♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương sáu mươi hai
TIẾNG HÁT MO SO
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
Để chứng tỏ giặc không thể diệt được ta, đêm đó, ta dùng dầu lửa đốt đèn măng-xông và ca hát, vỗ thùng, vỗ soong rầm bung liên hoan. Bà con quanh núi nghe loa phóng thanh từ trong núi phát ra chương trình văn nghệ có tiếng ca vọng cổ của Thanh Hùng, Ngọc Hoa và nghệ sĩ Ngọc Anh, họ hết sức vui mừng phấn khởi vì chúng ta không bị trận hỏa diệm sơn của địch tiêu diệt. Còn thằng địch ở núi Quĩnh bỏ ống dòm qua, nó thấy ta liên hoan ca hát và mỗi lần dứt bài thì lại nã đạn pháo vào các cụm đóng quân của chúng ở giữa đồng. Chúng mới la lên: “Các anh chị Việt cộng ơi, cho chị Ngọc Anh ca nữa đi, đừng pháo kích, để tụi tui thưởng thức văn nghệ một đêm đi!”. Ta không pháo kích và mấy anh cán bộ binh vận lại mở băng cassette phát những bài vọng cổ lâm ly cho chúng nghe, để chúng nhớ nhà, và sau đó bỏ ngũ quay về với cha mẹ vợ con.
Cứ như vậy, tại núi Mo So này đội phẫu thuật dã chiến của mình đã cứu chữa hàng mấy trăm thương bệnh binh với những ca đại phẫu thuật mà mình cũng tập trung nhau giải quyết thắng lợi. Trong hang núi, mà ta trú đóng có vòm thung lũng tròn như một lâu đài, và lại có sân đá rộng lớn để ta làm sâu khấu biểu diễn văn nghệ, cho nên nhiều đêm anh chị em ta tổ chức vui chơi ca hát, vũ múa, ngâm thơ và thổi sáo, Hải tặc cùng một lão nghệ sĩ ở hang Công Trường thường đồng thổi hai tiếng sáo hòa âm vi vút trong lòng hang.
Cho đến một ngày ta được lệnh di chuyển khỏi Mo So thân yêu, cũng là lúc ta bận rộn thu xếp nhiều chiến thương để chuyển ra khỏi hang và vượt qua tầm kiểm soát của địch. Cũng như quân y ở Hòn Ðất, sau 132 ngày đêm bị bao vây đánh phá, ta cùng với đơn vị bạn hợp đồng nhau chuyển quân đi về phía bên kia bờ biên giới để tránh sự đánh phá khốc liệt của địch, bảo toàn thương binh và đơn vị chuyên môn. Cái hay của ta là ngay cả những thương binh mù mắt, gãy chân, bị thần kinh, mất trí… ta cũng dùng thuốc an thần khiêng cõng, dắt dìu anh em ra khỏi vòng vây với tinh thần sống chết có nhau. Có một điều chua xót trong trận này, giờ cuối cùng ta để lại một nữ đồng chí là Tám Hoa. Hoa bị một vết thương vào ngực xuyên qua tim, không còn cách thu xếp nào khác hơn là ta giăng mùng nơi Tám Hoa thường nghỉ đêm lúc cùng ở trong hang hòn, đắp mền cho cô, rồi đồng đội mặc niệm và bạn bè cúi xuống hôn lên vầng trán thanh thản của người con gái hoa niên, hy sinh vì Tổ quốc, nằm lại một mình trong hang lạnh lúc đồng đội đi xa: “Thôi, Hoa ở lại đây, để chúng mình tiếp tục chiến đấu trả thù cho bạn. Ngày chiến thắng chúng tôi sẽ trở lại đưa Hoa về nghĩa trang quê hương, Hoa nhé!”. Nước mắt đồng đội rơi lã chã trên nền đá của lòng núi anh hùng. Ðó là một buổi tiễn biệt nhau với nỗi xúc động thiêng liêng và to lớn không lời nào mô tả nổi.
Vẫn chiếc võng lắc lư, bác sĩ Chín Tần lấy khăn tay chậm nước mắt bởi những kỷ niệm thương xót trào dâng trong tâm hồn cao thượng của người chiến sĩ từng trải. Những ý nghĩ của tháng ngày oanh liệt qua lại tiếp tục nối dài ký ức Mo So.
Lại một lần khác, sau một trận bom oanh tạc dữ dội. Quần thể núi căn cứ gần như thay đổi diện mạo nghìn năm, bởi những trái bom tấn, bom đìa làm xê dịch những tảng đá khổng lồ, lấp cả những miệng hang, làm nghiêng lệch và chặn nghẹt lối đi trong những đường hầm, lò ảng. Khi bom vừa dứt, mình cùng một số anh em phóng lên khỏi chỗ trú ẩn, gọi to: “Anh em có sao không, anh em có sao không?”. Anh em ở các hang núi trả lời: “Không sao, chúng tôi còn đủ, không sao anh Chín ơi!”. Nhưng có một hang núi mình đến gần mà hỏi mãi anh em không trả lời. Bấm đèn pin mới thấy cửa hang bị một tảng đá khổng lồ vừa lấp. Ðó là do chấn động của trái bom tấn gây ra. Khi ta gọi: “Anh em có sao không ?” rồi kê tai vào kẽ đá mới nghe rõ tiếng đồng đội từ trong hang tối phát ra: “Các đồng chí ơi hãy cứu chúng tôi, chúng tôi gồm 4 người là Nhân, Hạnh, Dũng, Thái quê ở tỉnh Thái Bình, chiến sĩ Ðại đội III, Tiểu đoàn II, Trung đoàn 10 - bộ đội miền Bắc chi viện cho Tây Nam Bộ… Cứu chúng tôi các đồng chí ơi!”. Mình đã huy động chiến sĩ, đồng bào địa phương cùng các đơn vị chung địa bàn tập trung đến tìm cách xeo tảng đá, cứu các đồng chí. Nhưng loay hoay mãi cho tới gần sáng mà vẫn không giải quyết được tảng đá khổng lồ lấp miệng hang. Bởi đánh trái thì anh em sẽ hy sinh vì chấn động, mà xeo nại thì không ăn thua đối với một tảng đá như trái núi nhỏ! Cuối cùng, khi thấy trực thăng giặc xuất hiện với tiếng động từ phía căn cứ Chi Lăng, báo hiệu một ngày càn quét mới để tiếp tục “tìm diệt” quân ta, các đồng chí trong hang mới nói vọng ra: “Các đồng chí ơi, đừng lưu luyến chúng tôi nữa, chúng tôi hy sinh trong lòng hang đây, cũng là hy sinh tại chiến trường để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, các đồng chí hãy thay chúng tôi tiếp tục chiến đấu trả thù cho nhau và lập công to cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Xin các đồng chí giữ mảnh giấy có địa chỉ này, bao giờ ta toàn thắng, các đồng chí mang về cho gia đình chúng tôi biết là chúng tôi hóa thành đồi núi chiến đấu của miền Nam thân yêu. Xin vĩnh biệt nhau. Chúc các đồng chí nhiều chiến công vinh quang nhất”.
Ðó rồi từ ngoài hang, anh em ta nói những lời thắm thiết nhất để an ủi và vĩnh biệt đồng đội trong hang. Các chiến sĩ kẹt trong hang lại hát bài “Tiếng hát trên rừng Bắc Pó” của Nguyễn Tài Tuệ để gởi lòng đến hồn thiêng sông núi và anh linh Bác Hồ vạn lần kính yêu, cũng để hoan tiễn đồng đội đứt ruột lên đường trước khi trời sáng. Dàn nhạc Tân Tây Lan từ hạm đội 7 và các cụm pháo ở Hà Tiên, Chi Lăng, Kiên Lương lại giao hỏa với tiếng nổ ầm ì rung rinh nhiều trái núi như vỗ nhịp cho đoàn quân đi…
(Còn tiếp)