13/07/2022 - 19:51

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương sáu mươi chín

GIẢI TÙ BINH MỸ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Trung ương Cục chỉ thị cho Quân khu 9 chọn phóng thích một số tù binh Mỹ qua giáo dục học tập có tiến bộ, chủ yếu là Mỹ da màu, để phục vụ cho yêu cầu đấu tranh ngoại giao và Hội nghị Paris. Phòng Chánh trị Quân khu 9 chỉ đạo cho Ban địch vận và trại tù binh Mỹ (tức J 36) trực thuộc Ban địch vận, tổ chức thực hiện.

Ðồng chí Năm Long:

- Báo cáo các đồng chí, Phòng Chánh trị đã sàng lọc, kiểm tra đánh giá từng tên để tập thể xem xét và quyết định phóng thích 3 tên Mỹ gồm có: Jacson, bác sĩ quân y bị bắt trận Bình Hưng; Johnson, thượng sĩ bị bắt trận Lục Phi; Fisjer, trung sĩ, y tá chủ nhiệm câu lạc bộ, bị bắt trận Tân Phú. Những tù binh này đều tuổi trẻ và đều sang miền Nam bằng chế độ quân dịch. Thời gian học tập cải tạo tốt.

Ðồng chí Sáu Luân:

- Ta phải đưa 3 tên tù binh này giao cho C112 - Trung ương Cục. Phòng Chánh trị quyết định phân công 3 đồng chí trực tiếp quản lý và một cán bộ của Ban binh vận Khu làm phiên dịch gồm: đồng chí Hai Khản Ban binh vận Khu (phiên dịch), đồng chí Sáu Thành, đồng chí Hai Hùng, đồng chí Tư Kiệt. Ðồng chí Tư Kiệt có nhiệm vụ chung, xử lý mọi tình huống xảy ra trên đường, áp tải số tù binh trên đến căn cứ Trung ương Cục ở Campuchia giao nhận cho bộ phận nghiệp vụ, rồi cùng anh em trở về.

Ðồng chí Tư Kiệt:

- Như vậy, theo ý cấp lãnh đạo, chúng tôi đi bằng cách nào?

Ðồng chí Năm Long:

 - Chúng ta đi theo con đường vận chuyển vũ khí của thanh niên xung phong tuyến 1C. Hiện nay không có cách nào tốt hơn là thông qua con đường này, để được sự giúp đỡ của Ðoàn 195 và Liên đội Thanh niên xung phong để đến nơi quy định.

Ðồng chí Sáu Luân:

- Các đồng chí phải chuẩn bị đầy đủ vũ khí tự vệ bằng súng bén và chất nổ để phản xung phong, lương thực và thuốc trị bệnh, thuốc cứu thương. Ðến ngày xuất phát các đồng chí sẽ đi đường Biển Bạch - Thới Bình, đơn vị đưa đường sẽ tiến dẫn các đồng chí đến trạm Cái Nứa, tỉnh Kiên Giang thuộc tuyến 1C. Ban lãnh đạo thanh niên xung phong có nhiệm vụ hỗ trợ các đồng chí chuyển hàng đặc biệt tuyệt đối không được lộ và mất. Phòng Chánh trị đã có liên hệ đến Ban chỉ huy tuyến 1C bố trí trạm từng chặng chặt chẽ.

Ðồng chí Năm Long:

- Ðồng chí Hai Khản phải giải thích cho 3 tù binh Mỹ hiểu rõ là ta áp tải họ đi đến nơi phóng thích, trả họ về nước và gia đình theo nguyện vọng của họ, xuất phát từ lượng khoan hồng của ta. Giáo dục lý tưởng yêu chuộng hòa bình và lên án chiến tranh cho những chàng trai da màu này nhận thức kẻ thù của nhân loại là tập đoàn quân phiệt Mỹ gây chiến tranh làm cho nhân loại đau khổ và thanh niên chết chóc. Ðồng thời nói cho họ biết phải trải qua những đoạn đường bị đối phương đánh phá ác liệt để giành dân, chiếm đất. Xây dựng họ phải có tinh thần tổ chức kỷ luật cao và sẵn sàng hợp tác với ta vượt mọi khó khăn gian khổ để đến nơi trao trả tù binh.

Ðồng chí Hai Khản:

- Mấy chàng trai Mỹ này trẻ trung và cũng lí lắc lắm. Nhớ nhà, nhớ người yêu thì khóc, bị muỗi cắn, sợ bóng tối trong trại cải tạo cũng khóc. Nhưng khi được ăn thịt rừng, được uống cà phê và được đọc báo Anh ngữ thì mừng vui rối rít. Họ thường ca hát và nói tiếu lâm như những chàng trai mới lớn của mình vậy. Với tôi thì các bạn trẻ này chơi thân lắm. Chúng gọi tôi bằng Thiếu tá dù tôi không có gắn ga-lon. Mỗi lần gặp tôi hay mò túi xem tôi có thuốc lá thơm không. Ðược nghe Chánh phủ ta quyết định thả, chúng vui mừng không tả xiết. Chúng dự định về nước sẽ họp báo công bố lập trường phản chiến và kêu gọi thanh niên Mỹ chống chiến tranh…

Ðồng chí Sáu Thành:

- Theo tôi được biết thì Ban chỉ huy tuyến 1C chuẩn bị ghe mui ống cho 7 người của chúng ta, kể cả 3 tù binh Mỹ. Ghe này để ta ở trong, bên ngoài ngụy trang bằng chuối, khóm, mía… như chở đồ hàng bông đi mua bán. Vì tuyến đường xa, sông lớn, chạy máy nên phải đi ban ngày. Ðúng 1 giờ chiều nay theo hợp đồng ta phải đến để ghe rời bến.

Bằng kinh nghiệm ngụy trang qua mắt giặc, Ban Chỉ huy Liên đội Thanh niên xung phong đã cử những cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp điều khiển phương tiện. Khoảng gần 1 giờ, anh em ta dẫn 3 tù binh Mỹ với cách ăn mặc đồ bà ba, đội nón lá, cổ quấn khăn rằn và vui cười đi chen lẫn với cán bộ của ta, cũng đóng vai khách thương hồ mua bán hàng bông. Mọi người gặp đều không biết đó là 3 tù binh Mỹ. Họ ngỡ đó là những người Khmer to con, đi làm thuê vác mướn gì đó. Khi tất cả bước xuống ghe, 3 tù binh Mỹ cùng 4 cán bộ ta thư thả ngồi uống trà khoảng giữa lòng ghe mui ống, chung quanh chất đầy mía, khóm, chuối và nhiều loại trái cây khác. Jacson nói với đồng chí Hai Khản: “Anh Hai ơi, lần đầu tiên tôi đi cái kiểu này. Chừng về Mỹ tôi nói cho mẹ nghe, chắc bà không hình dung nổi!”. Còn Johnson thì xin ăn mía. Nó tập xước mía và nhai rào rạo như một chú voi con. Riêng Fisjer thì ngâm thơ, hay ca hát gì đó có vẻ thích chí lắm.

Ðến khi qua lộ, chúng tôi chuyển phương tiện đi bằng xuồng ba lá, mỗi xuồng 3 người: 1 người của trạm, 1 người của Tổ áp tải và 1 tù binh Mỹ. Xuồng được ngụy trang cẩn thận, các đồng chí sinh hoạt khẩu, ám hiệu. Qua lộ tuyệt đối không hút thuốc, không nói chuyện, chú ý nghe và nhận lịnh. Xuồng bơi trong kinh mương đầy lau sậy. Mãi đến 12 giờ đêm, xuồng dừng lại, kiểm tra các thứ gọn gàng, không được rơi sót một thứ gì. Khi tới lộ, một tốp xe tuần tiễu của địch đi qua. Các đồng chí trạm nhanh chóng đưa chúng tôi qua lộ xong. Bộ phận trạm mới tiếp nhận chúng tôi và hành quân đến 3 giờ sáng mới tới điểm dừng. Sáng ngày thứ ba, một chiếc L.19 lại quần đảo. Các đồng chí trạm thông báo địch có thể càn quét. Mà ta không thể di chuyển “hàng” như các thứ khác - vì đây là những tên Mỹ cao lêu nghêu, lại đi giữa ban ngày, nên ta phải ở lại tại chỗ thôi, vậy ta củng cố công sự, ngụy trang thật kỹ để tránh phi pháo và cảnh giới để ngăn giặc từ xa.

Cứ như vậy, đoàn áp tải tù binh chúng tôi được thanh niên xung phong tuyến 1C đưa từ trạm này sang trạm khác, khi đi giữa ban ngày, mặc cho L.19 quần đảo, hoặc trực thăng phóng pháo. Khi hành quân ban đêm dưới ánh sáng đèn dù và tầm pháo 105 bắn chận xung quanh tuyến đường ta. Thường là 2, 3 giờ khuya chúng tôi mới tới trạm nghỉ. Trạm là bờ chuối, có chòi căng cao su phủ đầy lá chuối khô, kế bên là công sự. Cơm nước xong, chúng tôi thay phiên nhau trực và chuẩn bị đưa “hàng” đi tiếp. Có một chuyện khó quên là khi đến trạm Tràm Dưỡng, các đồng chí thanh niên xung phong yêu cầu được xem mặt các tù binh Mỹ, vì lâu nay đánh Mỹ mà chưa từng nhìn Mỹ tận mặt. Ðến khi thấy anh Hai Khản, cán bộ binh vận Khu, có nước da ngăm đen, râu quay nón, rất giỏi tiếng Anh, đi làm phiên dịch, đang ngồi cạo râu, hỏi ngay: “Mầy bị bắt bao lâu rồi? Nhớ vợ dữ hôn? Ðược phóng thích mừng không?”. Anh Hai Khản và chúng tôi chưa kịp trả lời, đồng chí tiếp: “Bị bắt hồi nào?”. Chúng tôi không nín được cười. Ðồng chí hỏi: “Vậy mầy là ai?”. Anh Hai Khản nói vui: “Cũng không mừng và cũng không nhớ vợ, vì là cán bộ, không phải tù binh Mỹ!”. Cả nhóm cười ồ lên. Ðồng chí chữa thẹn, xin lỗi rối rít. Sau trận cười, chúng tôi hé vách lá chuối cho đồng chí xem rồi đồng chí quay lại: “Trời ơi, sao mà anh Hai giống Mỹ quá vậy. Mà lúc nãy tôi cũng quên, nó có biết tiếng Việt đâu mà làm một hơi…”. Qua câu chuyện, chốc lát đồng chí ân cần dặn chúng tôi: “Cần gì các anh báo nhé!”.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết