* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương bốn mươi bảy
THỐNG CON HY SINH
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
văn phòng Ban chỉ huy Liên đội đang họp, do chú Năm Đoàn điều khiển, có chú Chín Tần tham dự. Đơn vị liên tịch là chú Tư Khánh cùng có mặt. Tất cả đang chuẩn bị phương án chống càn, khi mật điện của Khu ủy và Quân Khu ủy báo tin hai sư đoàn ngụy tập trung đánh vào tuyến 1C để cắt đứt con đường vận chuyển lợi hại của ta. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, địch mở cuộc tiến công U Minh đợt I, dùng lực lượng Sư đoàn 9, Lữ đoàn thủy quân lục chiến, 4 tiểu đoàn biệt động, 4 giang đoàn lính thủy đánh bộ, 3 giang đoàn xung phong và Hải đoàn Hắc Giang (Năm Căn); 3 tiểu đoàn pháo bờ biển, 1 hải đoàn Mỹ số 41 (sông Ông Đốc), 2 trung đoàn không quân và máy bay B52 yểm trợ. Đó là hướng chính chúng đánh vào U Minh Thượng đến U Minh Hạ để “Nhổ cỏ U Minh” và “Tìm diệt” cơ quan lãnh đạo của Khu ủy - Bộ Tư lịnh Quân khu. Còn hướng thứ yếu là hướng Bảy Núi - Ba Hòn như đã nói. Chúng tập trung Sư đoàn 21 với 3 tiểu đoàn quân biệt động, 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội bảo an, 3 đoàn chiến tranh tâm lý cùng 3 chi đoàn xe bọc thép 60 chiếc, 150 xe quân sự, 1 tiểu đoàn pháo 18 khẩu 105 ly và 155 ly, 1 giang đoàn trên 20 xuồng cao tốc, hàng trăm máy bay chiến đấu, trực thăng, cả máy bay B.52 đánh đường 1C… Đó là bước đầu.
Bước tiếp, sau Mậu Thân, địch dùng phi pháo cùng 3 sư đoàn 7, 9 và 21 thay nhau đánh phá ác liệt tuyến đường này. Đặc biệt, chúng đánh vào Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc - trong đó Hòn Đất có vị trí quan trọng nhất. Mo So và quần thể núi nhỏ thấp ở đây cũng là trọng điểm hủy diệt của chúng. Sở chỉ huy cuộc hành quân địch đóng ở Tri Tôn. Chúng ném bom, bắn pháo, rải chất độc hóa học, phá trọc trụi Hòn Đất để mở đường cho bộ binh tiến dần từng bước, kết hợp với công binh đánh núi, đánh hang, chúng cẩn thận chiếm từng khu trục, có những hang núi chúng phải giằng co với ta 1, 2 tháng mới chiếm được. Ban đêm, địch cho máy bay chở bọn tâm lý chiến, bọn đầu hàng đầu thú dùng loa phóng thanh kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ta ra hàng. Để thực hiện phong tỏa đường thủy, đường bộ và lương thực, thực phẩm, địch không cho nhà dân trữ gạo nhiều hơn 20 lít, để dân không thể tiếp tế cho quân ta.
Đó là nội dung mà hội nghị Ban chỉ huy Liên đội được truyền đạt, kể cả chủ trương về phương châm, phương pháp chống càn. Phát huy thắng lợi từ trận chống càn ở kinh Tám Ngàn, ở sông Ông Đốc, ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch và diệt 74 tên, bắn rơi 1 trực thăng. Ở Rọ Ghe, ta tập kích 1 đại đội thủy quân lục chiến. Ngày 6-11-1969, ta đồng loạt nổ súng khắp các mặt trận, diệt 680 tên, trong đó có tên Đại tá Lữ đoàn phó chết trận, Đại tá Lữ đoàn trưởng bị thương, bỏ trốn. Ở U Minh, giặc đang kết thúc cuộc hành quân. Nhưng hướng thứ yếu là Gộc Xây, và tuyến biển Ba Hòn chúng đang tập trung đánh phá…
Hội nghị đang bàn, thì bầy trực thăng phóng pháo đến bao vây. Chú Năm Đoàn:
- Tôi đề nghị chúng ta ngưng cuộc họp. Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng, địch có thể đổ quân bao vây chúng ta, vì điểm này đã lộ từ lâu…
Chú Tư Khánh:
- Đồng chí nào chạy ra ụ pháo phòng không 12 li 8 ra lịnh cho khẩu đội trưởng và các xạ thủ chuẩn bị đạn để vừa khống chế trực thăng, vừa hạ nòng bắn thẳng để tiêu diệt bộ binh càn tới cứ của ta.
Thống Con:
- Thưa chú Tư, chú Năm, điểm này chưa lộ đâu. Để con một mình với cây AK chống xuồng qua trảng, dẫn địch về hướng cánh rừng phía Tây. Để mấy chú ở đây có thì giờ thu xếp và phân tán bảo vệ lực lượng.
Chú Chín Tần:
- Để chú đi với cháu, có gì chú băng bó cho cháu.
Thống Con:
- Không cần đâu chú Chín, một mình cháu là đủ!
Thống Con không chờ cấp chỉ huy chấp thuận, em xách cây AK gọn nhẹ như người lớn phóng xuống chiếc xuồng mõ, chộp xào nạng chống ào ào qua trảng trống để nhử trực thăng đuổi theo. Khi xuồng “phụp” vào vạt tràm phía Tây, Thống giương súng lên trời bắn mấy loạt liên tục. 6 chiếc trực thăng quay lại nã pháo ầm ầm vào bé Thống và chiếc xuồng con. Tất cả các chú, các anh đều nghe tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” rồi tất cả im lặng. Mấy chiếc trực thăng phóng pháo quần đảo một lát bay về Chi Lăng. Chiếc L.19 chở một viên sĩ quan nào đó có khi là Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh hoặc Đại tá Sảnh rà soát chiến trường. Chúng không biết rằng chúng mắc phải trí tuệ du kích chiến tranh của bé Thống, thu hút chúng đến một nơi do em quyết định. Năm đó Thống vừa 14 tuổi…
Chú Năm Đoàn:
- Báo cáo các đồng chí, Thống Con đã anh dũng hy sinh như Lê Lai cứu Lê Lợi. Đó là năm 1419, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn bước sang năm thứ hai. Năm ấy, Lê Lợi đem binh tấn công đồn Nga Lạc ở Thanh Hóa, bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao và chém hơn một ngàn đầu giặc. Nhưng sau đó địch bao vây phản kích ta, tình thế rất nguy cấp, Lê Lai đã tình nguyện mặc y phục của Lê Lợi, giả làm Lê Lợi, dẫn 500 quân cảm tử phá vòng vây, đánh lạc hướng quân Minh. Giặc tưởng Lê Lai chính là Bình Định Vương Lê Lợi nên tập trung vây bắt, và giết chết ông. Nhờ vậy, Lê Lợi và các tướng sĩ còn lại thoát được. Đến năm 1928, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, lập nên nhà hậu Lê. Đến ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ sáu năm 1433 Lê Thái Tổ mất lúc 48 tuổi, có lời dặn trước rằng phải cúng ân nhân Lê Lai trước Đức Vua một ngày. Nên sử ta có phương ngôn “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Thống Con qua hành động cảm tử để cứu sống tập thể Ban chỉ huy Liên đội là một hành động anh hùng.
Chú Tư Khánh:
- Tôi đề nghị hai đơn vị chúng ta tổ chức truy điệu trọng thể trong hoàn cảnh của mình và đúc kết tấm gương đồng chí Thống, nữ đồng chí Hồng Láng và một số đồng chí khác thành bài học sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc cho chúng ta noi theo để hoàn thành nhiệm vụ.
Hải tặc:
- Thống Con ơi, từ nay anh thổi sáo một mình không có em ngồi bên đánh muỗng. Em chết kiểu như vậy, là em chết vinh quang, anh phải trọn đời đốt nhang cho em.
(Còn tiếp)