09/05/2022 - 13:54

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi hai

GẶP NHAU TRÊN ĐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2.Khi chú Năm Đoàn và chú Sáu Thiện đi về phía Phân ban Bến Tre để tìm gặp chú Hai Nguyễn cầu cứu… chú Chín Tần trở về phòng y tế của mình, đôn đốc các cô Thủy, Ngân, Mai, Tuyết… nấu thuốc Nam để điều trị hỗ trợ cùng thuốc Tây cho các bệnh nhân. Trong hang Tho-mo-múc, các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong mới vừa ngoắc ngoải, vẫn còn nằm hàng dài, da xanh, người gầy guộc, đầu bị rụng tóc, mấy cô phải quấn khăn. Nhiều cô lấy kiếng nhỏ trong túi ra soi mặt và khóc nức nở. Ngọc Ánh nói:

- Trời ơi, tôi bây giờ không còn giống tôi nữa. Y như con ma trong giấc chiêm bao!

Ngọc Bé:

- Chị Ánh ơi, chị đừng lo. Hễ mình hết sốt thì mặt mình không còn hốc hác và tóc mọc lại.

Thanh Xuân:

- Hễ trời cho mình sống thì lần hồi mình lấy lại vẻ đẹp của tuổi thanh xuân như ngày nào, em nói thiệt đó. Mấy ngày trước, coi kiếng mặt em như con khỉ cái già. Mà nay, nhờ uống thuốc Nam và ăn cháo nếp, mấy chị coi em đỡ rồi phải hông?

Ngọc Anh:

- Tao còn mệt muốn đứt hơi, cười hổng nổi, mà nghe mầy nói tao tức cười quá Xuân. Thằng Bình nó đi công tác ngang đây mà nó dòm thấy bộ hệ của mầy thì nó tản thần.

Thanh Xuân nghe Ánh nói vậy chạy tới chộp cái kiếng của bạn, soi mặt mình và nói:

- Hổng phải như mấy chị nói đâu. Em còn khá lắm đó. Em mà cười lên thì coi như có duyên lắm đó.

Ngọc Bé:

- Thôi, lo đi nhận thuốc về đây chia nhau uống đi. Không có cái duyên nào bằng làm tròn nhiệm vụ trực nhật hết á!

Cô Ninh:

- Mấy đứa bây mới vừa ngoắc ngoải thì đã phát biểu linh tinh. Hãy nhìn vô cái bộ hệ của tao nè. Tao giống như một xác ướp Ai Cập. Điệu nầy ở giá tới 3 kiếp, chớ sau chiến tranh chấm dứt, tao không còn sợi tóc, có thằng cha khùng nào mà lấy tao làm vợ…

Nghe cô Ninh than thở như vậy, tất cả các cô bỗng ngồi dậy vỗ tay cười. Không khí chết chóc lập tức bị đánh tan. Cũng đúng lúc chú Năm Đoàn và chú Chín Tần đem quà bánh, thuốc trị bệnh, thư nhà và thư đồng đội từ các nơi chuyển đến tận tay các cô. Chú Năm Đoàn:

- Báo tin các đồng chí mừng, Phân ban Bến Tre vừa gởi quà, vừa cho chúng ta mượn mấy chục ngàn bạc. Nội chiều nay các đồng chí sẽ có rượu bổ, chế tạo bằng huyết bò và mật ong. Tối ta sẽ ăn cháo thịt bò nấu với cải cà rốt.

Tiếng vỗ tay vang dội trong hang Tho-mo-múc, xua đuổi thần chết ra khỏi hang bóng tối bằng tiếng cười trong trẻo của các nữ chiến binh vừa qua một cơn thử thách. Nhưng đến khi bác sĩ Chín Tần dỡ nồi thuốc nam, chính tay chú cầm ca inox múc đổ vào từng chén, đưa cho từng bệnh nhân, mùi thuốc thơm ngào ngạt, nhưng vị thuốc thì đắng chằng, các cô uống riết nghe tới thuốc là sợ hết hồn, nên tìm mọi cách từ chối. Chú Chín phải cầm ngọn roi đứng canh từng người uống. Vừa động viên vừa hăm dọa, nếu cô nào không uống thì chú Chín sẽ quất 3 roi. Nhờ vậy, nồi thuốc nam bữa nào cũng cạn sạch và sức khỏe các bệnh nhân tăng dần lên.

3.Đồi Tức Dụp - núi Cô Tô thời điểm ấy là một trạm mang tính cột mốc của đường dây liên miền. Các cán bộ quân sự, chánh trị và các ngành chuyên môn thuộc 2 miền Đông - Tây Nam Bộ và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều có đi ngang và dừng chân nghỉ ngơi lưỡng đoạn. Trong số quý khách này có chú Năm Thông - Đại tá, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ngọc Ninh, thuộc D2 quân chủ lực Trung ương chi viện cho miền Tây Nam Bộ. Lúc ghé nghỉ chân, chú Năm nghe các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong lâm nguy như vậy, chú đến thăm, tặng quà và động viên, an ủi các cháu gái ngoan cường của mình. Nhưng khi về trạm, chú nói với các đồng chí cùng đi trong đoàn:

- Tôi nói thiệt với các đồng chí, tôi có em gái, hoặc con gái, tôi không cho đi làm thanh niên xung phong vận chuyển trên tuyến đường này đâu.

Chú Bảy Triển hỏi:

- Anh nói như vậy có ý nghĩa gì,

anh Năm?

- Tôi thấy các em, các cháu chịu đựng hy sinh, gian khổ đến mức quá đỗi, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Con người có đời sống tối thiểu để sống cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho gia đình và cho bản thân mình. Nhưng các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở tuyến đường này thì hầu như không còn đời sống cụ thể của mình. Cái khổ, cái mất mát và cái chết đã chiếm trọn tuổi thanh xuân tươi trẻ và hạnh phúc cá nhân của các em, các cháu. Tôi nghĩ thà tôi chết, tôi khổ, tôi chịu đựng tất cả chớ không nỡ để cho các em, các cháu, các con tôi với lứa tuổi đầy nhựa sống và khát vọng tình yêu mà phải bị hủy hoại như thế này. Tôi nói chân thành, xin các đồng chí tha thứ và thông cảm cho tôi…

Năm Đoàn:

- Tôi và nhiều cán bộ Khu Đoàn cũng đồng cảm với những ý nghĩ của đồng chí Năm Thông. Vì thế, chúng tôi luôn luôn sát cánh gắn bó với các chiến sĩ của mình. Nhờ thái độ sống này mà các chiến sĩ thanh niên xung phong có thể chịu đựng mọi thử thách gian nan đến cùng tột như chính mắt các đồng chí trông thấy đó.

Chín Tần:

- Trong giới nữ, chúng tôi có đồng chí Trịnh Ngọc Châu - tức đồng chí Út Nhì đã biểu lộ vai trò người nữ Chánh ủy, người mẹ, người chị, người đồng đội sẻ chia mọi thách thức, buồn vui, sướng khổ và luôn luôn có mặt lúc khó khăn ác liệt để sẵn sàng mà dù đó là cái chết cũng chẳng từ nan. Nhờ vậy, lực lượng thanh niên xung phong đã đứng vững trên tuyến đường để thực hiện công tác vận chuyển một cách có kết quả trong mấy năm vừa qua.

Hai Nguyễn:

- Trong thời gian Phân ban Bến Tre cùng đóng chung địa bàn với “gánh Năm Đoàn”, tôi hết sức cảm thông và cảm phục tinh thần kiên cường bám đường, bám nhiệm vụ để hoàn thành dù phải đổi bằng xương máu của các đồng chí thanh niên xung phong tuyến 1C. Chính các đồng chí là tấm gương, là bài học của chúng tôi, và nói chung cũng là bài học cho cả chiến trường đồng bằng Nam Bộ…

Chú Bảy Triển:

- Là một cán bộ làm công tác điện ảnh, tôi luôn luôn quan tâm thể hiện đề tài thanh niên xung phong tuyến đường 1C này. Đây là con đường huyền thoại. Đây là bản anh hùng ca của miền đất cực Nam Tổ quốc. Đây là những thước phim tài liệu cực kỳ quý giá mà chúng tôi đã ghi nhận được trong các đợt quay vừa rồi. Tôi nghĩ những ai từng đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”, cũng như vậy, đoạn đường 1C này là đoạn sau cùng của con đường Trường Sơn kiên cường bất khuất. Ai chưa đến không chỉ “chưa hiểu mình” mà ai đến rồi, chỉ cần ở một ngày thôi thì đã được coi là một người anh hùng trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Các đồng chí thanh niên xung phong tuyến 1C là niềm tự hào không phải chỉ dành cho tuổi trẻ miền Tây mà còn cho tất cả chúng ta.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết