother Nature Network)

Chia sẻ bài viết