31/05/2022 - 20:38

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương năm mươi hai

LIÊN ÐỘI II QUA SÔNG ÐỐC

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.Sông Ðốc trong “An Nam Ðại quốc họa đồ”, hình thành từ năm 1838 là đường giao thương thủy, nối liền mạng lưới sông ngòi phía biển Tây Tổ quốc, gần thắng cảnh Ðá Bạc, trông ra Hòn Chuối xa xăm. Trước đó non thế kỷ, con sông này gọi là Khoa Giang, thời hùng binh Nguyễn Huệ 1777 truy đuổi tàn quân Nguyễn Ánh, nơi đây là vùng chiến trận. Nếu quân của tướng Phạm Văn Tham (Tây Sơn) đóng ở bản doanh thành phố Cà Mau thuộc bờ sông Gành Hào, thì Nguyễn Ánh trú đóng ở rạch Dinh, gần vàm sông Ðốc, phía tả ngạn. Những năm mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, để ngăn tàu giặc từ biển đột nhập vào tuyến sông, Tỉnh đội trưởng Bạc Liêu - Tào Tỵ đã huy động hàng vạn dân công đem ghe lườn, ghe lồng ra vàm sông Ông Ðốc nhận chìm rồi xốc cây và đổ mấy triệu bịt đất xuống cửa sông hàn cản. Cho đến lúc ta tập kết quân ở vàm sông Ông Ðốc để xuống tàu Ba Lan và Liên Xô, chuyển ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève 20-7-1954 thì sông Ðốc là một thị tứ mang cột mốc lịch sử của dân tộc.

Những năm đầu của thập niên thứ 7 thế kỷ vệ quốc, Liên đội II Thanh niên xung phong do Năm Ðoàn - Bùi Tấn Sĩ làm Chánh ủy và Ðoái Văn Phước làm Liên đội trưởng đã bố trí tuyến đường vận chuyển hàng quân sự của mình từ B4 - Kiến Vàng - Hào Di về Vĩnh Thuận - Ba Ðình, sông Ðốc trở thành con sông chiến lược, mà các chiến binh thanh niên xung phong Liên đội II cùng nhiều đơn vị bộ đội, địa phương quân và du kích ra sức chiếm lĩnh, làm chủ thủy đạo này.

Năm Ðoàn:

- Tôi lưu ý với các đồng chí, đoạn sông Tham Trơi - Phát Thành, hồi đầu năm, một đoàn qua sông của ta bị cao tốc và trực thăng vũ trang của địch, kết hợp biệt kích Mỹ từ căn cứ nổi sông Ðốc tràn lên, bắn chết gần 20 đồng chí thuộc cán bộ Khu và tỉnh. Chị Mười Thiện - Tỉnh ủy viên, nhạc sĩ Thanh Trần - trưởng đoàn ca múa nhạc khu Tây Nam Bộ, nghệ sĩ Ngọc Bảy - người sử dụng đờn acósdéon nên có biệt danh là Bảy Ắt Cọt. Thi thể các đồng chí bị bọn biệt kích Mỹ dùng lê đâm bấy nát rồi vứt xuống sông cho trôi ra biển… Giờ ta bố trí hai bên bờ của đoạn này con sông lịch sử để thiết lập đường dây vận chuyển của chúng ta.

Tư Lập:

- Xứ này, trong đơn vị ta nhiều đồng chí rất rành. Bác Hồ đã dạy “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tôi nghĩ ta nhờ hai Xã đoàn, hai Xã đội ở hai bên sông giúp ta bố trí thì chắc ăn.

Ba Phước:

- Tôi đồng ý kết hợp địa phương. Nhưng bản thân đơn vị mình phải chọn hỏa lực mạnh và những đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao để chốt hai bên sông, ta mới yên tâm. Vì sông Ðốc lòng sâu, phía vàm lại có căn cứ nổi của Mỹ, chúng thường tới lui quan hệ với bọn Cà Mau, Thới Bình, Rạch Ráng… và xa hơn chúng xuyên qua mạng lưới Gành Hào, Bảy Háp, Ðồng Cùng… để đến với căn cứ nổi Tam Giang - Năm Căn…

Năm Ðoàn:

- Ð10, các đồng chí sẵn sàng cho ta một máy thông tin liên lạc PRC25, ngặt ta chưa có người sử dụng, vì thế hệ thống trinh sát, “mã thám” ta dựa vào dân và du kích địa phương. Chiều nay, sau khi bắt ám hiệu phía bờ Bắc, chúng ta sẽ cùng qua sông để xuyên rừng U Minh lên Rạch Giá…

2.Trung tá Trần Thanh Bền và Thiếu tá Lê Tích Thiểu là hai sĩ quan từng làm Tỉnh trưởng An Xuyên trước và sau thời Ðồng khởi của nhân dân Cà Mau. Theo lệnh của Phó Tổng thống Kỳ, phải dùng phương tiện thủy kiểm soát tuyến sông Ðốc - Cái Tàu - Trèm Trẹm để ngăn chặn những cuộc hành quân vào đợt của các Trung đoàn chủ lực Sông Hương và Lộc Ninh, đồng thời cắt đứt mạch vận chuyển của Liên đội II Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ, lấy tuyến Tham Trơi - Phát Thành làm cột mốc qua sông. Nguyễn Cao Kỳ nói: “Hiện nay chính trường Sài Gòn - Huế - Ðà Nẵng - Cần Thơ trở nên lộn xộn. Ông Dương Văn Minh vận động ra tranh cử, nhưng ông Thiệu đã gồm thâu những chữ ký ủng hộ cho nên ông Minh và tôi phải rút lui không thể ứng cử được nữa. Ðại sứ Bunker thừa biết người Mỹ phải đánh đổi với giá nào để thực hiện cuộc bầu cử Tổng thống Nam Việt Nam cho đáng đồng tiền. CIA cũng làm áp lực với tôi. Rốt cuộc Dương Văn Minh và tôi đều phải nhường cho Nguyễn Văn Thiệu. Việt cộng lợi dụng lúc chúng ta xào xáo nội bộ tranh giành nhau chức vụ trong cuộc bầu cử, để tấn công ta. Nên tôi đã chỉ thị tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn hãy quét tầm nhìn chiến lược đến các quân khu, chịu khó tiếp xúc với các Tư lệnh vùng để tăng cường quân lực, chớ đừng ở mãi trong văn phòng. Ðại tướng Cao Văn Viên đã điện cho Trần Thanh Bền và Lê Tích Thiểu phải cùng với lực lượng căn cứ nổi ở Sông Ðốc và Năm Căn thuộc Hải quân Hoa Kỳ tuần tiễu liên tục trên tuyến sông”.

Tại thị tứ Sông Ðốc, trong một doanh trại của căn cứ nổi, cuộc họp quân sự song phương giữa Mỹ - ngụy diễn ra. Ðô đốc Thomas H. Moorer cùng Trần Thanh Bền và Lê Tích Thiểu với một số hạ sĩ quan bước ra từ chiếc trực thăng vừa đáp xuống căn cứ nổi, vào phòng họp. Tất cả sĩ quan mặc áo rằn ri, đội kết pi, dấu hiệu của lính thủy đánh bộ và các sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ - Hạm đội 7 vào dự thính.

Ðô Ðốc H. Moorer:

- Tổng thống Nixon vừa làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Melvin Laird qua chuyến đi điều tra mật về tình hình Nam Việt Nam, cho hay rằng khả năng Việt hóa chiến tranh, thay màu da xác chết là có thể thực hiện được. Nếu như kế hoạch “Gió mùa Tây Nam” ở vùng 4 chiến thuật ngăn chặn được con đường liên vận mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên biển Ðông, do một ngư dân đầy tài năng là Bông Văn Dĩa dùng ghe đánh cá hai đáy lẫn lộn trong hàng vạn ghe thuyền trên tuyến biển để vận chuyển vũ khí vào Rạch Gốc, Ông Trang, Vàm Lũng - Kiến Vàng và trao cho Liên đội II do thủ lĩnh Bùi Tấn Sĩ, bí danh Năm Ðoàn chỉ huy vận chuyển đạn dược và vũ khí ngày đêm, cung ứng cho đối phương đánh vào đồng minh Sài Gòn Nam Việt Nam của chúng ta những quả đấm lớn. Ðó là việc quan tâm hàng đầu, so với Sài Gòn, Ðà Lạt, Ðà Nẵng và Huế.

Trần Thanh Bền:

- Thưa Ðô đốc và các quý vị. Theo tin mật báo mà chúng tôi nắm được qua hệ thống tề điềm địa phương, đúng 4 giờ chiều nay Liên đội II Thanh niên xung phong sẽ đưa 50 xuồng vượt Sông Ðốc ở điểm Tham Trơi - Phát Thành.

Lê Tích Thiểu:

- Thưa Ðô đốc và Trung tá, ta nên bố trí các loại cao tốc PCF và tàu mặt dựng cùng tàu phóng lôi với pháo hạm nhỏ chỉ huy sở. Từ căn cứ nổi ở đây, ta thả xuôi theo nước lớn, bố trí hỏa lực bao trùm, kể cả trực thăng bất ngờ xuất hiện để tiêu diệt hoàn toàn đơn vị vận tải nầy.

Qua thông dịch, lời nói hùng hồn và khoác lác của Lê Tích Thiểu làm cho Ðô đốc Thomas H. Moorer phấn chấn cực điểm. Ðô đốc H. Moorer nói:

- Tôi nghĩ nhân dịp này các quý ngài nên tạo lập một chiến công hiển hách để được tân Tổng thống Nixon tặng thưởng “Anh dũng bội tinh” và thăng chức vượt cấp. Tôi nghĩ tài năng của ngài Bền, ngài Thiểu đây… đâu có thua sút ông Minh, ông Thiệu, ông Kỳ, ông Viên, ông Thi, ông Ðôn, ông Xuân và ông Trần Văn Hương lọm khọm…

Trần Thanh Bền:

- Thưa ngài Ðô đốc, chiến trường cài răng lược giữa ta và Việt cộng hiện nay không đơn giản. Sau khi Hai Văn - Phan Văn Ðáng, Phó Bí thư Trung ương Cục cỡi trâu qua biên giới Vĩnh Tế, về trọng điểm 1 ở nhà Hai Tiểu - An Bình chỉ huy 3 đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, họ thiệt hại nhiều, nhưng phía ta (mà họ gọi là Mỹ ngụy) thiệt hại nhiều hơn, Tổng thống Johnson xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc và không tái ứng cử, mò mẫm con đường hòa đàm. Còn bây giờ ông Võ Văn Kiệt trẻ trung và năng nỗ đã về miền Tây Nam Bộ mà họ gọi là T3, nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy, Chánh ủy Quân khu thay cho ông Nguyễn Thành Thơ. Tương quan trí tuệ và nói chung tương quan lực lượng Vùng 4 chiến thuật do Quân đoàn 4 trấn thủ có nhiều thay đổi.

Lê Tích Thiểu:

- Nếu như Trung tá ngại việc chỉ huy hành quân ngăn chận Liên đội II chiều nay, xin hãy để tôi thay Trung tá, trực tiếp chỉ huy một mình…

Trần Thanh Bền:

- Không phải thế, tôi và ngài Ðô đốc đây sẽ cùng đi với Thiếu tá. Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hùng mạnh thế nầy, ta sợ chi…

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết