09/05/2022 - 21:29

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi hai

GẶP NHAU TRÊN ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Các chú mỗi người một câu góp ý đánh giá sự có mặt một cách kiên cường của lực lượng thanh niên xung phong và các vị khách của tuyến đường liên miền đã nói những lời đầy xúc động khi bàn về “gánh Năm Ðoàn” từng có mặt ở đây. Chú Bảy Triển nói tiếp:

- Tôi có một ước vọng là sau này, khi ngành điện ảnh Việt Nam trưởng thành một bước dài lúc hòa bình thống nhất đất nước, chúng tôi sẽ quay lại làm một bộ phim nhan đề “1C con đường huyền thoại” để mô tả lại những gì đã diễn ra từng làm chúng ta thán phục và xúc động khôn cùng. Những thước phim mang chất sử thi ấy sẽ đánh dấu một thời hy sinh oanh liệt của những con người trẻ trung , có lý tưởng cách mạng, có tình yêu Tổ quốc và có khí phách anh hùng để lưu dấu cho nhiều thế hệ mai sau bài học về truyền thống bảo vệ Tổ quốc.

Năm Ðoàn:

- Nhà điện ảnh nói thì nhớ lời. Ðến lúc toàn thắng, nếu tôi và Chín Tần còn sống sót, chúng tôi sẽ cung cấp những tư liệu quý và xin làm diễn viên gạo cội cho bộ phim về con đường huyền thoại của chúng ta. Bấy giờ, bên cạnh nhà điện ảnh Châu Ngọc Tiếp, tức đồng chí Bảy Triển, chúng tôi tin rằng còn nhiều tài năng trẻ sẽ góp phần với chúng ta.

Ðại tá Thông:

- Tuy chiến trường ác liệt, chắc chắn là ngày toàn thắng, những đồng chí có mặt hôm nay ở đây, sẽ không còn đầy đủ. Nhưng viễn ảnh về một tác phẩm phim như chúng ta mong ước là điều có thể thực hiện được. Trước mắt, tôi đề nghị đồng chí Bảy Triển tổ chức chiếu ngay những đoạn phim tư liệu về thanh niên xung phong của tuyến đường mà ngành điện ảnh Tây Nam Bộ đã ghi nhận được.

Năm Ðoàn:

- Hay lắm, ý kiến đồng chí Năm Thông là ý kiến chung của anh em mình đó Bảy Triển.

Bảy Triển:

- Yêu cầu của các đồng chí rất chính đáng nhưng phải cho tôi thời gian là một giờ sau mới có thể trình chiếu cho quý vị “khán giả dã chiến” ở ngọn đồi “Hai triệu đô-la” những thước phim của ngành điện ảnh trẻ miền Tây Nam Bộ.

Các chú lại uống trà bằng thèo lèo và đường thốt nốt. Những câu chuyện trên đường công tác, chuyện tiếu lâm về đối phương làm tay sai cho kẻ thù xâm lược đất nước mà gọi là “bạn đồng minh”, rồi đến chuyện vui về Bác Ba Phi, cả chuyện Tấm Cám và chuyện Thạch Sanh chém chằn. Sau đó tất cả hướng về tấm màn bạc vuông vắn căng ở góc sân giữa hai cây thốt nốt kình thiên… Những chiến sĩ thanh niên xung phong reo hò khi nhận diện lại hình ảnh của chính mình được truyền tải trên màn ảnh của phim tài liệu nghệ thuật…

4. Trong đoàn y bác sĩ của trạm xá dã chiến do đồng chí Chín Tần phụ trách, có một chiến sĩ trẻ là Hối. Chàng thanh niên này trước khi nhập ngũ đã được gia đình bỏ trầu cao và trao sính lễ cho bên đàng gái là gia đình cô Kim Lài. Nhưng vì tập trung sức lực để trả thù cha, Kim Lài tự ý mang sính lễ trả lại đàng trai và cùng 5 chị em trốn gia đình, có giang ghe ông Chín Chất, tìm đơn vị thanh niên xung phong ở tuyến đường 1C. Trong một buổi liên hoan mừng thắng lợi của đợt vận chuyển hai tháng trước, lúc “gánh Chín Tần” vừa lên T90 để lập trạm phẫu thuật dã chiến, thì Hối lại gặp Kim Lài giữa lúc cùng nhau múa hát hết sức nhộn nhịp vui vẻ. Hối có một bài thơ nói về mối tình cao thượng của mình. Bài thơ được đồng đội hai đơn vị chuyền nhau chép vào sổ tay. Lần này, cùng “gánh Chín Tần” lên đồi Tức Dụp để cứu chữa dịch bệnh cho đồng đội thuộc “gánh Năm Ðoàn”, Hối có ý định tìm thăm Kim Lài và nối lại mối quan hệ mà hai gia đình đã có lần ngỏ ý.

Theo sự phân công của Ban chỉ huy Liên đội, sau khi tiễn đưa nữ Chánh ủy Trịnh Ngọc Châu theo bà Sáu Trầu về Khu đoàn, Kim Lài được phân công về Cô Tô để nhận nhiệm vụ mới. Trong số những chiến sĩ nhiễm bịnh rét và thương hàn, có cô gái nhỏ nhắn, tươi vui và duyên dáng quê Cà Mau - Ðất Cháy - Thị Tường. Cũng như các chị mình, Kim Lài gầy gò, hốc hác, mắt trũng sâu và rụng nhiều tóc gần như một ni sư. Ðêm nay, chú Bảy Triển thể theo đề nghị của đoàn cán bộ đường dây liên miền, tổ chức chiếu phim đề tài về thanh niên xung phong, tức đề tài của chính mình - mà chắc chắn trong những chiến sĩ hăm hở khiêng vác chống chèo, kéo đẩy xuồng ghe vượt qua kinh rạch và đồng nước, bãi lầy… trong đó nhất thiết là có Kim Lài. Kim Lài trong hình ảnh vận chuyển hàng quân sự lúc ấy đẹp biết bao! Còn Kim Lài bây giờ (nhìn trong kiếng) thật là thê thảm. Ðang chìm trong những ý nghĩ về bản thân mình đứng trước những đau thương mất mát mà tuổi thanh xuân của tuyến đường đang trải qua, thì có tiếng gọi:

- Kim Lài ơi! Kim Lài ơi! Anh là Hối tìm thăm em đây!

Các chị nghe vậy mừng quýnh, dù chưa ai khỏe hẳn, nhưng cái rắn mắt, tánh đùa nghịch đã được phục hồi, nên các chị kéo áo, vỗ vai và trêu chọc Kim Lài đủ kiểu. “Thằng chồng chưa cưới của em nó kêu em um sùm kìa!”; “Ôi Lài ơi, người yêu của em nó lặn lội mấy chục cây số tới đây tìm em kìa, sao em ngồi tỉnh queo vậy?”; “Lài ơi, mày không ra nhận người tình, thì tao nhận thay nghe, sau đừng trách tao nghe!”.

Bấy giờ, Kim Lài rất khổ sở, cái đầu của mình thì trọc lóc, lúc nào cũng phải đội nón tai bèo bất kể ngày đêm, mắt thụt sâu, gò má hóp, nước da thâm tím, vai rút, thân hình gầy gò… Tất cả những cái xấu xí này mà xuất hiện cùng lúc trước mặt “vị hôn phu” thì Kim Lài không đủ can đảm để gặp. Tiếng gọi của Hối lại vang lên như khẩn cầu, như giục giã. Cuối cùng mấy bà chị quá thương cảm mới nắm tay Hối kéo đến dúi cậu ta vào chỗ Lài đang ngồi. Ngọc Hối:

- Kim Lài! Em đây sao? Ôi, anh thương em quá! Nghe mấy chú, mấy anh nói em bịnh, anh mua nhiều đường sữa và trứng gà, mật ong đem về cho em và mấy chị bồi dưỡng nè.

Kim Lài:

- Anh đừng có mất công lo lắng về em. Trận bịnh này làm em không còn ra con người nữa. Những người quen cũ của em không tài nào nhìn ra em. Nếu anh đi dọc đường mà thấy em, em tin là anh không nhận được. Anh Hối ơi, anh đừng thương em nữa. Anh cứ quên em đi, em không có gì đáng giá để anh theo đuổi. Mà hơn nữa, em chưa trả được thù cha.

- Em nói như vậy nghe không được, việc chúng mình là cha mẹ định liệu. Em đi trả thù nhà, đền nợ nước, đó là việc thiêng liêng. Em đã nêu cho anh một tấm gương sáng và cũng như bạn bè cùng lứa tuổi, anh đi ra chiến trường để có mặt cùng em và đồng đội của chúng ta, tìm hạnh phúc riêng mình trong hạnh phúc của dân tộc. Cho dù em thế nào, em cũng là của anh.

Kim Lài nghe những lời chân thành của Hối, cô bé rơi nước mắt. Cô tự dỡ nón tai bèo để lộ ra cái đầu rụng hết tóc. Ðến lượt Hối nghẹn ngào rơi lệ. Hối cầm lấy chiếc nón đội trở lại cho Lài và nói:

- Em xem kìa Kim Lài, em đang vác đạn với gương mặt trẻ trung vui vẻ đi bên cạnh Út Mản, Hồng Láng, anh Quang, anh Ðịnh. Em tin đi, chỉ vài tuần sau là em sẽ như vậy đấy, Kim Lài của anh sẽ như ngày xưa trong phim…

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết