22/06/2022 - 08:58

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi

CHIẾN THẮNG Ở HÒN ÐẤT

Những câu hỏi của các cháu đặt ra được chú Năm trả lời một cách chính xác và đầy sức thuyết phục bằng ngôn ngữ của người lính trận. Mấy mươi năm trước tại cửa hang mà chú cháu cùng đến quây quần để nghe chuyện lịch sử, là cửa hang Quân Y, cao điểm của mặt trận lịch sử lần thứ 2 về Hòn Ðất anh hùng. Những thớt đá như còn hơi ấm của các chiến thương và y bác sĩ thời vệ quốc còn ghi dấu lại. Những vách núi lỗ chỗ vết đạn, vết miểng bom chém trầy, chừng như không phai mờ cùng thời gian. Tất cả chứng tỏ một chiến trường vô cùng ác liệt với bom cay, chất độc hóa học, xăng đặc và bom na-pal đốt cháy, nhưng vẫn không hủy diệt được con người có lý tưởng giải phóng đất nước và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành lấy chiến thắng trước kẻ thù hung hãn.

Lệnh rút được truyền đến vào đêm 17-5-1971, ta tổ chức bí mật rút đi. Hơn 100 thương binh được phân loại nặng nhẹ để bảo toàn nhau đưa ra khỏi tọa độ chết của quân thù. Bấy giờ các anh Mười Hồng, Hai Ðính, Hai Hiển phụ trách chung. Ðội phẫu thuật do Út Sơn phụ trách. Trên 100 đồng chí thương binh phải đưa ra an toàn - trong đó có 42 đồng chí bị thương nặng ở chân, ở ruột, sọ não, cột sống, gãy xương đùi, không đi được, ta phải cõng, vác. Những trường hợp thương binh bịnh nặng, mất trí, la hét, không tự  kềm chế được, ta phải dùng thuốc an thần để khiêng vác nhau ra khỏi nơi nguy hiểm. Kết quả, ta đưa ra hết 37 ca, tức 37 đồng chí thương binh nặng. Còn 3 ca (sọ não, lủng ruột, gãy xương đùi) thì các đồng chí Tư Rô và Phình (Ðoàn 61) phải ở lại, chờ anh em ra hết rồi điều 3 đồng chí này ra sau. Cái tuyệt vời của chúng ta là không có một thương binh nào bị bỏ sót lại trong hang hòn. Ðêm 17-5-1971, ta về tới Hòn Me, qua Hòn Quéo rồi lên khu Tám Ngàn - Bình Sơn.

Ta đi bí mật, nhưng giặc cũng phát hiện được nên truy đuổi theo. Ta có bố trí lực lượng cản hậu chiến đấu với chúng, nên thương binh vẫn được rút đi an toàn. Tôi nhớ trường hợp đồng chí Hai Ðỏ - Huyện đội trưởng, cầm thủ pháo dù huấn luyện anh em sử dụng, trật tay pháo nổ, làm hy sinh 7 đồng chí. Số còn lại ta dùng phương tiện thủy đưa về trạm xá Ðoàn 195 an toàn.

Các cháu hỏi:

- Thưa chú, trong trận chiến lần đó có một thiếu nhi 15 tuổi, đã lập được nhiều thành tích và chiến công, sau được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang phải không chú?

Chú Lại Văn Rự trả lời:

- Ðúng như vậy. Người thiếu niên anh hùng đó tên là Nguyễn Văn Kiến, 15 tuổi, đã hy sinh. Kiến là du kích Hòn Ðất tham gia bảo vệ trạm quân y của chúng ta. Khi nghe anh em thương binh nặng kêu khát nước. Kiến đã lén chỉ huy ra cửa hang leo bẻ dừa cho anh em uống nước. Chẳng may trợt chân rớt xuống đá, bị gãy xương đùi. Kiến phải nằm lại trong hang chịu đựng tất cả khó khăn thiếu thốn, nhưng rồi cậu bé không chết mà lại bình phục để tiếp tục chiến đấu cho đến ngày hy sinh anh dũng…

- Thưa chú, lúc nãy chú có nói cô Thanh Xuân cùng với chú Hai Chà, đã dùng vỏ lãi cắm cờ ba sọc ngụy, chạy hợp pháp ngoài biển để tải vũ khí, chuyện hay lắm, chú có thể kể lại cho chúng cháu nghe rõ hơn không?

- Sẵn có cô Thanh Xuân đi tham quan di tích lịch sử ở đây, để cô trực tiếp kể chuyện mình đã hoàn thành chuyến đi huyền thoại ấy như thế nào cho các cháu nghe.

Tiếng vỗ tay của lực lượng trẻ đứng quanh hang núi giòn giã, đầy nhiệt tình. Cô Xuân mặc sắc phục thanh niên xung phong ngày xưa với nón tai bèo và khăn rằn, từ cửa hang bước đến giữa vòng tay của các cháu và nói:

- Trước hết, cô hoan nghinh các cháu đã quây quần về đây để thăm di tích lịch sử của một thời vệ quốc mà các cô chú đã trải qua. Theo đề nghị của chú Năm, cô xin kể vắn tắt về chuyến đi chuyển tải vũ khí bằng vỏ lãi về tiếp tế cho lực lượng vũ trang trong hang hòn cầm cự với quân thù.

- Hay lắm cô! Cô kể đi cô!

- Lúc đơn vị ta hết đạn, hết gạo, hết thuốc, hết nước uống và nói chung là mọi thứ cạn kiệt. Ban chỉ huy họp bàn trong góc hang. Chú Mười Hồng, chú Hai Ðính, chú Hai Hiển, nói chung chưa tìm được lối ra. Cô bỗng nhớ lúc mình đưa thương binh từ Vàm Rầy về Hòn Ðất, còn giấu chiếc vỏ lãi trong khe núi ở phía biển Tây. Dưới đó sẵn có cây cờ ba sọc, mà ta thường dùng để chạy hợp pháp như dân địa phương chạy đi làm ăn theo quy định của giặc, cô mới báo cáo với Ban chỉ huy ý định của mình là dùng chiếc vỏ lãi ấy trở về kho Vàm Rầy… sáng kiến này được Ban chỉ huy chấp thuận và phân công một đồng chí sử dụng máy PS 9 rất giỏi là chú Hai Chà. Vậy là hai anh em bò ra khỏi hang, đưa vỏ lãi xuống nước rồi trương cờ vọt nhanh về Vàm Rầy. Chiều đó cô và chú Hai Chà đưa về hang hòn một khối lượng vũ khí và lương thực, thuốc men đáng kể. Từ Vàm Rầy, ta có một đơn vị trực thuộc của Quân y Hòn Ðất ở đó. Nên khi cô đến nơi, anh em liền thu xếp chuyển mọi thứ xuống vỏ lãi ngay. Cứ như vậy, ta tận dụng sơ hở của địch, vận chuyển nhiều chuyến liên tục, đưa về hang hòn được 2,5 tấn vũ khí và cũng ngần ấy khối lượng lương thực, thức ăn, vật dùng.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết