21/06/2022 - 10:16

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi

CHIẾN THẮNG Ở HÒN ĐẤT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Hòn Đất là hướng thứ yếu của địch trong chiến dịch triệt phá vùng căn cứ và tuyến đường vận chuyển của ta. Lực lượng ta ở Hòn Đất có khoảng 500 người - chưa kể khách “vãng lai” mà chủ yếu là các đơn vị miền Bắc chi viện thuộc Trung đoàn 10 - Sông Hương trên đường vượt biên giới về Tây Nam Bộ, nhất thiết phải ghé trạm trung chuyển vùng Ba Hòn và cụm núi Mo So. Một bộ phận tiền phương của Tỉnh Đội, 3 đại đội của Tiểu đoàn 207, 1 đại đội pháo, 1 đại đội huyện Châu Thành A, một phần đội biệt động thị xã, một bộ phận Quân y của Tỉnh Đội, một đại đội của miền vừa đưa xuống, đơn vị du kích xã, ấp Thổ Sơn và khoảng 100 cư dân.

Mặt trận này do Tham mưu phó Tỉnh Đội Rạch Giá chỉ huy. Cuộc chiến đấu chống địch bao vây để hủy diệt hết sức ác liệt, bầu trời và mặt đất ở đây như cùng tham chiến với tất cả núi non, rừng biển và con người… Có một số trận tỏ rõ tinh thần ngoan cường của bộ đội ta: Ngày 7-9-1969, một tiểu đội của ta đánh địch suốt ngày ở Hòn Me, diệt 3 tên địch, bắn rơi 3 máy bay, bắn cháy 3 xe M113. Ngày hôm sau, ngày 8-9-1969 tại Hòn Đất, một trung đội của ta diệt 65 tên. Tiếp đó ngày 17-9-1969 ta đánh thiệt hại Tiểu đoàn 44 Biệt động quân ở Vàm Rầy.

Địch vừa tăng quân đánh ta, vừa bao vây phong tỏa không cho ta nhận tiếp tế lương thực, thuốc men để chữa cho người bị thương, bị bệnh.

Phát huy truyền thống của chiến công Hòn Đất năm 1962, các đơn vị kiên cường bám trụ, đánh địch liên tục 78 ngày đêm. Đến ngày 18-11-1969 thì địch buộc phải rút quân khỏi Hòn Đất. Ta diệt 12 đại đội địch, làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 3.000 tên, phá hủy 6 xe M113, 2 khẩu pháo 105 li, bắn rơi 6 máy bay, thu 10 tấn chiến lợi phẩm.

Ta dùng binh vận làm rã ngũ, đào ngũ 500 binh sĩ, 1 đại đội địch án binh bất động. Số binh sĩ đào ngũ, rã ngũ, phản chiến nói trên bị địch truy kích làm bị thương và bị bắt tất cả là 279 người, 1 trung đội phản chiến quay súng đánh trả lại địch. Khoảng 100 dân được bộ đội và du kích dẫn ra khỏi vòng vây an toàn.

Để góp sức phá vây và tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch tại chiến trường Hòn Đất, Khu ủy chỉ đạo các nơi vào đợt căng kéo địch, ta đánh ở Sóc Sơn, ở Lình Quỳnh diệt 1 trung đội pháo thủ, phá một đoạn đường Tám Ngàn - Kinh Tư. Ở Gò Quao ngày 25-10-1969, anh Nguyễn Văn Tư cùng một tổ công binh đánh chìm 5 tàu địch trên sông Cái Lớn, diệt hàng trăm tên địch và anh Tư liên tiếp chỉ huy đánh chìm 36 tàu địch, có 3 tiểu pháo hạm, diệt 1.062 tên, trong đó có 100 tên Mỹ. Để trả thù, giặc đốt nhà anh Tư ở xã Vĩnh Hòa Hưng - Gò Quao đến 5 lần. Anh Tư là kiện tướng đánh tàu được Chánh phủ phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, đồng đội và nhân dân tặng anh biệt hiệu “Thủy thần trên sông Cái Lớn”.

Các tỉnh khác thuộc Tây Nam Bộ cũng lập nhiều chiến công như vậy để góp sức chiến đấu và chiến thắng cho quân dân Hòn Đất anh hùng. Hòn Đất lại một lần nữa trở thành pháo đài thép trong chiến trường Rạch Giá. Trạm trung chuyển của tuyến đường 1C huyền thoại.

Hôm đến tham quan khu chiến tích lịch sử Hòn Đất, các cháu thanh thiếu niên nhiều tỉnh đồng bằng xin được gặp nhân chứng lịch sử là chú Năm - Lại Văn Rự. Chú Năm kể:

- Chú kể cho các cháu nghe trận chống càn 132 ngày đêm ở Hòn Đất vào cuối năm 70 đầu năm 71, còn ác liệt hơn trận chống phá bao vây của địch vào năm 1969. Trận này có một số anh chị em thanh niên xung phong cùng có mặt với Đoàn 195, được Ban chỉ huy điều qua căn cứ quân y Châu Thành - Hòn Đất.

- Thưa chú, chú còn nhớ tên những cô chú thanh niên xung phong bấy giờ không?

