17/06/2019 - 19:54

36 năm vui buồn nghề bán báo 

Sạp báo trước hẻm 147 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, gần ngã tư của tuyến đường này giao với đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, có tuổi đời ngót ngét 36 năm, từng lưu giữ những thăng trầm của nghề báo. Cũng nhờ nơi đó, vợ chồng ông chủ sạp báo đã nuôi dạy con cháu ăn học thành tài, xây dựng nếp nhà đầm ấm.

Vợ chồng bác Trinh bên sạp báo của gia đình.

Vợ chồng bác Trinh bên sạp báo của gia đình.

Sạp báo đắt nhất là vào buổi sáng khi mọi người đi làm, đưa con đến trường. Khách hàng vừa tấp xe lại, chủ sạp báo liền mang ra những tờ báo “gu” của khách mà không phải hỏi loại báo nào khách cần mua. Chủ và khách trao nhau những nụ cười đầu ngày, hỏi han, bàn luận về trận bóng tối qua, về tình hình thời tiết tháng sáu sáng nắng chiều mưa, an ninh trật tự địa phương… Bởi lẽ, hầu hết người mua báo đa số là khách quen.

Bác Huỳnh Quang Trinh (71 tuổi), chủ sạp báo tâm sự: “Những vị khách thân quen qua năm tháng trở thành bạn bè thân thiết. Bạn đi đâu vắng vài hôm, không ghé mua báo thì lòng tôi thấy buồn buồn”.

Bác Trinh kể lại quãng đời hơn 30 năm của vợ chồng bác gắn bó với nghề bán báo. Những năm đầu sau ngày miền Nam được giải phóng  cuộc sống gia đình bác Trinh nhiều cơ cực, khốn khó mưu sinh. Ba đứa con nhỏ nheo nhóc, cô Nguyễn Thị Ngọc Quý (năm nay 67 tuổi), vợ bác Trinh phải ở nhà giữ con, bác Trinh xoay xở kiếm sống cho gia đình bằng đủ thứ nghề. Năm 1983, thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bác Trinh, đồng chí trưởng công an khu vực đứng ra bảo lãnh để bác mở đại lý bán báo tại nhà, đúng vào dịp thôi nôi của cô con gái út.

Bác Trinh kể, thời kỳ ấy, báo chí chưa phát triển, chỉ có vài loại hạn hẹp. Công việc mới mẻ này phần nào giúp gia đình bác Trinh bớt khó khăn, hai vợ chồng vừa bán báo trước nhà, vừa có thời gian chăm nom bọn trẻ. Vài năm sau báo chí dần phát triển về số lượng và đa dạng về thể loại, như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công An, Sài Gòn Giải Phóng…

“Hơn 30 năm làm nghề bán báo, chưa bao giờ tôi có một giấc ngủ tròn” - bác Trinh tâm sự. Để có báo bán buổi sáng, bác Trinh bắt đầu công việc từ 21 giờ đêm trước cho đến sáng hôm sau. Buổi tối, bác canh thời gian để nhận báo từ nhà in hoặc phải chờ xe từ Sài Gòn về đến bến để nhận. Có những chuyến xe chở báo đi thẳng về Bạc Liêu, Cà Mau mà không ghé bến Cần Thơ, bác phải đón xe tại điểm hẹn để nhận báo.

Công việc phát hành báo chạy đua với thời gian lúc nửa đêm, vì chỉ cần trễ một chuyến xe thì báo sáng sẽ trễ đến tay bạn đọc. Đò giang cách trở giữa hai bờ sông Hậu khi chưa có cầu Cần Thơ, nhiều bận kẹt phà, bác Trinh phải đi sang bờ bên kia nhận báo cho kịp giờ. Sau khi nhận đủ các loại báo xong, về nhà, vợ chồng bác tiến hành phân loại báo, đem giao lại cho các đại lý ở Cần Thơ trước 5 giờ sáng. Thời báo in thịnh hành, bác Trinh còn phân phối báo về cho các “mối mang” ở Sóc Trăng, An Giang.

Bác Trinh tâm sự, nghề phát hành báo nhiều cực nhọc không sao kể xiết. Cực nhất là vào mùa mưa, mùa nước nổi. Công việc phát hành báo thường xuyên diễn ra ban đêm nên ai nấy đều thiếu ngủ. Quanh năm suốt tháng cực nhọc cỡ nào cũng không dám bệnh, miễn sao có báo gởi đến tay bạn đọc sớm nhất.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, bác gìn giữ một kỷ niệm sâu sắc ghi dấu tình nghĩa vợ chồng thuở muối mặn gừng cay. Đó là vào giữa một đêm khuya mưa to gió lớn,  trên đường chở báo từ nhà đến bến xe ở đường Hùng Vương (bến xe Cần Thơ cũ) gởi về cho đại lý ở Sóc Trăng, ngang tới nhà thờ thì xe bể bánh. Đường lầy lội, ánh đèn vàng hiu hắt của cây cột điện trước nhà thờ phủ bóng xuống người vợ bé nhỏ đầu đội nón lá, bước đi liêu xiêu, hai tay ôm chặt gói báo được bọc kín bằng cao su. “Mỗi lần nhớ tới hình ảnh ấy, lòng tôi dâng niềm xúc động nhắc nhớ gian nan thời trẻ, vợ chồng đồng lòng cùng nhau vượt qua để nuôi con cái nên người”, bác Trinh bộc bạch. Cực khổ cũng có mà kỷ niệm vui cũng đong đầy. Hơn 30 năm đi giao - nhận báo, vợ chồng bác đều  cùng nhau. Những đêm khuya, đi giao báo về, hai vợ chồng thỉnh thoảng ghé ăn cơm tấm hay mua xôi trước các cổng nhà thờ, động viên nhau vượt khó, chung lòng nuôi các con khôn lớn nên người.

Theo trí nhớ của bác Trinh, thời cực thịnh của báo in khởi đầu những năm cuối của thế kỷ 20 và kéo dài đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Ở Cần Thơ, thời đó có trên 70 sạp báo hoạt động. Nhưng kể từ khi báo mạng ra đời và phát triển, thành phố chỉ còn non 30 sạp. Những bạn đồng nghiệp của bác Trinh hầu như đã không còn hành nghề. Bác Trinh kể tên một số sạp báo từng là địa chỉ thân thuộc của độc giả Cần Thơ mỗi sáng như Sạp báo Văn Lang ở bến xe Cần Thơ cũ (ở đường Hùng Vương), đại lý báo Trung Nghĩa ở Nhà văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, rồi một số sạp báo ở các tuyến đường 3 Tháng 2, đường 30-4 đều đã nghỉ bán. Dù vậy, vẫn còn bộ phận độc giả chuộng đọc báo in, đặc biệt là các bác lớn tuổi, trung niên, cán bộ hưu trí và một số bạn đọc trở thành tri kỷ chuộng đọc báo in. Vì lẽ đó, sạp báo của bác Trinh vẫn kiên trì phục vụ.

Đến nay, khi con cái đều đã trưởng thành, phần vì vợ chồng bác Trinh cũng đã tuổi cao, nên công việc phát hành báo được chuyển giao cho vợ chồng con gái đang sống chung với hai bác. Bác Trinh cho biết, hiện mỗi ngày, tổng số báo giao cho các đại lý và bán lẻ tại sạp của bác khoảng 700 tờ các loại. Dù chuyển cho các con tiếp nối nghề nghiệp, nhưng vợ chồng bác Trinh vẫn phụ giúp các con. Bác Trinh đảm trách việc lập kế hoạch, tập hợp nhu cầu tăng, giảm lượng báo của các đại lý mỗi ngày để chốt số lượng với các tòa soạn. Hai bác cũng thường xuyên có mặt ở sạp báo từ 4 giờ sáng bán phụ trong khi con gái đưa tụi nhỏ đến trường.

Cô Quý, vợ bác Trinh tâm sự: “Gia đình tôi sống với nghề bán báo này mấy chục năm, không giàu cũng không thiếu ăn, quan trọng mình biết đủ là đủ. Chúng tôi tìm được niềm vui trong công việc, có thêm nhiều hiểu biết giúp ích trong việc nuôi dạy con, cháu”.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết