28/05/2022 - 11:02

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương năm mươi mốt

TRẠM XÁ DÃ CHIẾN Ở MO SO

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Quần thể Mo So bao gồm núi Quĩnh, bãi Voi, núi Sơn Trà, núi Nhỏ…  Mo So tiếng Khmer có nghĩa là Ðá Trắng. Giữa khu rừng thiêng mang nhiều dấu vết lịch sử và truyền thuyết từ nhiều thế kỷ mở đất và giữ đất, Mo So và chùm núi anh em của mình trở thành những nhân chứng thiên nhiên, mang dấu ấn nhiều thời đại đã qua. Bên cạnh Mo So, tuyến biển có núi Cá Sấu, Kích Sơn - Hòn Chông, phía Tây Nam có Hòn Ðất, Hòn Me, Hòn Sóc… giăng giăng thế trận. Sau bờ Nam biên giới Vĩnh Tế, nơi đây là chiến trường khốc liệt của tuyến đường 1C. Các nhà địa chất Pháp cho rằng tuổi đá vôi của Mo So là 240 triệu năm, nhưng do những dao động của trái đất dữ dội, chúng được kiến tạo không cùng lúc, núi Sam mới có 6-7 triệu năm; Côn Ðảo 70 triệu năm. Còn các nhà địa chất Mỹ dùng phương pháp K/A2 xác định tuổi đá Granic ở Hòn Khoai là 183 triệu năm. Nhiều lượt biển thoái, biển tiến, biến núi thành hòn và biến hòn thành núi… nối nhau diễn ra như chiến tranh, thao dượt nhào nặn cho vùng đất thiêng thêm vững chãi, để sau này nâng bước chân hùng dũng của đoàn quân vệ quốc trên tuyến đường huyền thoại chúng ta. Núi thuộc về chúng ta, như cha mẹ, như anh em, như người yêu, như đồng đội. Núi cùng người kiên cường chiến đấu…

Thời đánh Pháp, cuối năm 1950, giặc dùng Dacota thả dù xuống Mo So 4 tiểu đoàn Lê Dương và lính Bảo hoàng, mở hai gọng kềm tiến vào đánh phá Binh công xưởng 18, thuộc tỉnh Long Châu Hà. Trước nguy cơ bị kẻ thù tiêu diệt, gần 100 chiến sĩ, cán bộ, kỹ sư, công nhân quốc phòng xin thề dưới búa liềm và ảnh Bác: “Quyết tử chiến đấu”. Trận giáp lá cà không cân sức diễn ra khốc liệt ở hang Nước, hang Cây Me, hang Dơi, hang Lò Ðúc… tiếng súng và tiếng lựu đạn ầm vang núi. Trong trận chiến đấu này, anh Thạch Xiêm đã bắn chết và bị thương nhiều tên Pháp, anh chiến đấu cùng đồng đội để bảo vệ kho và bảo vệ đơn vị. Giặc bắt được anh, tên quan Ba Pháp - Dexe đã dùng dao khoét mắt anh và hạ sát anh trước mặt gia đình và người thân - bởi anh không khai báo. Anh hô “Hồ Chí Minh muôn năm!”  và “Ðả đảo đế quốc Pháp” nhiều lần.

Chú Tư Mau:

- Ban chỉ huy Ðoàn 195 hết sức hoan nghinh đồng chí và đội phẫu thuật dã chiến của đồng chí, quyết tâm bám lại địa bàn 1C này để sống chết cùng anh em. Sự có mặt của trạm xá các đồng chí, làm cho tinh thần cán bộ và chiến sĩ ta vững vàng. Nhiều đồng chí cho rằng “Có thêm một trạm phẫu thuật dã chiến của Chín Tần, coi như anh em mình bị thương là không chết!”.

Chú Chín Tần:

- Chúng tôi cảm ơn những lời nhận xét của Ban chỉ huy Ðoàn 195 đối với mình. Chúng tôi nguyện gắn bó với những đơn vị hiện còn bám lại bờ Nam Vĩnh Tế của con đường huyền thoại cho đến ngày giải phóng đất nước.

Chú Tư Mau:

- Nhưng vấn đề đặt ra là phải chọn một điểm phù hợp để các đồng chí xây dựng trạm xá. Chúng tôi đã nhiều lần bàn và xin ý kiến anh Bảy Thạng, anh Ba Mai, cũng như Ban Thường vụ Khu đoàn: đồng chí Năm Hạnh và đồng chí Năm Bang, Út Nhì… tất cả thống nhất chọn hang nước Mo So cho các đồng chí làm căn cứ trạm xá.

Chú Chín Tần:

- Trước khi chia tay anh em tôi để về Cà Mau nhận nhiệm vụ phụ trách Liên đội II, đồng chí Năm Ðoàn cũng đã có gợi ý này. Sau khi bị giặc đánh phá trạm xá ở cánh rừng 80 như anh Tư biết, nếu không về Mo So để lấy hang núi làm pháo đài che chắn, thì ta khó bảo vệ khối lượng thương binh, bệnh binh ngày một đông. Chọn Mo So làm Trạm xá 195 - Thanh niên xung phong là một quyết định sáng suốt.

Chú Tư Mau:

- Trong hang nước Mo So, chúng ta có 3 ưu thế. Một, bản thân hang nước đã trữ một khối lượng nước ngọt và sạch đủ dùng cho một sư đoàn trong nhiều năm. Năm 1865 đến giữa năm 1868, Nguyễn Trung Trực đã dùng thế núi và lòng dân ở đây để luyện quân chiếm đồn Rạch Giá… Xưởng 18 của Tỉnh đội Long Châu Hà - Nam Bộ cũng dùng nguồn nước ở đây để xây công xưởng và kho bãi, doanh trại sản xuất và tàng trữ vũ khí của mình. Thứ hai, hang núi nối liền nhiều lò ảng rộng lớn và thông đồng nhau, giữa núi lại có thung lũng, nhìn chung núi đã bố trí thành một thế trận, giúp cho ta bố trí ăn ở, sinh hoạt, xếp chỗ nằm cho thương binh, trạm canh phòng, và chiến hào đánh giặc khi bị chúng tiến công. Thứ ba, dân chúng quanh vùng núi Mo So là dân chí cốt của ta, có ảnh hưởng nghĩa quân từ thời cụ Nguyễn chống Pháp đến cuộc kháng chiến 9 năm và đến ngày nay. Như vậy, căn cứ Mo So là thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Chú Chín Tần:

- Nghe nói tại Mo So có nhiều đơn vị cơ quan trú đóng, mình lên có đụng nhau về chỗ ở với anh em không, anh Tư?

Chú Tư Mau:

- Hang nước hiện nay công trường huyện Hòn Ðất đang ở làm doanh trại. Nhưng Tỉnh ủy và Tỉnh đội Kiên Giang đã có ý kiến nhường lại cho trạm xá của ta rồi. Ðồng chí dẫn anh em lên, sẽ được các cơ quan đóng quân nơi đó nhiệt liệt ủng hộ.

      (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết