13/05/2022 - 21:42

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi bốn

VỀ XẺO KÈ - XẺO CẠN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Trong khu vườn dừa và chuối mọc đan xen. Nơi đây cách không lâu, nhà văn Lê Vĩnh Hòa cùng nhà thơ Nguyễn Bá đã từng treo võng dưới những bóng cây ăn trái để sáng tác đề tài về quân giải phóng ở chiến trường Tây Nam Bộ. Ðó là những năm hai tác giả nói trên được Khu ủy phân công thâm nhập vào các Tiểu đoàn 303, 306, 309 quân chủ lực miền Tây Nam Bộ. Nhà văn Lê Vĩnh Hòa sau 5 năm bị Mỹ Diệm lưu đày ở Khám lớn Chí Hòa, đã vượt thoát trở về cộng tác trong tiểu ban văn nghệ Khu, và cùng với nhà thơ Nguyễn Bá đi sâu vào sinh hoạt bộ đội, đồng thời tiếp cận các cuộc hành quân chiến đấu chống càn, bao vây đánh lấn, tập kích các căn cứ địch, hoặc những điểm đóng quân dã ngoại, hoặc các chi khu, biệt khu, đặc khu kiên cố của giặc. Chính ở địa bàn Xẻo Kè này, nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã viết truyện ngắn “Vượt dốc” và ghi chép nhiều tư liệu về bộ đội để viết những bài bút ký nổi tiếng như: “Thép xung kích”, “Nở hoa trong lòng địch”, “Trông ra tiền tuyến”. Nhà thơ Nguyễn Bá với những bài thơ viết về đề tài bộ đội: “Ðại đội anh hùng”, “Nhà Việt Nam”, “Tới đồng bằng”, “Mùa sa mưa”, “Tiếng trời gầm” và “Tổ quốc gọi nơi nào tôi có mặt”…

Cũng ở khu vườn này, đơn vị Hòn Ðất II, Hòn Ðất III Thanh niên xung phong Rạch Giá sau khi thành lập, về đây tập huấn chánh trị rồi rèn luyện quân sự. Ngọc Hối xin phép thủ trưởng được ở lại cùng bác sĩ Năm Hum, góp sức chăm sóc các nữ chiến sĩ trong thời gian điều trị, trong đó có Kim Lài. Buổi trưa, trời đứng nắng, Ngọc Hối treo võng ở những nơi đàn anh của mình từng treo võng làm thơ, ngân nga những bài thơ đăng trên báo Giải phóng miền Tây. Khi Hối đang đọc, Kim Lài đã khỏe nhiều, nên rón rén bước đến gần, hỏi:

- Anh Hối, anh đọc cái gì vậy?

- Ôi, em làm anh giật mình. Anh đọc bài thơ “Mẹ đập rơm” của nhà thơ Thanh Minh.

- Bài thơ hay không, anh đọc cho em nghe với.

- Thơ hay chứ, em nghe nè:

“Mẹ già lụm cụm đập rơm

Dành cho du kích bát cơm vây đồn

Mồ hôi ướt đẫm áo sờn

Tuổi già chất nặng tâm hồn dẻo dai

Ðập rơm - đập cả đêm ngày

Mẹ đi hừng sáng… mẹ về trăng cao

Thiếu cơm, nhịn cả trầu cao

Mẹ dành, mẹ gởi chiến hào nuôi con

Mẹ già tóc bạc lưng còng

Mà tình yêu nước trong lòng bao la”

- Bài thơ hay thật. Tác giả Thanh Minh gợi lên hình ảnh một bà mẹ Việt Nam nghèo khó nhưng yêu nước vô vàn. Mẹ đập rơm, mót lúa, dành dụm từng hạt gạo để gởi ra tiền tuyến nuôi quân. Bài thơ làm em nhớ má em quá anh. Nhớ cả ông ngoại em nữa. Trước khi em trốn đi tòng quân theo đơn vị, em thức vấn cả mấy trăm điếu thuốc để lại cho ngoại hút. Không biết bây giờ ngoại và mẹ em ở nhà có bình an, mạnh giỏi không?

- Ông ngoại có biệt danh gì… ông Ba gì… anh quên?

- Anh bất hiếu như vậy mà cũng đòi làm cháu rể ông ngoại! Ông ngoại tên Chơn, biệt danh là Ba Cá Ngác. Vì lúc chiến đấu trong Tiểu đoàn 307 lừng danh, ông ngoại em có biệt tài đặt lợp bắt cá ngác cải thiện sinh hoạt cho đơn vị mình, nên đồng đội tặng cho biệt danh là Ba Cá Ngác. Nào ngờ hôm 5 chị em trốn gia đình tòng quân, có giang ông già Chín, hỏi ra thì ông cụ có tên là Chất, biệt danh Chín Chuột - vì cũng như ông ngoại em, cùng là chiến sĩ Tiểu đoàn 307, ở chung Ðại đội và có biệt tài gài chuột để cải hoạt cho đơn vị, nên được tặng biệt danh là Chín Chuột. Ông ngoại em tên Chơn, nên ông Chín nhận làm em nuôi và đặt tên Chất, vậy là trong đơn vị hai chiến sĩ kết nghĩa đệ huynh để sống chết có nhau và lấy tên là Chơn - Chất…

- Thế hệ ông cha chúng ta sống và chiến đấu như vậy nên để lại cho thế hệ đi sau những bài học vô cùng quý  báu. Vậy mà, em lại từ hôn anh!

- Anh kết lịch sử và hiện tại không ăn khớp chút nào. Việc hai ông già Chơn - Chất với lý do em từ hôn anh để đi bộ đội phục thù cho cha là hợp lý và trong suốt theo một dòng chảy như dòng sông Ông Ðốc, sông Cái Tàu, sông Tam Giang quê hương mình vậy.

Hai đứa trò chuyện và cười giỡn, rồi cùng nhau ngồi chung trên võng đong đưa giữa khu vườn trời đứng nắng. Hoa lá ngây ngất trong vườn trưa. Hai chiếc nón tai bèo giao hòa gần gũi. Họ cùng quê hương, cùng đơn vị và cùng một trái tim…

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết