18/07/2022 - 20:14

1C - con đường huyền thoại

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bảy mươi hai

NGÀY TOÀN THẮNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.     Khi các đội quân hiếu chiến của Thiệu triển khai các mũi lấn chiếm, thực hiện trối chết cuộc Việt hóa chiến tranh, để giành thế mạnh ở Hội nghị Paris, dù đó là một điều tuyệt vọng. Thiệu phái Trần Văn Ðôn sang Paris nắm tin và trở về báo cho Thiệu biết: Mỹ và phái đối lập đề nghị Sài Gòn phải thành lập nội các có những phần tử từ hữu đến tả và trung lập để làm việc với nhau theo tinh thần Hiệp định Paris. Thiệu nghi ngờ Ðôn đã phản mình. Trần Văn Ðôn bàn với giáo sư Bùi Anh Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, Trần Văn Du, giáo sư Phạm Văn Diêu về “giải pháp phi liên kết” và trình bày với Thiệu tại Dinh Ðộc Lập ngày 31-1-1973, nhưng Thiệu e dè và bỏ qua. Chần chừ mãi đến 2 năm sau, khi quân Giải phóng tiến sát Sài Gòn, Thiệu mới giao Trần Văn Ðôn giữ chức Phó Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng ngày 14-4-1975 trong Chánh phủ do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Không thực hiện được “giải pháp chánh trị” do mình đề ra, Trần Văn Ðôn bay ra chiến trường. Bấy giờ áp lực của cuộc Tổng tiến công phía cách mạng đã làm vỡ tuyến phòng ngự quân đội Sài Gòn. Ðêm 18-4 Phan Rang mất, ở đó có nhiều đơn vị ngụy chiến đấu giỏi, nhưng do binh lính mất tinh thần và cấp chỉ huy hoảng hốt. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị ta bắt. Tối hôm sau ngày 19-4-1975 Phan Thiết bị mất và binh sĩ ngụy không còn tinh thần chiến đấu, dù Ðại tá Tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa bố trí binh sĩ khắp nơi có tính cách chiến lược. Nhưng nghe tiếng đoàn xe tăng quân Giải phóng tiến vào thành phố là lính ngụy bỏ súng chạy thoát thân. Nhiều sĩ quan rã ngũ, không báo với thượng cấp của chúng.

Trung tướng Lê Nguyên Khang sau một cuộc điều tra về quân tình, ngày 18-4-1975 đã báo với Thiệu danh sách các tướng tá cần quản thúc vì làm mất miền Trung, gồm Trung tướng Lâm Quang Thi, Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Thiếu tướng Lâm Quang Thơ và Chuẩn tướng không quân Nguyễn Ðức Khánh, cùng Ðại tá Tỉnh trưởng thuộc các tỉnh và thành phố bị rơi vào tay Giải phóng quân như Quảng Tín, Ðà Lạt, Nha Trang, Phan Rang… Những tướng tá trên đều bị quản thúc, trừ Ngô Quang Trưởng, lý do “đang phụ tá hành quân cho Ðại tướng Cao Văn Viên” theo lời Thiệu thông báo. Nhưng Ngô Quang Trưởng vẫn tự đến gia nhập vào “nhóm sĩ quan bỏ mất miền Trung” để bị quản thúc, khỏi phải ra trận mà chết oan, trong khi quân đội tan rã thì Trần Văn Ðôn lấy làm tiếc là Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn không phải là người của tình thế, cũng không phải là người dốc tâm dốc sức để giải quyết cơn bệnh đến lúc ngặt nghèo của “Việt Nam cộng hòa”.

Trần Văn Ðôn:

- Nhân có các vị tướng lĩnh trong nhóm sĩ quan bị quản thúc vì để mất miền Trung ở đây, tôi xin nói ông Cẩn là một người bất lực, và sẽ không làm được trò trống gì trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này. Ðối phương của chúng ta đã “hợp tung” được các thế mạnh trùng trùng của dân tộc cả hai miền, ngay cả những người trong thành phố Sài Gòn và trong cả đội ngũ sĩ quan, công chức của ông Thiệu cũng có người của họ.

Nguyễn Ðức Khánh:

- Trung tướng Ðôn nói đúng ý tôi, Cao Văn Viên dù không được Thiệu tin cậy, nhưng Thiệu phải dùng ông ta. Vì ngoài ông ta ra thì các tướng lĩnh khác sẽ phản Thiệu ngay. Còn Viên cũng biết Thiệu không trọn tin mình, nhưng nếu tách Thiệu, chống Thiệu, thì sẽ bị quản chế, hoặc bị hạ sát cũng không chừng.

Phạm Quốc Thuần:

- Cái tay Lê Nguyên Khang này thật nguy hiểm. Ông ta ăn lương của CIA và một mặt làm việc cho CIA, theo dõi Thiệu, một mặt dùng tay Thiệu để sát phạt anh em ta mà Khang cho là khối “phi liên kết”.

Lâm Quang Thơ:

- Ông Cẩn đứng đầu nội các có nhiều chuyên viên và chánh trị gia, được xem là mạnh hơn nội các Sài Gòn trước đó, cái trào Nguyễn Văn Hảo làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ.

Trần Văn Ðôn:

- Ông Thơ nhận định đúng, lần này Thủ tướng Cẩn gồm thâu được sự ủng hộ loanh quanh của giáo sư Phạm Thái, kỹ sư Dương Kích Nhưỡng (Phó Thủ tướng đặc trách Cứu trợ và định cư); các quốc vụ khanh gồm luật sư Lê Trọng Quát, luật sư Vương Văn Bắc (Tổng trưởng Ngoại giao), giáo sư Nguyễn Xung Phong, luật sư Ngô Khắc Tịnh (Tổng trưởng Tư pháp), ông Bửu Viên (Tổng trưởng Nội vụ), tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Tổng trưởng Kế hoạch), giáo sư Trần Văn Mãi (Tổng trưởng Xã hội), nghị sĩ Tôn Thất Niệm (Tổng trưởng Y tế), kỹ sư Nguyễn Xuân Ðức (Tổng trưởng Công chánh giao thông), giáo sư Nguyễn Duy Xuân (Tổng trưởng Văn hóa) và nhiều người khác cá mè một lứa không kể xiết.

Ngô Quang Trưởng:

- Xin lưu ý với quý vị tướng lĩnh, ông Cẩn chuẩn bị một cái nội các thua cuộc Việt cộng thật là hoàn mỹ. Mất mặt đông có lẽ đỡ xấu hổ hơn là mất mặt ông Cẩn và một ít người. Cái nội các này nghe đại pháo của quân Việt cộng nã vào Tân Sơn Nhất, thì không dám ló mặt ra cửa sổ!

Trần Văn Ðôn:

- Và đây, đây là bản tin ngoạn mục tôi vừa nhận được: ông Trần Văn Hương đăng quang thay Thiệu làm Tổng thống!

Tất cả tướng lĩnh:

- Thôi rồi rồi! Coi như đi đời nhà ma! Mấy hôm rày Thiệu khóc sướt mướt và cay cú chửi quan thầy Mỹ. Thiệu vừa nằm vạ, vừa liều mạng và đã cao bay xa chạy với mấy rương vàng tính đến số tấn cùng gia đình sang nước ngoài an hưởng tuổi già sau mấy năm quậy phá nát miền Nam đất nước.

Trần Văn Ðôn:

- Ông Hương thay Thiệu sẽ tô đậm thêm hình ảnh tàn tạ của buổi hoàng hôn chế độ ta. Ông Hương nay đã 71 tuổi còn gì. Ông đi với cây cù ngoéo, đôi mắt kiếng đen, đầu sói, lưng khom, giọng khàn khàn như một vị giáo già lẩm cẩm. Thế là hết!!

Các tướng lĩnh Sài Gòn cứ thế bàn hết chuyện này sang chuyện khác, toàn những chuyện bi thảm. Tuy nhiên, chết tới nơi mà họ vẫn nói xấu Thiệu bằng chuyện tiếu lâm để chọc cười nhau qua thời buổi gian nan nhất của đời chiến binh mà cái chết thảm bại hoặc cuộc lưu vong đang chờ đợi họ… Ngô Quang Trưởng tiếp theo những chuyện tiếu lâm bằng chuyện cổ tích “Thợ rừng mất búa”: Có một người thợ rừng bị văng búa xuống sông sâu, không tài nào lặn xuống vớt lên được, mất phương tiện làm ăn sinh sống, anh ta đành khóc mướt. Một vị thần oai phong hiện ra hỏi: “Tại sao nhà ngươi khóc?”. “Thưa linh thần, con bị văng búa xuống sông, con mất búa không có gì để đốn củi bán mua gạo”. Vị thần bảo “Ta sẽ giúp cho ngươi”. Nói xong thần biến xuống nước và mang lên một cây búa bằng vàng: “Phải cây búa này của nhà ngươi không?”, người thợ rừng trả lời: “Dạ thưa không!”. Vị thần lại biến xuống nước và đem lên một chiếc búa đồng: “Phải chiếc búa này của ngươi không?”. “Dạ không” - người thợ rừng đáp. Vị thần lại biến xuống nước lần thứ ba và đem lên cây búa của chính người thợ rừng. “Phải cây búa này của ngươi không?”. “Dạ phải” - người thợ rừng mừng rỡ đáp và cúi chào thần linh với lòng biết ơn. Vị thần bảo: “Ngươi là người chân thật, không buôn lậu ma túy, không cố vị tham quyền, nên ta cho nhà ngươi cả 3 cây búa. Từ nay ngươi thoát nghèo bởi có một đời sống sang cả không thua ai…”. Một tay thợ rừng khác nghe biết việc này, cũng ra khúc sông đó diễn trò y như vậy. Vị thần rừng cũng hiện lên với chiếc búa vàng. Và khi thấy chiếc búa, tên thợ rừng tham lam vồ lấy và bảo “Ðây chính là chiếc búa của tôi đây!”. Thần rừng nổi giận giật chiếc búa vàng về tay mình và biến mất… Tham là thâm…

Sau những câu chuyện tiếu lâm và cổ tích, các sĩ quan quân đội Sài Gòn không biết phải làm gì, họ ngồi buồn nhìn qua cửa sổ: thấy bên ngoài xe cộ và người hoảng loạn tháo chạy ngược xuôi, trong đó sĩ quan, công chức và lính với nét mặt bơ phờ, buồn thảm đi dưới nắng trưa. Sài Gòn “Hòn ngọc viễn Ðông” trong tay Mỹ Thiệu Kỳ đã đến giờ cáo chung để thoát thay chế độ. Các sĩ quan bàn với nhau “Ta nên tìm áo quân dân sự mà mặc vào để tháo chạy hoặc làm tù binh cho “người anh em” cùng nước da vàng, cùng tiếng nói và cùng giống nòi Hồng Lạc”.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết