23/06/2022 - 10:54

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi

CHIẾN THẮNG Ở HÒN ĐẤT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Các cháu quay chung quanh, tập trung ánh mắt thân thương và thán phục nhìn người kể chuyện là một nhân chứng, đang hiện diện trong sự kiện lịch sử dữ dội của Hòn Đất thời đánh Mỹ. Các cháu ríu rít quanh cô Thanh Xuân, và mỗi lần cô nói dứt câu các cháu vỗ tay nô nức hoan hô. Núi rừng Hòn Đất như sống lại những tháng năm oanh liệt xưa của mình. Những bông hoa, cây trái, chim muông cư trú quanh hòn như cũng hòa vui cùng loài người cao quý và tự hào với lịch sử vệ quốc của họ.

Chú Năm Rự, cô Thanh Xuân và các cô chú cùng đi, lại quây quần cùng các cháu để vũ múa ca hát những bài truyền thống và quay phim chụp ảnh để lưu niệm… Các cháu lại hỏi:

- Thưa cô giặc đang bao vây quanh hòn, khối lượng vũ khí và lương thực khá lớn, mà bãi biển thì trống trải, vậy cô chú làm sao chuyển vào hang?

Cô Thanh Xuân trả lời:

- Các cháu hỏi rất đúng. Đó là một vấn đề nan giải mà ta phải khắc phục. Khi ta đi ngoài tuyến biển, cắm cờ quẻ ly, giặc nghĩ là ngư dân hoặc người mua bán. Nhưng khi ta ghé vào bãi biển cạnh Hòn Đất, thì chúng sẽ nghi ngờ. Do vậy ta ghé một nơi có ngư dân ra vào mua bán cá tôm. Những chiến sĩ ta sắc phục nghi trang như người đánh lưới, rồi dùng cần xé khiêng vác cá tôm mà tải vũ khí và lương thực đi vào hòn bằng thế bán hợp pháp. Cũng có trường hợp, ta dùng ống dòm quan sát giặc lơi lỏng bỏ trống những khoảng cách mà chúng không ngờ, ta nhờ những khoảng cách đó nhanh chóng đưa vũ khí và lương thực của ta vào hang…

Các cháu hỏi tiếp:

- Thưa cô, các cháu đọc sử Hòn Đất, được biết có một lần, giặc chiếm được hang hòn, nhưng các cô chú đã kịp thời dời thương binh sang một hang khác mà chúng không tìm ra?

Cô Thanh Xuân:

- Đúng như vậy. Nhưng chi tiết này chú Năm Rự nắm rõ hơn cô.

Các cháu quay sang chú Năm Rự:

- Vậy xin chú Năm kể lại sự kiện có lần giặc chiếm hang mà không diệt được lực lượng ta cho các cháu nghe.

Chú Năm kể:

- Câu hỏi các cháu làm chú nhớ lại, càng thêm tự hào về sáng kiến và lòng dũng cảm của đơn vị mình lúc bấy giờ. Thời gian ta hết đạn để bảo vệ mình, thằng địch biết được nên chúng cho quân cảm tử dùng thủ pháo xông vào chiếm hang ta. Ta cũng có một đội cảm tử dùng thủ pháo và võ thuật cầm cự với chúng quyết liệt ngoài cửa hang, để trong này anh em ta chuyển thương binh đi một nơi khác. Kết quả là ta chuyển đi một hang khác cách đó không xa, nhưng ta dùng đá lấp cửa ngách thông đồng, nên chúng pha đèn và quăng thủ pháo, chẳng phát hiện được ta ở đâu. Thằng chỉ huy tuyên bố là tất cả bọn Việt cộng ở dưới hang bị thủ pháo giết sạch nên không còn nghe tiếng động của sự sống nữa. Đó rồi chúng kéo nhau ra khỏi hang, và ta trở về “căn nhà cũ” của mình để tiếp tục sống, cứu chữa thương binh và chiến đấu.

- Thưa cô chú, trường hợp có liệt sĩ bỏ mình trong hang, thì ta giải quyết sao?

Chú Năm Rự kể tiếp:

- Thời gian ta bị bao vây trong hang, có 6 ca hy sinh. Ta dùng vải che mưa bó chặt tử thi đồng chí mình lại, cùng mặc niệm rồi chờ đêm tối đưa lên an táng bí mật ở một bãi cát không xa hang hòn lắm. Sau khi giặc rút, ta lấy cốt đưa về nghĩa trang Hòn Đất.

Cô Thanh Xuân tiếp lời:

- Các cháu biết không? Chính lần giặc xông vào chiếm hang ấy, chú bé Kiến 15 tuổi mà cô chú nhắc lúc nãy nằm lại tại hang cũ. Vì anh em nghĩ rằng chú đã chết, nên không khiêng cõng đi như các thương binh khác. Nào ngờ chú hồi dương lại, và khi địch tràn vào hang, chú lăn xuống một cái hố sâu, giặc vào bấm đèn không tìm thấy. Chúng quăng hơn 100 lựu đạn, khi chúng rút anh em ta về lượm cả rỗ nhíp lựu đạn. Thế mà chú Kiến không chết, lại tự bò lên nhìn anh em trở về, mừng rỡ. Chú lại được cứu sống và tiếp tục chiến đấu, mấy năm sau mới hy sinh…

Khi cô Xuân kể về chú Kiến, các cháu thanh thiếu niên xúc động nghẹn ngào. Nhiều cháu lấy khăn tay chậm nước mắt. Có cháu nói phải chi chú Kiến sống tới bây giờ, thì cuộc hội ngộ này, thế nào chú cũng kể chuyện cho các cháu nghe. Các cháu liền lấy nhang đem theo để đốt tưởng niệm các liệt sĩ trong nghĩa trang Hòn Đất và trong nhà lưu niệm liệt sĩ anh hùng Phan Thị Ràng. Trong lần tưởng niệm này, các cháu lại dành cho liệt sĩ thiếu niên Nguyễn Văn Kiến một nén nhang.

Mặt trời Hòn Đất đã lên đến ngọn xoài. Đoàn thanh thiếu niên đi tham quan di tích lịch sử ngỏ lời cảm ơn các cô chú và ghi nhớ những bài học từ chuyện kể sinh động và thiêng liêng, thành bài học truyền thống giữ nước mà các cháu nguyện nhớ mãi…

Cần Thơ, tháng 11-2006

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết