Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương năm mươi chín
ÐỘI “CẢM TỬ QUÂN”
Ðầu năm 1971, Khu ủy tổ chức học tập nghị quyết 01 của Trung ương Cục về chống bình định là công tác trung tâm. Nghị quyết 07 của Khu ủy nói về công tác thành thị, yêu cầu tổ chức chánh trị công khai, nửa công khai, bí mật, giải quyết vấn đề căn cứ, nơi ăn ở, đi lại, giao thông liên lạc…
Tại TP Cần Thơ công nhân lao động đấu tranh vạch mặt bọn đầu sỏ trong Tổng liên đoàn lao công của Trần Quốc Bửu, làm “cò mồi” cho tình báo CIA và tay sai của Nguyễn Văn Thiệu. Các tôn giáo Cao Ðài, Hòa Hảo, Thiên Chúa đều ra sức gầy dựng thế lực để đưa người vào hạ nghị viện, thượng nghị viện và các hội đồng hàng tỉnh trong hệ thống chánh quyền Sài Gòn.
Phong trào công nhân xe lôi, xe lam, đòi Mỹ đi phải trả tiền sòng phẳng. Những tên quỵt tiền, đánh người bị thương, bị trừng trị đích đáng như vụ trừng trị lính Mỹ ngày 7-4-1971 tại bến xe mới. Phong trào học sinh từ ngày 16 đến ngày 18-3-1971 trên 15.000 học sinh các trường Phan Thanh Giản, Ðoàn Thị Ðiểm, Nông Lâm Súc bãi khóa, đòi trừng trị bọn côn đồ đánh các thầy cô giáo. Ngày 3-10-1971, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, quần chúng đã đốt thẻ cử tri, đình công, bãi khóa, xé bích chương cổ động bầu cử, rạch mặt hình Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, xuống đường biểu tình, mít tinh, tán phát 50.000 truyền đơn. Ngày 28 và 29-9-1971 quần chúng đã đốt 7 xe Mỹ và cảnh sát ngụy.
Về phía ta, tháng 1-1971, dưới sự chủ trì của Bí thư Võ Văn Kiệt, hội nghị Khu ủy mở rộng đề ra phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch cho thời gian tới. Tháng 11-1971, Khu ủy Tây Nam Bộ quyết định chuyển lên thế tiến công, phân chia cụ thể từng vùng. Quyết định đánh một số đơn vị chủ lực, chi khu để mở màn chiến dịch, gây thoái động.
Bấy giờ, trên đất bạn, khi bọn Lon Non đảo chánh Sihanouk rồi, dựng lên chánh quyền phản động. Thời kỳ này, kho tàng, quân y của ta trên đất bạn nhận lấy sự phản bội của những tên cơ hội do CIA tổ chức và xúi giục chống đối ta. Kho tàng vũ khí, đạn dược và căn cứ của ta, bị bọn “trở mặt” nhân danh chánh quyền mới đuổi ta đi về nước, và chỉ chọc cho bọn ngụy Sài Gòn đánh phá. Ta cứ phải dời dạt chỗ này, bị chúng phát hiện lại dời dạt chỗ kia, bị chúng phát hiện lại dời dạt chỗ nọ. Cán bộ mình đi lẻ tẻ bị chúng giết. Nữ chiến sĩ ta không khéo lọt vào tay chúng thì bị hãm hiếp hoặc lưu đi mất tích. Thời điểm này vùng Kirivong trên đất bạn còn khổ hơn tuyến đường 1C. Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 21 ngụy Sài Gòn, và bọn biệt kích 20 của Rạch Giá tập trung binh hỏa lực và phương tiện chiến tranh kết hợp với bọn Lon Non phản động liên tục đánh phá ta. Tiểu đoàn 410 là đơn vị chủ lực của ta lúc đó có nhiệm vụ đánh trả. Nhưng tương quan ta yếu hơn địch nên bị động liên miên. Chú Tư Khánh bàn:
- Tôi thấy tình hình này ta phải nện cho bọn phản bội hai dân tộc anh em những quả đấm thôi sơn cho chúng biết mùi thế nào là Quân giải phóng. Tôi đề nghị ta tổ chức pháo kích vô căn cứ Cà Tê Pon của tỉnh Tà Keo. Căn cứ này có một tiểu đoàn Lon Non với 2 thiết đoàn chiến xa của ngụy Sài Gòn tăng viện.
Chú Bảy Nông:
- Tôi đồng ý quan điểm tấn công để tự vệ của anh Tư. Vậy ta dùng 3 khẩu pháo 82 ly và một giàn H12, pháo kích liên tục trong vòng 2 tiếng đồng hồ liền, dập toàn bộ căn cứ đối phương tan nát hết. Nếu giặc chưa đầu hàng, ta tiêu diệt toàn bộ lực lượng. Số sống sót, chúng chạy về quân trường Chi Lăng, thì đơn vị của Sáu Phước sẽ chờ chúng đặt chân tới đất, ta lại nã pháo có sức cháy hơn 3.000 độ và quét súng phun lửa để tiêu diệt trọn gói. Ðánh như vậy gọi là “sát nhứt miêu, cứu vạn thử”.
Cô Năm Phi:
- Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến đồng chí Bảy Nông. Về hậu cần lương thực, lương khô cho 15 ngày chiến dịch của 200 chiến sĩ, tôi xin chịu trách nhiệm!
Chú Bảy Bình:
- Trên hướng như vậy, tôi đề nghị chúng ta phải làm kế hoạch kỹ, bên cạnh kế hoạch tấn công giặc, ta phải đề phòng chúng phản kích vào tận căn cứ và kho bãi của ta. Cho nên quả đấm mạnh dành cho tấn công phía ngoài, đồng thời phải giữ vững phía trong, không được buông lơi. Nhưng dù tấn công hay phòng thủ, ta cũng phải lấy thế núi lòng dân làm chính, lấy chữ nhân làm đạo.
Chú Tư Khánh:
- Ðồng chí Bảy Bình nói rất hay, Khương Thái Công, tác giả “Thái công binh thánh”, đã viết: “Ðạo giả nhân chi sở đạo, sử vạn vật bất tri kỳ sở do” nghĩa là: “Ðạo là cái đường mà người ta bước theo, sai khiến tất cả vạn vật không biết do theo đâu mà đi”. Nên dùng chiến tranh để tiêu diệt chiến tranh, bảo vệ và phát triển sự sống thì phải hợp đạo trời mới thắng.
Chú Bảy Bình:
- Tôn Tử, tác giả “Tôn Tử binh pháp” viết: “Cố kinh chi dĩ ngũ sự, hiệu chi dĩ kế nhi sách kỳ tình”. Ðó là: “Nhất viết đạo, Nhị viết thiên, Tam viết địa, Tứ viết tướng, Ngũ viết pháp”. Trong chiến tranh, có đạo là việc đầu tiên phải tính đến thiên thời, địa lợi, tướng tài và sách lược hành binh… Vậy cho nên ta dùng vũ khí mạnh để giết giặc mà phải đạo thì ta mới thắng, lòng dân mới thuận theo ta, cho nên ông bà dạy “Bền quân hơn thắng trận” là vậy.
(Còn tiếp)