- Nhớ chớ, đó là các đồng chí Năm Điền, Hồng Hoa, Mỹ Thuận, Thanh Xuân, Hoàng Nhi, Tư Quang, Huỳnh Thị Bé, Nguyễn Thị Nga, Kim Tuyến, Mười Anh, Hai Nhứt, Lệ Hồng, Tư Rô, Hồng Phương, Thanh Nhàn và đồng chí Quân… gần hai tiểu đội, phần lớn quê Cà Mau, có trình độ y tá - phần lớn được đào tạo từ chiến trường 1C do bác sĩ Trần Minh Hữu hướng dẫn. Lực lượng thanh niên xung phong này đồng thời là những chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ quân y Hòn Đất thuộc huyện Châu Thành A.

- Thưa chú, lúc đó lực lượng nào của địch đến bao vây Hòn Đất?

- Sư đoàn 9 và Sư 21 với các binh chủng công binh kỹ thuật, hóa học, xe tăng và pháo các trận địa, kể cả pháo hạm đội 7, các loại phi cơ dội bom - kể cả B.52 trút hàng vạn tấn sắt thép và chất độc xuống trận địa ta. Các cháu biết không, chúng tôi phải bám hốc núi, lò ảng, hang hòn… ngoan cường chiến đấu. Trong số chiến sĩ có những cô chú còn quá trẻ, chưa đầy 18 tuổi, nhưng đều biết bắn tiểu liên và bắn hỏa tiễn B.40, B.41 và sử dụng pháo cối DKZ, đánh mìn, chọi lựu đạn rất cừ khôi.

- Thưa chú, quân số của ta trong hang hòn lúc đó bao nhiêu?

- Lúc đó, quân số ta chỉ hơn 30 người. Vậy mà chúng tôi phải phục vụ hàng trăm chiến thương cả một vùng đồng bằng, và rừng biển tuyến Bảy Núi - Ba Hòn ở thời điểm cuối năm 70, đầu năm 71. Các đơn vị chủ lực Quân khu 9 và quân miền Bắc chi viện dồn vào chiến trường như lòng chảo, địch tập trung đánh trả khốc liệt, chiến thương và bệnh binh đến con số kỷ lục.

- Thưa chú, chiến thương dồn nhiều vậy, ta giải quyết thế nào?

- Nhiều ca phẫu thuật ta xử lý tài tình, cứu sống và phục hồi sức khỏe cho hàng mấy trăm anh em thương binh, bệnh binh là bộ đội, du kích và nhân dân trong vùng. Cả những con thú bị thương như chó, mèo, ta cũng băng bó cho nó. Dù thiếu thuốc, nhưng chúng ta cũng tìm mọi cách xoay xở để chữa trị cho đồng đội.

- Ở trong hang làm sao có nước uống, nước xài, thưa chú.

- Nước xài và nước uống thì thật là căng, trong hang làm gì có. Ngày đêm giặc bao vây đánh phá ác liệt. Bọn địch thì xài nước từ trực thăng đưa tới. Còn ta thì chờ trời tối phải bò ra suối Ông Bưởi “cõng” bằng bọc ni lông về uống và nấu ống tiêm, nấu cháo pha sữa cho thương binh. Nói chung ta trong hang, còn giặc ngoài hang, đổ máu giành nhau từng thước núi. Các cửa hang giặc chiếm hết, chúng ký súng đặc mìn ở đó, nên mỗi lần lấy nước ta phải đấu súng, đấu trí với chúng. Có khi phải đánh diệt bọn giữ cửa hang, ta mới đi “cõng” nước về được.

- Thưa chú, ngoài Hang Quân Y ra, Hòn Đất còn những cơ sở nào khác của ta?

- Tại Hòn Đất thì có Hang Quân Y, nhưng những trái núi gần như Hòn Me, Mo So thì có nhiều hang cơ sở của ta: như Hang Tài Chánh, Hang Công Trường, điểm Cây Gáo, Cây Trứng Cá, Cây Thốt Nốt, Bụi Tre… đó là những địa danh có ta ở.

- Thưa chú, trong trận chiến đấu như vậy kéo dài 132 ngày đêm, ta diệt được bao nhiêu địch?

- Nói về tương quan thì địch mạnh hơn ta nhiều. Nhưng vì chúng ở ngoài, còn ta ở trong hang núi, có núi bảo vệ, nên chúng dội bom, bắn pháo và sử dụng nhiều loại vũ khí tiến công ta… đều bị núi đá che chắn nên không phát huy tát dụng sát thương. Ngược lại, ta từ trong bắn ra, giặc cụm có điểm, không có gì che đỡ, nên giặc phải chết nhiều: ta diệt hơn 600 tên, bắn cháy 5 xe cơ giới, bắn bị thương và rớt nhiều máy bay giặc.

- Thưa chú, rồi ta ở như vậy bao lâu, làm sao phá vòng vây để rút đi.

- Trong thời gian tồn tại trong hang núi, có lúc ta thiếu đạn dược và lương thực, phải tìm cách phóng ra ngoài để nhận lấy sự chi viện các nơi. Như có lúc đồng chí Thanh Xuân và đồng chí Chà, thừa sơ hở của giặc bò ra mé biển, dùng vỏ lãi cắm cờ ba sọc hợp pháp chạy qua Vàm Rầy chở vũ khí, đạn dược và lương thực về hang hòn cho anh em ta tiếp tục chiến đấu. Nhưng cuối cùng thì có lịnh Quân khu và Tỉnh đội cho rút khỏi hang hòn để bảo tồn lực lượng.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết