06/06/2022 - 08:17

1C - con đường huyền thoại

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương năm mươi bốn

T95 Ở NHỜ ÐẤT BẠN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Cuộc thăm viếng và trao đổi kéo dài hơn một giờ, sau đó các vị chân tu bảo đệ tử và tín đồ của mình đem bánh trái dọn ra phòng khách ở thala rộng lớn. Các đội văn nghệ địa phương gồm nhiều nam nữ nghệ sĩ, mang vác nhạc cụ như trống và các dàn ngũ âm đến sân khấu bên chánh điện chùa. Hàng chục dàn nhạc, hàng chục cổ trống được các nghệ sĩ dân tộc hòa tấu một cách thành thạo đầy nhiệt tình:

Ớ kà keo ơi, xí ầy… cón con Sa ri am à Sa ri am (dịch: Ớ chim sáo ơi mầy ăn gì khôn lớn? Sa ri am à Sa ri am)…

Ðó là bài “Sa ri ka keo”, tức bài “Con chim sáo”. Kế đến bài múa lâm thôn:

Bóc vòng oi thum oánh bót nhum sam mớ kỳ (dịch: Ðồng bào ơi vùng lên đoàn kết chiến đấu).

Ðội ca vũ mặc đồng phục dân tộc. Mấy cô gái thì đội vương miện nóc nhọn hình tháp lâu đài Ăng-co Vát, lưng thắt ong, quần bó chân thon như nữ thần Áp-sa-ra. Ðến bài múa Lào, các nghệ sĩ vẫy tay kêu gọi tất cả các vị khách phải vào cùng nhảy múa theo nhịp trống Sa-ri-am và nhạc ngũ âm hòa tấu tưng bừng nghiêng ngửa như ngây ngất, điên cuồng bởi vui sướng cao độ:

Ớ chàng trai đó ơi, ta ca múa, được nắm tay. Ðêm nay dưới trăng sáng, đôi ta biết nhau đây, lòng em vui sướng thay, được ca múa, biết nhau đây. Ớ chàng trai đó ơi!

Và bài “Hoa chăm pa”:

Hoa đẹp Chăm-pa, ngát hương trong vườn. Ðã bao năm rồi mà hoa vẫn đẹp nhất trong bản mường. Hoa xinh hoa tươi, hoa đẹp Chăm-pa, ngát hương trong vườn…

Chú Tư Khánh, chú Bảy Bình và cả chú Hai Nô cũng bị lôi cuốn vào buổi liên hoan múa hát. Chú Bảy Bình tuy lớn tuổi hơn những nghệ sĩ dân tộc, song biểu diễn vũ điệu các bài múa nói trên rất đẹp. Chú Tư Khánh khen:

- Ông Bảy học hồi nào mà nhảy hay quá vậy?

Chú Bảy Bình nói nho nhỏ bên tai chú Tư:

- Hồi nhỏ tôi có học trường Ba Li - Phnômpênh. Trường có chương trình âm nhạc và múa dân tộc.

Chú Tư Khánh:

- Vậy, ông phải tranh thủ dạy cho anh em đơn vị mình biết múa hát để sống vui chiến đấu trên đất bạn… Còn chú Hai Nô, sau tụi nó kéo chú vào múa mà chú chạy trốn vậy?

Chú Hai Nô:

- Tôi múa cũng được chớ, ngặt hôm nay trong bụng thiếu phấn khởi, nên tham gia bài đầu rồi tôi trốn.

Chú Bảy Bình:

- Ở đất này, mà chú Hai không thật tình chơi với họ, thì khó hòa nhập với người địa phương để hoàn thành nhiệm vụ lắm đó.

2. Sau buổi kính viếng chùa Phật và các vị chân tu, chú Tư Khánh và chú Bảy Bình có những nhận xét về Hai Nô. Nói chung, hai chú băn khoăn vai trò Chánh trị viên đơn vị của con người này, nói và làm không ăn khớp nhau, nói nhiều làm ít, hay nạnh hẹ và tìm chỗ ít nguy hiểm để sống. Gần đây, nghe có nhiều dư luận về mối quan hệ nam nữ giữa Hai Nô và Năm Phi. Chú Tư Khánh nói:

- Ðồng chí Hai Nô này, có thể nói tôi biết cũng khá rõ. Về quê hương và quá trình trưởng thành, mình cũng nắm được, nói chung tốt! Nhưng vài năm gần đây, khi chiến tranh diễn ra ác liệt, nhất là khi được rút lên làm cán bộ Khu đoàn, bổ sung về tuyến 1C, trên đường đi, có bị giặc bắt rồi thả ngay tại điểm Kinh B, nơi tên đồn trưởng là rể của thằng Lâm Quang Quận, tức chú của Lâm Quang Phòng gian ác từ trào Diệm.

Chú Bảy Bình:

- Hôm tôi về hội nghị Quân khu, gặp anh Chín Cửu, anh Bảy Thạng, hai anh có gởi gắm đồng chí này cho tôi, chỉ dẫn công tác chỉ huy vận chuyển ở địa bàn nhạy cảm này. Lẽ ra Hai Nô phải bám lại T90 để thu xếp công việc tại chỗ, và lấy địa bàn Hòn Ðất, Mo So làm trạm trung chuyển cho Liên đội đúng hơn chạy thoát qua đây ở trong vùng sâu của đất bạn… Hiện nay thì chưa cần đến vai trò của đồng chí, vì tôi đã có cắt đặt người bảo vệ tổng kho rồi.

Chú Tư Khánh:

- Hôm hội nghị liên tịch sắp xếp tổ chức và tiễn đưa đồng chí Út Nhì về cơ quan Khu đoàn, có hướng cho đồng chí Năm Ðoàn về Cà Mau làm Chánh trị viên Liên đội II, thì đúng lúc giặc đánh ác liệt vào T90 và trạm xá của “gánh Chín Tần”. Tiếp theo, chúng chận đánh đoàn vận chuyển 50 chiếc xuồng mõ của ta, làm nhiều đồng chí hy sinh. Có lẽ Hai Nô hoảng hốt trước tình hình khốc liệt của chiến trường 1C, nên cùng cô Phi đùm túm chạy sang đây, lấy lý lẽ bảo vệ kho bãi để hợp pháp hóa việc chạy dài của mình.

Chú Bảy Bình:

- Theo anh Chín Cửu và anh Tám Quít thì thời gian làm Bí thư Tỉnh đoàn, Hai Nô cũng có những biểu hiện tiêu cực. Khi “hợp lý hóa” về nhân sự, thì Khu đoàn xin Hai Nô để chuyển lên tuyến 1C như ta đã biết. Song, cảm thấy không yên tâm hay sao đó, Thường vụ Khu đoàn lại cử một nữ cán bộ của văn phòng lên tuyến 1C để giúp cho Hai Nô đứng vững địa bàn. Ðó là nhân vật bị dư luận xầm xì về mối quan hệ không bình thường giữa Nô và Phi.

Chú Tư Khánh:

- Nói cho ngay, anh em phát biểu rất công bằng, nữ đồng chí Năm Phi, tuy trình độ nói chung có hạn chế, nhưng thường chan hòa, đi sát thực tế với cán bộ và chiến sĩ của Liên đội. Hai Nô lợi dụng tình cảm của cô, ve vãn chăm sóc cô. Những bức thư tình không lấy gì làm chính đáng cho lắm, y treo võng viết hàng trang, rồi chờ Năm Phi đi ngang chìa cho cô ta đọc.

Chú Bảy Bình:

- Rồi sao anh biết được, anh có thấy những lá thư ấy không?

Chú Tư Khánh:

- Thì nhờ mấy chú vệ sĩ ở văn phòng, nó tò mò xem coi thủ trưởng mới của nó viết cái giống gì, mà cứ treo võng suy tư viết mãi, rồi lại ngó trước ngó sau, thấy không có ai thì nhét vào túi áo Năm Phi. Nhiều thư lắm, thư nào cũng có thơ và ca dao. Có câu ca dao “trẹo mắt me” mà tôi thuộc thế này: “Cô Năm ơi ở góa làm chi? Hơn ba mươi tuổi vậy thì… cô đơn. Tôi nay gần bốn mươi hơn, vợ tôi giặc giết căm hờn biết bao. Tôi - cô hai đứa đồng bào, tôi thương cô đó, lẽ nào… cô không?”.

Chú Bảy Bình:

- Cha chả, thằng cha này “tán gái” bậc thầy đó. Nó viết nhăn nhăn vậy chớ có khi Năm Phi đọc rồi nhiễm nó nghen!

Chú Tư Khánh:

- Thì “nhiễm” rồi, nên mới có dư luận. Chú Sáu Mạnh vệ sĩ của Hai Nô, đêm nào giữa khuya dỡ mùng thủ trưởng, cũng thấy Nô đi đâu vắng. Sáng ra thì Nô nói đi quan sát xem anh em canh gác thế nào!

Chú Bảy Bình:

- Thằng cha này nó lậm rồi, mình bận chiến tranh với kẻ thù độc ác, hơi đâu mà xông vào kiểm thảo cái thứ dâm bôn gian giảo này. Hơn nữa, cô Phi chưa có chồng, còn thằng này vợ chết, “nồi nào úp vung đó” mà thôi.

Hai chú trao đổi dọc đường với nhau tình hình trên, nhưng không đi đến kết luận gì.

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết