30/05/2022 - 13:33

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương năm mươi mốt

TRẠM XÁ DÃ CHIẾN Ở MO SO

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

4. ỐC TIÊU HY SINH

Trạm xá dã chiến trong hang nước vừa bố trí xong, thì có “khách” đưa thương binh đến. Trạm thu dung do cô Hà phụ trách, được bố trí ở hang Cây Me. Tổ bảo vệ đặt ống dòm chăm chú một lúc rồi chiến sĩ Thông bảo:

- Mầy quan sát kỹ xem cái tốp võng người bịnh hay người bị thương đó sao giống dân ở Đại đội Nguyễn Việt Khái của mình quá.

Chiến sĩ Hồng:

- Mầy đưa ống dòm tao coi… Đúng rồi, người đội nón tai bèo ở đầu võng phía trước chính là Liên đội phó Bảy Nông. Ảnh cao lêu nghêu, hai vai ngang tràng, có lẫn lộn với ai được.

Chiến sĩ Thông:

- Đâu, mầy trả ống dòm tao coi… Đúng như ghi, anh Bảy đầu võng trước, còn anh Định đầu võng sau. Trời đất ơi, ai bị thương nặng mà các anh đưa về trạm xá thế này. Mầy ở đây canh gác. Nhớ quan sát ở phía trái và phía sau lưng, để tao chạy ra khiêng tiếp cho anh Bảy.

Trong chuyến chuyển hàng chiều qua, chẳng những anh em ta không xuyên được kinh Vĩnh Tế, mà chúng còn dùng bom lửa và phóng roc-ket vào đội hình ta, làm nhiều đồng chí hy sinh và bị thương. Người đang khiêng trên võng là nữ chiến sĩ thanh niên xung phong tên Kim Ngọc, vì cô ăn nói thẳng thóm, nên bạn bè tặng biệt danh Ốc Tiêu - có nghĩa là cô rất cay, hay làm mọi người phật lòng. Hồi mới trốn gia đình tòng quân để trả thù nhà, đền nợ nước, cô nhỏ xíu con và xấu gái. Mỗi lần chơi giỡn với Hải tặc, Hải tặc tỏ vẻ không ưa, các chị cú đầu Hải tặc thì cậu ta vò đầu kêu đau mà không dám phản đối. Nhưng nếu Ốc Tiêu “ăn có”, cú tay vào đầu Hải tặc thì liền bị trả đũa gấp đôi. Nhưng “ghét của nào trời trao của ấy”, hai cô chú thường cự cãi nhau, chỉ trích nhau, xì xò nguýt háy nhau… lại thường hay nghĩ về nhau và có lẽ họ đã yêu nhau mà chưa hề thổ lộ. Cô Ốc Tiêu bây giờ trổ mã gái xinh đẹp một cách lạ lùng. Những lần chuyển khách là các đơn vị bộ đội miền Bắc, gồm những chàng trai có học thức từ Hà Nội, Hải Phòng tình nguyện vào Nam chiến đấu, trên đường đi qua tuyến 1C, nhìn thấy cô thanh niên xung phong có biệt hiệu Ốc Tiêu thật là tuyệt vời. Nhiều chiến sĩ tranh thủ đến bên cô lúc cùng đi hoặc lúc ngồi bên bờ sông Vàm Rầy chờ cột bòng để làm trái nổi qua sông đã tranh thủ hỏi thăm tên tuổi, quê hương của người con gái đẹp:

- Cô là Ốc Tiêu à, sao tên gì ngộ vậy?

- Đâu phải cha mẹ đặt em tên kỳ vậy, em tên là Kim Ngọc mà.

- Kim Ngọc ơi, em nhớ tên anh nghe, anh là Thanh Tuấn. Nếu ngày toàn thắng mà Thanh Tuấn không đến tìm Kim Ngọc, thì có nghĩa là anh “sinh Bắc tử Nam”, bấy giờ Kim Ngọc nhớ đốt cho anh một cây nhang nghe em.

- Anh Tuấn ơi, ngày độc lập em mừng lắm. Nếu biết anh hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam quê hương em, em sẽ đốt cho anh một bó nhang.

- Không phải vậy đâu, nếu em không thương anh thì đốt 5, 7 bó nhang, hồn liệt sĩ của anh cũng không bay về chứng chiếu được. Còn nếu từ giờ em nghĩ tới anh, người con trai của bà mẹ ở hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, từ giã gia đình, từ giã trường học tự nguyện vào Nam chiến đấu và may mắn gặp em ở đây, nếu được em nghĩ đến, thì khi chết chỉ cần một nén nhang là đủ…

- Anh nói cái gì lòng vòng, bộ anh muốn em hả?

- Anh nói thật, chớ đâu có gì mà nói lòng vòng. Còn em hỏi anh muốn em là sao? Anh đâu biết muốn là gì.

- Trời đất, anh là giáo viên trường cấp III Hà Nội mà không biết muốn là gì sao? Muốn là anh thương em đó, mà thương là yêu đó chớ không phải thương thường như thương em gái, chị gái mình đâu. Muốn em là anh muốn em làm vợ anh đó, biết hôn?

- Vậy sao? Vậy anh muốn em đó!

- Em chưa định việc hôn nhân, cha em bị luật 10/59 của Mỹ Diệm hành quyết trên sân đình, em phải trốn gia đình vì chưa đúng tuổi tòng quân, quyết lên chiến trường 1C vận chuyển vũ khí để góp sức trả thù cho cha và cho xứ sở. Hơn nữa, em là Ốc Tiêu xấu hoắc mà anh muốn nỗi gì?

- Không phải như em nói đâu, Kim Ngọc đẹp tuyệt vời kia đấy. Em có vật gì để trao cho anh làm kỷ niệm không? Phần anh, tặng em chiếc nhẫn này làm kỷ niệm.

- Không nên như vậy đâu anh, chỉ trong giây lát là mình chia tay và đôi khi vĩnh biệt nhau, không còn cơ hội gặp lại. Ràng buộc nhau làm chi cho bận lòng. Hơn nữa, em còn một thằng bạn trai “trời đánh phải rọi đèn pin”. Nó tên Hải tặc, tức là biệt danh “ăn cướp biển”, do đồng đội gán cho.

- Vậy cô đã có người yêu rồi à? Anh ta có đẹp trai không?

- Trời ơi, nó có phải là người yêu của em đâu! Hơn nữa nó xấu hoắc, bộ vó lêu khêu, da đen trại như lọ chảo, lại bày đặt thổi ống tiêu.

- Vậy anh ta là nghệ sĩ thổi sáo à?

- Nghệ sĩ cái nỗi gì anh. Chú Sáu Phước, Khẩu đội trưởng, chặt trúc trong rừng dùi lỗ, rồi dạy cho Hải tặc thổi vi vu mấy bài hát đánh Pháp hồi 9 năm. Vậy mà anh ta mê lắm đó anh!

- Anh ta mê sáo trúc, mà có mê Kim Ngọc không?

- Em làm sao biết được trong bụng của cái thằng “Trời đánh thánh vật” đó! Nó cứ gọi em bằng mầy, chẳng khi nào tỏ ra dịu dàng với em. Chỉ có mới đây, khi bị thương nằm trong bịnh xá, nó lại bày đặt làm thơ, lén chú Chín Tần và chị Thủy nhờ người gởi về cho em…

- Bài thơ đó hay không? Nội dung nói gì, em có thuộc không?

- Bài thơ cũng thường thôi, bởi Hải Tặc dốt muốn chết mà thơ thẩn cái nỗi gì. Nhưng em nhớ trong bài có một câu thế này: “Bài thơ anh viết… thế là… Phải lòng thì cũng ngọc ngà gởi nhau, Anh đi dù tới phương nào, Vẫn thường nghe tiếng pháo gào phía em”.

- Bài thơ hay lắm! Hải tặc đã yêu em rồi đấy. Thôi vậy anh xin rút ý kiến. Nhưng để kỷ niệm lần gặp gỡ này, từ giờ chúng ta nhận nhau là anh em như một mẹ sinh ra đi.

- Nếu anh nói vậy, em đồng ý. Và em tặng anh chiếc khăn tay có thêu tên em để anh giữ làm kỷ niệm.

- Còn đây, chiếc nhẫn của anh mang từ Hà Nội, anh trao cho em làm kỷ vật.

Hai bạn trẻ vừa trao đổi vật kỷ niệm thì lịnh hành quân đã chuyền tới. Thế rồi, họ cùng lội qua Vàm Rầy. Và lâu nay họ không có tin tức về nhau. Bây giờ, Ốc Tiêu bị thương nặng, dấu hiệu thoát chết không còn. Cô nằm lắc lư trên chiếc võng ni lông do thủ trưởng đơn vị và người anh đồng hương đưa về trạm. Trong mơ màng lúc mê lúc tỉnh, hình ảnh của người chiến sĩ miền Bắc chi viện hiện lên trong tâm tưởng. Và thằng Hải tặc thổi sáo đáng yêu cũng đồng thời hiện lên trước mắt cô. Trong lòng của trái núi Đá Trắng, pháo địch dội ầm ì, tiếng sáo của Hải Tặc lại bình thản, hiên ngang từ trong ấy vút ra như vẫy gọi chiếc võng đáng thương của Ốc Tiêu nhanh nhanh tới điểm.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết