20/05/2022 - 09:49

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi sáu

HÁT TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3. BÀ MÁ NAM THÁI SƠN

Thành phố Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô, dọi bóng nguy nga xuống dòng sông Hậu. Nếu như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không vì lòng tham và sĩ diện của mình sau bao nhiêu thất bại đối với Việt Minh và Việt cộng - những lực lượng chân chính của Mặt trận nhân dân miền Nam, gắn liền với tiền tuyến lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa từng chiến thắng kẻ xâm lược, làm cho những kẻ thù hùng mạnh của mình nếm những ngọn đòn thảm bại.

Cần Thơ trong thời điểm tướng Nguyễn Văn Mạnh làm Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, và tiếp theo, tướng Nguyễn Viết Thanh, tướng Ngô Dzu… là thời điểm Mỹ phóng con tàu vũ trụ Apollo 11, qua màn ảnh truyền hình thế giới theo dõi con người đầu tiên là phi hành gia Neil Amstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng, và khi quay về trái đất, Amstrong đổ bộ xuống vùng biển thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương và Tổng thống Mỹ Nixon đã tới đó đón rước. Mỹ, ngoài vũ khí tối tân với những phương tiện chiến tranh hiện đại và đổ bộ vào Nam Việt Nam hơn 1 triệu bộ binh, vẫn phải dùng ảnh hưởng khoa học về con tàu vũ trụ để củng cố thêm thế đứng ở Nam Việt Nam. Nhưng bấy giờ hội nghị Paris đang diễn ra. Ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy mời tiến sĩ Kissinger dùng cơm ở những ngôi nhà nhỏ ngoại ô Paris có sân cỏ, có vườn hoa thanh lịch với các nữ tiếp viên trẻ trung, vui vẻ, không khí thân mật ấm cúng. Bộ trưởng Xuân Thủy đã đặt câu hỏi với Kissinger: Tại sao Mỹ đưa quân đến Việt Nam nhanh mà kế hoạch rút quân lại nhỏ giọt, rút 25.000 quân so với 54 vạn quân Mỹ hiện có ở Nam Việt Nam (1969) thật không nghĩa lý gì! Không khí tranh luận về hội nghị Paris làm xôn xao Tây Đô của sông Hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến các thầy cô giáo và học sinh sinh viên ở các trường Phan Thanh Giản (trường nam) và Đoàn Thị Điểm (trường nữ). Hai trường liên kết tập văn nghệ để ngầm hưởng ứng hội nghị Paris và cũng để tổng kết năm học. Trên sân khấu nhỏ của trường Phan Thanh Giản, các nam nữ học sinh lớp Tú tài toàn phần đang tập tiết mục văn nghệ “Hội nghị Diên Hồng”. Cây đàn hơi Acordéon thổi ra không gian rộng lớn của hội trường khúc nhạc “Kìa vừng hồng, tràn lan trên đỉnh núi, ôi xa xa khói kinh kỳ phơi phới…” trước tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thời sinh viên, được dựng lại để phối thuộc nội dung thời sự trước mắt. Hàng chục diễn viên nam nữ mặc sắc phục cổ trang, tay cầm gươm cầm giáo, hậu thuẫn cho các bô lão trả lời vua Trần: “Thế nước yếu nên hòa hay nên chiến?”. Các bô lão nắm tay giơ lên: “Quyết chiến!”. Đức vua: “Khi nhân dân điêu linh, lấy gì lo chiến chinh?”. Các bô lão lại nắm tay giơ lên: “Hy sinh!”.

Tiết mục “Hội nghị Diên Hồng” được sinh viên liên trường trình bày hết sức thành công. Nam nữ lĩnh xướng là chú Hộ và cô Phấn trong Ban chấp hành Hội học sinh của trường mà cũng là hai diễn viên gạo cội của hai đội văn nghệ tiêu biểu của phong trào thanh niên sinh viên Cần Thơ chống Mỹ cứu nước. Tiếp theo là bài “Xếp bút nghiên” cũng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, được trình bày bằng tốp ca. Kế đến là bài “Nỗi buồn hoa phượng” do cô Phấn và chú Hộ song ca “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai hai đứa chia cách hai nơi. Phút gần gũi nhau hết rồi…”.

Đôi nam nữ ca sĩ này đã từng yêu nhau từ luyện thi Tú tài 1, tìm gặp nhau trong lý tưởng chiến đấu qua những câu thơ cháy bỏng tình yêu nước của nhà thơ cách mạng Tố Hữu:

“Hỡi những con khôn của giống nòi

Đã từng đau khổ lúc trong nôi?

Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

Hãy chọn một dòng, hay để nước trôi?”

Và “từ ấy” hai bạn trẻ cùng đồng tâm nhất trí, hòa nhịp một trái tim cùng liên kết với hàng trăm, hàng ngàn trái tim son trẻ khác, bao gồm phong trào phát huy tinh thần chiến đấu của tiểu đội Hoàng Thanh, của Ngọc Trai, của Trần Hoàng Na, của Nguyễn Việt Hồng… cuối cùng cô chú (Phấn và Hộ) cùng rủ nhau “xếp bút nghiên” lên đường tranh đấu, coi thường công danh, ra chiến khu cùng với tuổi trẻ miền Tây Nam Bộ, thề hy sinh chiến đấu, đem tuổi thanh xuân dâng hiến cho Tổ quốc kính yêu…

Sau khi phục vụ đợt 3 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Cần Thơ, chú Hộ, cô Phấn, cô Điền và nói chung cả đại đội thanh niên xung phong mang tên Tây Đô do chú Hai Tân chỉ huy, cùng đơn vị bạn là đại đội Vĩnh - Trà, do chú Tư Bay chỉ huy, chấp hành mệnh lệnh Khu đoàn, lên tuyến 1C, nhận lấy nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự trên con đường huyền thoại.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết