16/01/2012 - 14:14

3 ý tưởng giúp ích cho kinh tế lẫn môi trường

Phong điện- nguồn năng lượng thân thiện
môi trường.

Bước sang năm mới, thế giới tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng kép: kinh tế trì trệ với tình trạng thất nghiệp lan rộng và hiện tượng ấm nóng toàn cầu gia tăng đe dọa nhiều nước. Nhiều người cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu giữa lúc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi kinh tế, song thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Việc đương đầu với biến đổi khí hậu được cho sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho kinh tế phát triển. Để minh chứng cho điều này, Vinod Thomas - quyền Chủ tịch Viện nghiên cứu Tài nguyên Thế giới và là tổng giám đốc bộ phận đánh giá độc lập thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) - giới thiệu 3 mô hình chính sách vừa có thể thúc đẩy kinh tế vừa cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng

Năng lượng là lĩnh vực có ảnh hưởng đáng kể đến khí hậu lẫn nền kinh tế toàn cầu. Chi phí dành cho năng lượng chiếm khoảng 8% GDP của cả thế giới, trong khi tạo ra 40% lượng khí nhà kính thông qua các hoạt động như sản xuất điện, sưởi ấm và công nghiệp. Tuy nhiên, chính phủ các nước có thể có được lợi ích khổng lồ thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả, vừa có thể tạo đà tăng trưởng vừa hạn chế đáng kể khí thải.

Ví dụ, Trung Quốc đang áp dụng đồng bộ các giải pháp như gia tăng đầu tư, qui định thưởng, phạt và tuyên truyền nâng cao nhận thức để cắt giảm sử dụng năng lượng ở 1.000 doanh nghiệp lớn nhất nước này. Những việc làm trên đã giúp quốc gia đông dân nhất thế giới giảm phát thải 265 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2006-2009. Theo chuyên gia Thomas, việc giảm dần các khoản trợ giá nhiên liệu cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch và tạo ra tăng trưởng. Ước tính trong năm 2010, thế giới đã chi 409 tỉ USD để trợ giá nhiên liệu.

Khai thác rừng bền vững

Hoạt động lâm nghiệp tạo ra khoảng 12% tổng lượng khí thải toàn cầu, nhưng cũng mang lại cơ hội lớn thúc đẩy kinh tế. Ví dụ, tại rừng Amazon, những người nuôi gia súc thường đốn hạ 1 ha rừng để lập một đồng cỏ trị giá khoảng 500 USD và thải ra hàng trăm tấn CO2 vào không khí. Một giải pháp đôi bên cùng có lợi là ngăn chặn phát quang rừng, đơn giản bởi vì rừng tạo ra giá trị kinh tế cao hơn đồi trọc. Với mức giá 10 USD/tấn khí thải không thải ra môi trường, những cánh rừng Amazon có thể tạo ra số tiền cao gấp nhiều lần trên thị trường kinh doanh khí thải so với chăn nuôi.

Một giải pháp khác là khôi phục các vùng đất cằn cỗi. Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, là ví dụ điển hình nhất. Cải tạo đất đai và phủ xanh đồi trọc kết hợp với chương trình hỗ trợ tái trồng rừng đã làm lợi cho 4,5 triệu người, đồng thời giúp gia tăng sản lượng lương thực và thu nhập của nông dân. Trong khi đó tại Brazil, nơi có khoảng 300 triệu ha đất rừng bị hoang hóa, tiềm năng tạo ra việc làm ở lĩnh vực nông nghiệp mà không cần phát quang rừng cũng được cho là rất lớn.

Đầu tư vào giao thông công cộng

Ngành vận tải tạo ra khoảng 12% tổng lượng khí CO2 nhưng được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội phát triển bền vững và sinh lợi nhiều hơn. Trên khắp thế giới, số người sở hữu xe hơi đang bùng nổ và tầng lớp trung lưu cũng tiếp tục tăng nhanh, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, làm giảm chất lượng không khí cũng như gia tăng khí thải. Mặc dù phát triển ngành công nghiệp ôtô có thể giúp ích cho việc phục hồi kinh tế của một nước, nhưng đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng sạch hơn được cho sẽ tạo ra lợi nhuận kinh tế nhiều hơn. Chẳng hạn tại Mỹ, nguồn quỹ kích thích kinh tế chi cho giao thông công cộng đã mang lại số giờ làm việc nhiều hơn so với đầu tư vào đường cao tốc.

Nhìn chung, việc thay đổi phương pháp phát triển kinh tế khác so với truyền thống sẽ không dễ dàng. Nhưng để đạt được các mục tiêu kinh tế từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả, khai thác rừng bền vững và đầu tư vào giao thông công cộng thì các nước - đặc biệt là những nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới - cần nhận thức rằng ứng phó với biến đổi khí hậu là biện pháp làm lợi cho đất nước, đồng thời giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết