* Xét nghiệm máu 3 trong 1 cải thiện hiệu quả điều trị ung thư TLT
Nhận biết dấu hiệu sớm và áp dụng biện pháp tự phòng ngừa có thể giúp quý ông kiểm soát căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến (TLT) trước khi quá muộn. Tin vui mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã công bố nghiên cứu đột phá hứa hẹn chữa trị dạng ung thư phổ biến ở nam giới bằng các hợp chất tự nhiên từ thực vật.
Vỏ táo, nghệ và các quả mọng (từ trái sang phải). Ảnh: rd.com
Các nhà khoa học tại Đại học Texas-Austin bắt đầu nghiên cứu bằng cách thử nghiệm 142 hợp chất tự nhiên có trong nghệ, vỏ táo và trà xanh đã được xác định có hiệu quả trong việc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Sau khi thử nghiệm các hợp chất này trên tế bào của chuột và người, Tiến sĩ Stefano Tiziani thuộc Khoa Khoa học Dinh dưỡng và Viện Nghiên cứu Nhi khoa Dell cùng cộng sự phát hiện có 3 hợp chất đạt hiệu quả cao nhất trong việc ức chế tế bào ung thư. Đó là axít ursolic một hóa chất tự nhiên có trong vỏ táo và cây hương thảo; curcumin thành phần chính trong củ nghệ; và resveratrol hiện diện trong quế, nho đỏ và các loại quả mọng (như dâu tây, anh đào, việt quất, mâm xôi
). Sau khi tham chiếu từ thư viện hợp chất tự nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự kết hợp các chất dinh dưỡng này có hiệu quả khống chế ung thư TLT tốt hơn các loại thuốc hiện hành. Phát hiện tuyệt vời của nghiên cứu là hợp chất nói trên có thể ức chế sự phát triển của khối u mà không gây tác dụng phụ độc hại nào.
Công bố trên tạp chí Precision Oncology, nhóm nghiên cứu giải thích rằng khi bị tổn thương và suy yếu do tình trạng viêm nhiễm mãn tính, bắt nguồn từ các bệnh tự miễn dịch hoặc béo phì, các tế bào trong cơ thể nhiều khả năng biến đổi thành tế bào ung thư. Trong khi đó, các dưỡng chất thực vật mang đến tác dụng giảm viêm, hạ thấp nguy cơ biến đổi tế bào thành dạng ác tính. Còn trong điều trị bệnh, những hợp chất này ngăn tế bào ung thư hấp thu năng lượng, khiến chúng dần "chết đói".
Phát hiện về "vũ khí" phòng chống ung thư TLT trong thực phẩm thông dụng được xem là một đột phá đáng kể, song Tiến sĩ Tiziani cho rằng chỉ tiêu thụ thực phẩm chứa 3 chất nói trên không đủ để phòng chống bệnh, mà chúng ta cần phải hấp thụ với nồng độ cao mới có thể tác động đến các tế bào ung thư.
Cũng trong nỗ lực phòng chống ung thư TLT, các nhà khoa học Anh đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm máu 3 trong 1 mà họ tin sẽ làm thay đổi cách điều trị ung thư TLT giai đoạn cuối, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống.
Bằng cách xét nghiệm ADN ung thư trong máu, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) ở Luân Đôn và Bệnh viện Royal Marsden NHS phát hiện họ có thể nhận biết bệnh nhân nào đáp ứng tốt với olaparib, một loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế PARP. Họ cũng sử dụng phương pháp xét nghiệm mới để phân tích ADN trong máu sau khi bắt đầu điều trị, giúp nhận diện những ai không phản ứng với liệu pháp đang dùng và chuyển sang liệu pháp khác chỉ trong 4- 8 tuần. Phương pháp sinh thiết lỏng này còn được dùng để theo dõi bệnh nhân suốt quá trình điều trị nhằm sớm phát hiện dấu hiệu ung thư đang tiến triển và có thể trở nên kháng thuốc điều trị.
Theo Giáo sư Johann de Bono thuộc ICR, xét nghiệm máu phát hiện ung thư hứa hẹn là cuộc cách mạng thực sự vì chi phí thấp và dễ sử dụng. Nhưng quan trọng nhất, đây là phương pháp không xâm lấn, có thể áp dụng hàng ngày để theo dõi bệnh nhân có đáp ứng điều trị hay không, mang đến cho bệnh nhân cơ hội tốt nhất để sống sót.
HẠNH NGUYÊN (Theo rd.com, Guardian)