17/05/2022 - 20:36

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi sáu

HÁT TRÊN TUYẾN ÐƯỜNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. XÂY CỨ CHO ÐỘI PHẪU THUẬT

Liên đội trưởng Bùi Tấn Sĩ và bác sĩ Trần Minh Hữu cùng hai vệ sĩ của mình lúc chống xuồng, lúc đi bộ, cùng tìm một điểm thích hợp có rừng cây che khuất ở khu vực gần T80 để lập trạm phẫu thuật dã chiến. Ở địa bàn này, chỗ nào cũng rổ nát dấu pháo, dấu bom, nhưng ngoan cường thay những vạt tràm dù bị thương tích xơ xác vẫn tỏ vẻ đứng vững. Rùa, rắn, khỉ, cà khu, chim cò, chồn rái và nói chung nhiều loại thú của khu rừng nước lợ tập trung về đây, lưu trú trong những khu rừng đại ngàn xưa, nay bị chất độc hóa học và bom đạn Hoa Kỳ tàn phá dữ dội, nên phần còn lại chỉ năm, mười phần trăm của tổng diện tích ngày xưa. Ở một khoảng đất trống, hai người bạn cũ từng học ở trường trung học Tiền Phong của Xứ đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ tổ chức từ thời kháng chiến chống Pháp, nay họ là đồng đội của nhau, cùng gắn bó với nhiệm vụ trên tuyến đường 1C huyền thoại, họ ngồi xuống lật tấm bản đồ tọa độ pháo của địch mà họ lấy được từ một trận chống càn, đặt cây thước xếp có tiểu li, đo đạc bốn phía rồi kết luận. Năm Ðoàn nói:

- Theo tôi, ta cất trạm phẫu thuật dã chiến chỗ này. Từ đây cách Kiên Lương 18km, cách Hòn Ðất 7km, cách kinh Tám Ngàn non 10km. Như vậy, ta đặt những trạm trực ở các điểm nói trên, và lấy tuyến biển với phương tiện đánh bắt của ngư dân làm một trong những phương tiện tải thương, hoặc di dời trạm xá khi cần. Ðường xuồng, thì ta sử dụng con đường vận chuyển vũ khí với lực lượng bảo vệ văn phòng và đơn vị C1 bảo vệ đầu cầu.

Chín Tần:

- Tôi cũng thống nhất ý kiến Năm Ðoàn, chỉ bổ sung thêm, ta nên làm nhiều hầm chữ A để cho thương binh tránh tái sát thương. Ðồng thời cũng phải có chỗ để an táng những trường hợp tử vong, ta không bị động.

- Ở đây gần nghĩa trang Hòn Ðất, anh em ta hy sinh, các đồng chí địa phương và nhân dân thường đem vào nơi đó để an táng. Trường hợp bị giặc bao vây thì ta chôn tạm ở những gò đất giữa khu rừng, sau đó đem ra nghĩa trang đã nói.

- Còn vấn đề đặt ra là phải có nguồn nước sạch để luộc ống tiêm và rửa vết thương cho thương binh.

- Khó khăn này chỉ có thể nhờ chú Tám Xà Bam, chú Chín Cà Rèm và chú Sáu Vệ Tinh dùng bọc ni lông đựng nước của Mỹ, và can nhựa trắng, ta xin nước mưa của nhân dân trong các khu ấp chiến lược chuyển ra để xài. Cách này tuy phức tạp nhưng ta sẽ làm được.

Sau buổi đi quan sát, đơn vị bảo vệ được phân công xây dựng trạm giải phẫu dã chiến. Có một đường nước để dùng xuồng chở thương binh vào trạm. Trường hợp vết thương nặng, có thể để thương binh nằm tại xuồng, tiến hành phẫu thuật. Ðêm thì dùng đèn pin soi vết thương để mổ xẻ, tiêm thuốc và băng bó. Như vậy, trạm dã chiến được thu xếp chưa đầy một tuần lễ đã có thể tiếp nhận chiến thương và bệnh binh. Khi bệnh viện bắt đầu hoạt động, trạm phẫu thuật của Bảy Sách vơi bớt thương bệnh binh, vì phần lớn anh em thích đến điều trị với bác sĩ Chín Tần. Trạm xá dã chiến của thanh niên xung phong do Chín Tần phụ trách trở thành một trong những trung tâm của chiến trường biên giới Vĩnh Tế. Nhiều ca trung và đại phẫu thuật vì không thể vận chuyển về bệnh viện - bởi địch bao vây phong tỏa, nên trạm xá phải giải quyết ngoài khả năng của mình, song tất cả các trường hợp như vậy đều mang lại kết quả tốt đẹp, hàng trăm chiến sĩ kể cả các đơn vị miền Bắc chi viện cho khu Tây Nam Bộ, khi hành quân qua tuyến đường bị thương, cũng đều được trạm xá thanh niên xung phong giải quyết.

Giặc tiến hành càn quét khu vực Kiên Lương - Ba Hòn. Chúng đổ quân vào khu rừng để tìm diệt trạm xá. Hải tặc lại bị thương khi làm nhiệm vụ bảo vệ trạm xá. Hải tặc:

- Chị Thủy ơi, em bị thương rồi. Hai chân em bây giờ tê liệt giống như hai khúc chuối, em không tài nào lết đi đâu được.

- Cậu đừng có nói lớn, chị biết rồi, để chị đến cõng em đi. Giặc chỉ còn cách ta không đầy nửa công đất. Em nhìn kia, mấy mươi thằng hòm hòm súng trong tay, đi lom khom tìm kiếm chúng ta đó.

- Nếu vậy, chị đưa trái lựu đạn cho em. Em nằm đây chờ chúng đến, em chia hai với chúng.

- Chưa cần thiết vậy đâu, em đeo vai chị đi, chị cõng em bò đi. Em cầm cái gì vậy? Trời ơi, giờ này mà em còn cầm cây sáo trúc, vứt đi, sau này anh Sáu Phước sẽ làm cho em cây khác mà.

- Không đâu chị, em còn sống là em cầm cây sáo này theo bên mình. Chị có thương em thì chị cõng em, cõng luôn cây sáo này trên tay em, nó nhẹ sờn hà chị.

Chị Thủy là một y sĩ, dù giặc đến gần, không nỡ bỏ Hải tặc nằm lại cho giặc giết, chị can đảm và bình tĩnh cõng Hải tặc bò đi, hai chị em như mèo tha dưa cải la lết đưa nhau đi qua một cụm rừng dày.

Tiếng của tên thượng sĩ:

- Ð.m… Tụi nó mới vừa bị thương ở chỗ này, trong bùn sệt còn đọng mấy vũng máu. Cái tên Việt cộng này bị thương nặng lắm, nó không bò đi đâu xa, hãy ráng kiếm, tụi bây!

Tên lính:

- Coi chừng nó có súng, mình lại gần nó bắn mình tử ẻo nghe Thượng sĩ! Tốt nhất là lấy lựu đạn M26 quăng vào trong các lùm rậm để diệt nó hay hơn!

Bọn lính ngụy dùng lựu đạn và bom tay quăng tứ tung trong khu rừng thưa. Chị Thủy và Hải tặc chỉ cách chúng có mấy thước, mà chúng không phát hiện được. Loay hoay một hồi, bọn chúng kéo nhau ra đường lớn. Chúng bị du kích và đội bảo vệ trạm bắn tỉa và tập kích bằng pháo dù, buộc chúng phải gọi trực thăng chở tử thi và thương binh về căn cứ Chi Lăng. Chị Thủy và Hải tặc theo dõi sát địch tình, nên khi chúng vừa rút đi là Thủy cõng em trai vào trạm, dùng lưỡi bào và băng cá nhân xử lý vết thương tại chỗ, rồi thắt ra-gô, bẻ nhánh tràm xeo chặt lại để thắt cứng mạch máu. Chiều đó, trạm phẫu thuật dã chiến lại bấm đèn pin lên để cứu chữa thương binh. Bấy giờ, Hải tặc bị thương khá nặng, nên được xếp là người số 3, giải quyết cho Hải tặc xong cũng là lúc gà gáy chập 1, bác sĩ và y tá nghỉ tay ăn cháo bồi dưỡng. Kết quả trận chống càn này phía ta bị thương 3, không có người hy sinh, giặc chết và bị thương một số, chúng phải dùng trực thăng chở về căn cứ.

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết