16/05/2022 - 22:05

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi lăm

CỦNG CỐ TỔ CHỨC LIÊN ÐỘI

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Sau buổi liên hoan đạm bạc và đáng nhớ, Năm Ðoàn và Hai Nô tổ chức buổi họp liên tịch, về phía Ðoàn 195 có chú Bảy Lúa đến dự để góp ý chỉ đạo. Cánh đồng Gộc Xây và ngã ba Ðầu Trâu về đêm trở nên hoang vắng, u buồn. Trước chiến tranh, nơi đây là chỗ cầm trâu, săn bắt các loại thú rừng và gác kèo ong, cũng là nơi dung trú của những băng đảng cướp, hoặc tội phạm vượt ngục, hoặc kẻ nợ nần, giết người đang bị nhà chức trách trong vùng truy nã. Mỗi mùa lũ, cá tôm vượt bờ bãi về miền đồng trũng này sinh sôi với khối lượng nuôi sống cả một vùng đất biên giới rộng lớn... Các phương tiện đánh bắt cá đồng, khai thác nguồn lợi thiên nhiên từ thượng nguồn biển hồ sông Mê Kong đổ xuống không biết cơ man nào mà kể những là cá và cá. Bây giờ, cánh đồng này là cánh đồng chiến trận. Ðom đóm từ dưới đáy nước, theo những cọng bông súng dọc dài bò lên khỏi mặt nước và chớp cánh bay lập lòe quanh những bụi điên điển trổ bông vàng giữa đồng nước lung linh.

Trong một vạt tràm xơ xác vì miểng bom pháo phạt đứt cành nhánh liên tục trong mỗi ngày, vẫn tồn tại văn phòng của Liên đội 1. Và đêm nay những chiến sĩ trẻ của binh đoàn vận tải tuyến 1C đang hội nghị để bố trí lực lượng, tiến quân vào đợt mới.

Chú Bảy Lúa nói:

- Xin báo các đồng chí, buổi giao dịch vào 4 giờ chiều này, lệnh của đồng chí Bảy Thạng, điều Liên đội trưởng Bùi Tấn Sĩ tức đồng chí Năm Ðoàn về phụ trách Liên đội 2 như trước đây đã có lần dự tính. Liên đội 2 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí nhận từ Bến 4, thuộc Ðoàn 962 do Ðại tá Huỳnh Long Bài và đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách. Cũng xin thông báo thêm đồng chí Tư Mau, Trưởng Ðoàn 195 sẽ cùng với đồng chí Năm Ðoàn thu xếp việc tổ chức đơn vị và xây dựng tuyến hành lang cho Liên đội 2 hoạt động. Nhưng nghị quyết có ghi rõ, chừng nào đồng chí Năm Ðoàn chuẩn bị người thay cho mình vững chắc thì mới rời đơn vị nơi đây.

Năm Ðoàn:

- Tôi đề nghị ta bổ sung thêm đồng chí Ngô Thị Tuyết làm Phó chánh ủy Liên đội 1, đồng thời bổ sung đồng chí Trần Thị Thu cán bộ Khu đoàn làm Liên đội phó. Hai nữ đồng chí này là Ðảng ủy viên của Liên đội. Hướng tới một bước ta sẽ bổ sung đồng chí Tư Bay, đồng chí Hai Tân, đồng chí Bảy Nông, đồng chí Hai Hồng, đồng chí Tư Ðức là những cán bộ đại đội vững mạnh của các đơn vị Tây Ðô, Vĩnh -Trà, Nguyễn Việt Khái, Mai Thanh Thế, Hòn Ðất… Cần liên tục bồi dưỡng để đề bạt làm Liên đội phó. Và chọn một đồng chí trong số này làm Liên đội trưởng thay tôi.

Ý kiến chú Năm Ðoàn được hội nghị vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Cũng đúng lúc pháo từ trận địa Chi Lăng rót qua chòi nổ ì ùm quanh đó, hội nghị vẫn tiếp tục làm việc như không có gì xảy ra. Chú Hai Nô phát biểu:

- Tôi đã thảo chương trình và kế hoạch, nhân đây có đồng chí Bảy Lúa và đồng chí Năm Ðoàn, xin được thông qua, nếu ta nhất trí thành kế hoạch chung. Thứ nhất nguồn hàng của ta còn quá nhiều, nhưng thằng địch đã xác định tọa độ hủy diệt của chúng là đây, cho nên dù cố gắng ta cũng chỉ vận chuyển theo lối du kích “ăn nhỏ đánh nhuyễn”, chớ không thể đi ào ạt mỗi đợt hàng trăm xuồng như đã qua. Như vậy là tôi và đồng chí Năm Phi phải về Thường trực ở Trạm 95 với đồng chí Bảy Bình để thắt chặt mối quan hệ với chánh quyền bạn, tổ chức bảo vệ kho bãi, nhằm giữ gìn hơn 500 tấn hàng đã chuyển về kho Kirivong, Túc Mía. Và phải chuyển hàng vạn tấn khác từ cảng Sihanouk Ville về đó, đề phòng địch cử quân sang đánh Campuchia, thì ta sẽ bị mất hàng.

Chú Năm Ðoàn:

- Ở kho 95 và khu căn cứ Kirivong của ta trên đất bạn nhất thiết là phải có cán bộ lãnh đạo của Liên đội đến trực. Nếu như đồng chí Hai Nô và Năm Phi “tự nguyện” về đó để lo liệu công việc như đồng chí nói thì tôi thấy cũng được. Nhưng như vậy thì tại T90 phải có một cán bộ chủ chốt nằm đây, để chịu trách nhiệm đầu mối nhận hàng và phân phối hàng từ bên kia biên giới chuyển về. Cái quan trọng ở đây là phải tổ chức nhận hàng và chiến đấu giữ hàng, trong lúc ta không có kho bãi, không có công sự - mà địch thì đang mở chiến dịch lớn, vậy tôi xin tình nguyện ở đây sống chết với anh em!

Ðồng chí Năm Ðoàn vừa phát biểu xong, tất cả anh em vỗ tay hoan nghinh ầm ĩ. Chú Chín Tần tiếp lời:

- Nếu vậy, tôi xin phép thay đổi kế hoạch lại, là Trạm phẫu thuật dã chiến do tôi phụ trách không cùng đi về T95 với đồng chí Hai Nô, mà chúng tôi nán lại đây, tồn tại trong chiến trường 1C để phục vụ cho chiến thương từ chiến trường ác liệt này. Làm như vậy, tôi nghĩ tác dụng của Trạm phẫu thuật chúng ta sẽ lớn hơn, thiết thực hơn và mang tính chiến đấu, tính nhân hậu nhiều hơn.

Chú Bảy Lúa:

- Tôi rất xúc động khi nghe ý kiến của đồng chí bác sĩ Chín Tần. Ban lãnh đạo Ðoàn 195 nghĩ rằng bộ phận của đồng chí rất bề bộn, nào thuốc men, dụng cụ mổ xẻ, giường bệnh cho thương binh… nhưng nếu bằng tinh thần quyết tử chiến đấu, ta tìm cách tồn tại ở đây bằng một giá sẵn sàng đánh đổi, thì vẫn có thể tồn tại được.

Chú Chín Tần:

- Thưa đồng chí Chánh ủy Ðoàn 195, xin đồng chí chuyển quyết tâm thư của Ðội phẫu thuật chúng tôi về Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu bằng phương tiện thông tin qua máy PRC25. Trước hết, xin đồng chí nhận lấy tinh thần hy sinh để phục vụ chiến thương của Ðội phẫu thuật do tôi phụ trách.

Chú Bảy Lúa đứng dậy đưa tay ngang mặt chào đồng chí bác sĩ vừa phát ra những câu nói hết sức cao quý, làm xúc động tất cả những người có mặt. Kế đến chú Bảy bắt tay chú Chín Tần và chú Năm Ðoàn, cũng không quên bắt tay chú Hai Nô và một số đồng chí đứng gần. Chú Năm Ðoàn nói:

- Ý kiến và bản quyết tâm thư của đồng chí Chín Tần làm chúng ta hết sức xúc động. Tôi xin thay mặt cho những chiến sĩ Liên đội 1 hiện đang quyết tử giữ vững tuyến đường từ bên này biên giới để hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển của Ðảng và nhân dân giao phó, xin quyết tâm đem sức lực và trí tuệ hợp tác bảo vệ Ðội phẫu thuật dã chiến của Ðoàn 195 - Thanh niên xung phong do đồng chí Trần Minh Hữu phụ trách. Xin đồng chí bác sĩ hãy tin rằng chúng tôi luôn luôn có mặt bên cạnh đơn vị đồng chí.

Tất cả lại vỗ tay hoan nghinh. Hải tặc nãy giờ ngồi im, nước mắt ràn rụa vì xúc động. Thống con và Sơn ròm không biết làm gì chạy lại chụp lấy tay chú Chín Tần và chú Năm Ðoàn hôn hít liên tục. Hai chú cảm động ôm hôn các cháu, và nước mắt ràn rụa vì những ý nghĩ đẹp nhất của người chiến sĩ trên tuyến đường được đánh thức và nâng lên tầm cao mới. Chú Hai Nô và cô Năm Phi trao đổi thầm thì gì đó với nhau mà những người đứng gần cũng không nghe rõ. Ðến sau này, khi hai người thành vợ chồng nhau, thì người ta mới biết nội dung của những lời thầm thì ấy là chuyện riêng. Chú Bảy Lúa tranh thủ bàn thêm mấy ý với chú Năm Ðoàn, nội dung là mời chú Năm tham gia vào Ban Chỉ huy Ðoàn 195 với vị trí làm Ðoàn phó. Chú Năm Ðoàn từ chối và “đùn đẩy” giao chức vụ ấy cho chú Hai Nô. Tất nhiên là chú Hai Nô nhận ngay.

3. Dù địch đang triển khai kế hoạch “Gió mùa Tây Nam”, và thả đội ngũ Phượng hoàng với biệt danh “Con chim của thần chết” xua vào các địa bàn hoạt động của tuyến đường ta nhưng lực lượng thanh niên xung phong vẫn không lùi bước. Toàn thể chiến sĩ và cán bộ các đại đội học tập thư biểu dương của Khu ủy và Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nên sau khi tiễn Hai Nô, Năm Phi, Minh Tơ và đồng chí Thái Nguyên - tài vụ Liên đội qua bên kia biên giới để tổ chức lại Trạm 95, xây căn cứ lâu dài ở đó để giữ hàng và điều phối kế hoạch chuyển hàng về Trạm 90, tất cả các đơn vị còn lại cùng với đội bảo vệ văn phòng lại tổ chức một chuyến vận chuyển mới. Ðợt này mỗi đêm đi 100 xuồng. Mỗi nữ chiến sĩ tình nguyện đi 1 xuồng, các cô ướt từ chân đến ngực, đến cổ, và đôi lúc phải lặn xuống tránh pháo ngập đầu. Bấy giờ, ta chỉ còn 3 đại đội mạnh khỏe. Vì Ðại đội Hòn Ðất 2 (thành lập để thay cho Hòn Ðất 1 bị bệnh hầu hết ở đồi Tức Dụp như đã nói) chưa lên tới. Ðoàn vận chuyển lần này Bảy Nông chỉ huy thay cho Sáu Thiện đã hy sinh, Tư Bay, Hai Tân, Hai Hồng, Tư Ðức cùng trong Ban chỉ huy hành quân. Phía bên kia Trạm 95 từ Sóc Chuốt chất hàng lên xuồng rồi vận chuyển đến ngọn Rạch Dứa. Phía bên này Trạm 90 chống xuồng không qua nơi họp điểm (ngọn Rạch Dứa) đổi xuồng. Rồi “phản tiền vi hậu”, lập tức nhận 100 xuồng đầy vũ khí chống trở về Ðầm Trích - Giang Thành để về Trạm 85. Giao hàng xong là trời sáng. Các chiến sĩ lại trở về nơi đóng quân của mình nhận giấu xuồng dưới nước rồi ăn uống nghỉ ngơi, chiều đó lại đi tiếp.

Về lương thực, Khu ủy cho tiền Ria mua gạo Thái Lan và mua tole ở Lục Sơn làm kho nổi nhiều nơi trong các lùm tràm, dự trữ lương thực trên toàn tuyến, để anh em ta ở đâu cũng có gạo ăn. Do đề xuất của chú Hai Văn - Phan Văn Ðáng sau lần cỡi trâu qua biên giới với Thống con, chú Hai về Khu ủy đã đề xuất sáng kiến mua gạo trữ trong nhiều kho nổi gò bằng tole, thiếc như đã nói. Cho dù bom pháo giặc hủy phá một phần ba số kho dự trữ của ta, thì ta cũng vẫn có gạo ăn để tiếp tục vận chuyển. Mỗi ngày sau khi đoàn xuồng vận chuyển về tới nơi, Hải tặc thường cầm cây sáo trúc ra trước mũi xuồng tập thổi lại nhạc khúc “Tiểu đoàn 307” và “Tiếng đàn Ta-lư”. Thống con không ai mời cũng lấy hai cái muỗng nhôm ra gõ lóc cóc theo nhịp bài ca vi vút qua ống sáo. Sơn ròm phì phà thuốc lá một cách lén lút nhưng cũng lấy cái xoong nhôm ra vỗ vào đít xoong bập bùng để hòa âm. Cuộc sống chiến đấu của tuyến đường bao gồm những chi tiết kỳ diệu như vậy đã trở nên huyền thoại.

Cần Thơ, tháng 11-2006

      (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết