12/05/2022 - 16:56

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi ba

TỈNH ỦY RẠCH GIÁ HỘI NGHỊ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Như vậy là Ban chỉ huy hỗn hợp đã bàn xong kế hoạch hành quân. Những bóng đen nhẹ nhàng, nhanh lẹ lại di chuyển khẩn trương trong bóng tối ẩm ướt sương đêm của ngọn đồi chiến trận. Các cô gái từ hang núi Tho-mo-múc thân yêu, được dìu ra khỏi miệng hang và nằm lên những chiếc võng mềm mại, di chuyển bằng sức mạnh và tình yêu đồng đội, lập tức trở về an toàn khu trước trận oanh kích dữ dội của không lực Hoa Kỳ. Chú Năm Ðoàn, chú Chín Tần… thay mặt đơn vị đến từ giã các đồng chí lãnh đạo địa phương, và tạt vào chùa Khơnây Khumchắc để lạy Phật, thưa lời thọ ơn và giã biệt các vị sư sãi cũng như các ba má Khmer - dân bổn sóc quanh chùa, rồi chạy thật nhanh trở về cùng đơn vị hành quân.

Có một con đường nhỏ nhắn quanh co dưới chân núi Cô Tô mà chỉ có những người thợ săn mới đi được. Ðó chính là con đường hành quân di chuyển khỏi đồi Tức Dụp của hàng trăm con người mạnh khỏe cũng như bệnh tật dắt dìu nhau rời khỏi tọa độ chết. Những nữ chiến binh được đồng đội khiêng trên võng, rất áy náy, định trờ dậy tuột xuống đất để cùng đi với đồng đội. Nhưng những chàng trai Phù Ðổng làm cho cô yên tâm:

- Cô cứ yên tâm nằm ngủ trên võng đi, hai anh em tôi “chân đồng vai sắt”, quảy cô đi nhẹ hửng, có gì đâu mà cô băn khoăn. Nếu cô khỏe, cô hát bài gì đó cho tụi tôi nghe thì hay hơn cô tuột xuống đất, thì làm sao đi cho nổi…

- Em ca vọng cổ cho hai anh nghe được không. Mà lúc này ngực em không còn hơi, em nói chuyện còn thiếu hơi nữa, huống hồ là ca.

- Thì cô cứ việc ca từ từ, khi hụt hơi thì nín rồi ca tiếp. Miễn cô ca là tụi tôi võng cô đi bình yên như không.

- Vậy em ca bài “Xuân nhớ rừng” của tác giả Huỳnh Hảnh nghen.

- Huỳnh Hảnh nào, phải Huỳnh Hảnh ở Ðoàn văn công khu Tây Nam Bộ, tác giả của hoạt tượng “Nổi dậy”
đó không?

- Ðúng rồi, Huỳnh Hảnh cũng là tác giả của bài vọng cổ thắm thiết tình yêu lãnh tụ nhan đề “Bác là niềm tin” nổi tiếng đó.

- Thôi được rồi cô em hãy cất giọng oanh vàng đi, chúng ta đã qua khỏi cánh rừng 90 rồi, hiện giờ ta đang qua khoảng đồng trống của Lung Bèo…

- “Kẻ thù làm sao hiểu nổi một đội quân đầu trần chân đất, đi từ rừng thế trận lòng dân mát nước xanh… (câu 1) trời. Nhớ lắm rừng cây thương nhớ rừng người. Nhớ những năm ăn hầm ở bụi, uống nước đồng, nước cất, nước sương rơi. Chiến khu xưa ấm tình dân nghĩa Ðảng. Có mãnh lực nào ngăn cách được đâu. Ơi! Làng rừng thế trận lòng dân, trở thành pháo đài vạn năng hào sảng (câu 2). Gió chướng rung cây mang con nước rong về đầy sông, đầy rạch, mấp mé bờ kênh con nước nhảy qua bờ. Nước lớn xôn xao e ấp ngập chân rừng. Bầy ba khía ngập hang con nước rong đẩy dồn lên cây chen chúc bám nhau nằm thở phào sùi bọt trắng mát long lanh. Gió chướng đưa hương xuân về mọi nẻo. Hơi thở của đất, của trời gợi nhớ mông lung. Nhớ chiếc xuồng con đôi chèo vạn dặm. Về với đồng bằng tiếp cận ven đô…”.

- Ủa, cô ca hay quá mà sao ngưng đi?

- Bài này hay lắm, mà em mới thuộc có hai câu thì đi tòng quân, nên em ca hai câu giúp vui cho hai anh, coi như mỗi anh được em tặng một câu là công bình.

- Cô nói đúng, bài “Xuân nhớ rừng” này các đoàn văn công mỗi lần biểu diễn đều có nghệ sĩ giới thiệu trên sân khấu. Chị Ngọc Ánh, anh Hoàng Minh, anh Hùng Cường, anh Trọng Hữu… với nhiều chất giọng độc đáo được nhiệt liệt hoan nghinh.

- Hai anh có thích văn nghệ không? Ðể đi tới nơi, nếu còn thì giờ em chép cho anh bài Khóc Hoàng Thiên nhan đề “Chuyện lạ đất này” cũng của tác giả Huỳnh Hảnh. Còn bây giờ, hai anh có bài gì hay hãy hát cho em nghe đi. Chừng em hết bệnh em võng lại hai anh để đền ơn khó nhọc.

- Nghe cô nói, anh em tôi tức cười quá. Hai đứa tôi võng có một mình cô. Ðến chừng cô trả ơn cô võng hai người lực lưỡng thế này sao xiết. Thôi coi như anh em tôi nhân danh chiến sĩ quân Giải phóng, võng cô về tới trạm xá dưỡng bệnh để đền ơn mang nhiều vác nặng hàng quân sự cho chúng tôi có vũ khí mà đánh giặc. Giờ cô bệnh chúng tôi võng cô để đền ơn…

- Em đâu dám nghĩ vậy. Thấy hai anh võng em trong đêm, đi đường rừng bụi, xuống đèo lên dốc vất vả mà còn sợ em té, ơn nghĩa này biết bao giờ em đền đáp nổi.

- Không hề chi, cậu trai ở đầu võng phía trước tên là Chiến, 22 tuổi, A trưởng của Ðịa phương quân An Biên. Còn tôi là Ðấu, B phó của Ðịa phương quân Giồng Riềng. Ta hẹn nhau ngày hết giặc mà chúng mình còn sống, cô chọn trong hai đứa lấy một làm chồng, thì khỏi lo đền ơn đáp nghĩa gì cả.

Tất cả ba cô chú cười khúc khích. Tiếng cười theo nhịp võng lắc lư và di chuyển trong đêm sâu theo tuyến đường hành quân khẩn cấp. Pháo địch đã bắt đầu “đề-pa” từ các trận địa Chi Lăng, Hà Tiên, Vĩnh Ðiều, Kiên Lương và Hạm đội 7. Ða-cô-ta đã xuất hiện trên bầu trời, quăng những chùm pháo sáng trong sương mù thành một vầng sáng đục. Coi như không việc gì xảy ra từ phía địch, dù sau lưng họ trong giây lát hàng vạn tấn bom sẽ trút xuống hủy diệt ngọn đồi được treo giá 2 triệu đô-la với những ký hiệu viết bằng chữ đơn âm trên những tảng đá. Cô gái thanh niên xung phong nói tiếp:

- Hai anh lầm rồi, em vừa bất tài, vừa làm biếng việc bếp núc, may vá cũng vụng về. Hơn nữa, em “xấu quắc xấu quơ”, nếu ban ngày nhìn thấy thì hai anh sẽ ân hận mình khiêng một cô gái y hệt như khiêng “bà già háp”, đầu trọc trụi chỉ còn vài sợi tóc le hoe…

- Cô đừng nói vậy, dù đêm tối, con mắt trẻ từng là xung kích 1 tiến công vào bao nhiêu đồn bót giặc, nhìn thấy rõ mọi chi tiết trong đêm hơn con mắt hồng ngoại bằng máy của kẻ thù. Cô có chiếc mũi dọc dừa, có hàm răng đều như bắp, có đôi mắt lặng lẽ dưới hàng mi cong. Cô mà hết bệnh rồi, thì nhìn hoài nhìn mãi không biết chán. Tôi nói thật đó, cô đừng cười.

- Anh làm như em là cô Liên xinh đẹp trong truyện ngắn “Nắng mùa xuân” của nhà văn Lê Vĩnh Hòa vậy. Sự thật, em hoàn toàn khác hẳn. Em mà dỡ chiếc nón tai bèo ra, thì hai anh bật ngữa, hoảng hồn hất em xuống đất ngay - vì cái đầu em như em đã nói, nó trọc lóc trọc lơ, còn đẹp cái nỗi gì mà hai anh bảo chờ sau ngày toàn thắng kết nối vợ chồng. Hơn nữa hai anh cùng khiêng em, thì em biết lấy ai bỏ ai.

- Dễ ợt, mình là đồng đội, sẵn tình đồng chí thiêng liêng. Hai đứa tôi là Chiến - Ðấu xếp hàng đứng nghiêm, rồi cô nhắm mắt chọn. Cô vỗ vai đứa nào thì hạnh phúc rơi vào đứa đó…

- Thôi đi em không nỡ làm vậy đâu. Thà ba đứa mình ở vậy làm bạn nhau, để tình đồng đội bền lâu mãi mãi, dại gì dựng vợ gả chồng để đi vô cái vòng lẩn quẩn trăm năm của người đời. Thôi hai anh nói có biết tác giả Huỳnh Hảnh thì ca hát vài bản của Huỳnh Hảnh cho em nghe đi. Em thèm nghe hai anh trỗi giọng oanh vàng lắm đó.

- Tôi ca bài “Xuân nhớ rừng” nối theo câu 1, câu 2 của cô. Ủa mà cô tên gì, giới thiệu cho anh em tôi biết để sau này còn bén mảng tới đơn vị cô để cầu hôn nữa mà!

- Em tên là Ninh, Lệ Ninh, họ Nguyễn, cùng quê với nữ anh hùng Phan Thị Ràng. Cách đây 10 hôm, bạn bè đào huyệt để chôn em vì em bị thương hàn sắp chết. Nhưng không ngờ huyệt đào chưa xong thì bạn em - cô Hồng Nhân chết thay em, chôn xuống ngay huyệt mả mà Hồng Nhân đào cho em. Giờ thì em được chú Chín Tần, chú Năm Ðoàn và các anh chị cứu sống, lại được các anh khiêng về căn cứ để tiếp tục tịnh dưỡng.

- Lệ Ninh ơi, em thật là độc đáo. Vậy là em sống lại và sống mãi với chiến trường 1C anh hùng. Thôi hãy nghe anh ca hai câu vọng cổ để chúc mừng sự hồi sinh của một đứa em gái trên tuyến đường lửa thép.

Ðấu bắt đầu ca:

- “Ai đã từng khốn khó, mới biết rừng là ai. Bởi biết rừng là ai, mới chắt chiu góp gió, dày công gieo mầm, thác lũ cuốn phăng quân bạo ác hung… (câu 5) tàn. Rừng thay áo gấm rừng tắm sương trời. Gió giông qua rồi trời quang mây mưa tan tạnh, có bữa ăn ngọt bùi, có giấc ngủ bình yên. Ai đếm được dưới tán rừng xanh, rừng người nảy bao nhiêu mầm ý tưởng. Tỉnh hay mơ, mơ hay tỉnh?… mà đêm đêm quân ta xuyên khắp bưng biền. (Câu 6) Tựa vào bút trôi theo dòng suy tưởng. Xuôi về nguồn tiềm thức ngổn ngang. Nhớ áo nâu sờn cha nhuộm nắng thấm sương. Ðể con có chiếc áo xanh mũ tai bèo mang màu của rừng, của cỏ. Ðôi dép vỏ cao su bác cháu ta bước ngang trời, băng qua sóng cuồng bão loạn, đói rét mưa rừng nhuần gội gió sương. Ðể mai sau dân tộc ta bay lên trong trời đất huy hoàng. Gió chướng thổi mùa xuân vào hoa lá, mùa nước lũ tràn bờ tắm mát đất sinh sôi. Chiến trường biên giới người ơi thế trận lòng dân trùng trùng như bóng núi cùng màu xanh da trời”.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết