07/05/2022 - 22:36

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi hai

GẶP NHAU TRÊN  ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Trước một hang núi, hai chú Năm Ðoàn và Chín Tần ngồi bên gộp đá dưới bóng thốt nốt trao đổi nhau về công việc trước mắt. Dưới chân núi, trâu bò của sơn dân thư thả gặm cỏ. Thợ lấy nước thốt nốt quảy từng chùm ống tre, năm ba người kéo nhau đi trên những con đường chênh vênh của đồi Tức Dụp. Nữ du kích người Khmer gọn gàng xinh xắn giống như những cô gái ở Lương Hòa - Trà Vinh: Kiên Thị Nhẫn, Tô Thị Huỳnh, Thạch Thị Sơn… đàn em của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út. Các cô gái trong đội nữ du kích Ô Lâm đến gặp Năm Ðoàn để xin được bổ sung vào đội thanh niên xung phong, thay thế cho những người bạn của mình đã chết trong mấy ngày qua, và nằm lại nghĩa trang Tức Dụp.

Chú Chín Tần:

- Tôi hứa với đồng chí là chúng ta quyết tâm chặn đứng số lượng tử vong của đơn vị mình. Qua mấy ngày theo dõi bệnh trạng của số chị em còn sống sót, ta có thể kết luận sốt rét ác tính và bệnh thương hàn là hai chứng bệnh đã quật ngã gần 20 anh chị em ta. Trường hợp đồng chí Ba Dưỡng, nếu không ăn xoài sống, thì có thể không chết.

Chú Năm Ðoàn:

- Những diễn biến ban đầu của bệnh lý đúng như ông nói, từ sốt nhẹ tăng lên 39-400C, nhức đầu, đau mình, đau bụng, ói mửa, mệt lả, ho khan, mạch đập chậm và mê sảng. Một số chị em bụng trướng lên, lách và gan sưng to, lưỡi và vòm hầu bị loét. Vì không có thuốc đắng viên để trị, tôi và Sáu Thiện đi bức dây Thần thông và dây Thường sơn đem về nấu cho các cô uống, nhưng bệnh vẫn không giảm, nhiều cô không ăn cơm cháo được, gầy yếu và rụng tóc, có người bị chảy máu vì thủng ruột hoặc viêm cơ tim.

Chú Chín Tần:

- Những triệu chứng mà Năm Ðoàn vừa nói là từ rét chuyển qua thương hàn, bạch cầu chỉ còn 4.000-5.000 con/mm3, tế bào Lympho B và T giảm, tế bào NK tăng… Khi thủng ruột hay hóa mủ bạch cầu gây thiếu máu và mất máu nên bị nhiễm khuẩn kéo dài và phản ứng huyết thanh (Widal)… Những triệu chứng này ta đã có thuốc trị, đồng thời uống thuốc Nam gồm Hà thủ ô và các loại dây đắng như Thường sơn, Thần thông, Xuyên tâm liên… Nhưng bây giờ ta cần tiền để mua thêm thuốc, sữa và mua bò về lấy máu đánh patemo hòa rượu để bồi dưỡng hồng cầu cho bệnh nhân.

Năm Ðoàn:

- Tôi cũng nghĩ như Chín Tần vậy, ở bên kia hang núi, anh Hai Nguyễn phụ trách Phân ban Bến Tre, cùng ở một dãy đồi với mình. Anh Hai rất thông cảm đơn vị thanh niên xung phong của mình, anh sẵn sàng cho mình mượn tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Sáu Thiện:

- Báo cáo hai anh, cô Ninh đã ngồi dậy được. Cô hỏi đồng đội “Con Hồng Nhân đâu?”. Không ai nỡ trả lời đồng chí Hồng Nhân đã chết khi đào huyệt để chôn Ninh, theo lời dặn dò của Ninh. Giờ thì Ninh sống lại, còn Hồng Nhân sau khi cùng hát “Bài ca may áo” với Ngọc Bé và Thanh Xuân lúc đào huyệt bên bãi nhị tỳ, bỗng quỵ xuống chết và chôn ngay huyệt mả cô đào theo yêu cầu của Ninh…

Nghe Sáu Thiện nói như vậy, hai chú Năm Ðoàn và Chín Tần đều rưng rưng nước mắt.

Năm Ðoàn:

- Từ cuối năm 1967 đến nay, chúng ta đã biết bao lần tiễn biệt nhau, lần này tuy số chết không nhiều, nhưng tôi băn khoăn hết sức. Tôi nghĩ là mình có thiếu sót trong việc quản lý sinh hoạt, ăn ở. Việc sử dụng ô nước nhiễm độc và để thiếu thuốc men, không ngăn chặn bạo bệnh từ đầu, dẫn tới con số tử vong gần 2 tiểu đội!

Chín Tần:

- Hồng quân Liên Xô, khi tấn công bọn Bạch vệ ở vùng Xi-bê-ri lúc lâm vào cảnh thiếu đói, chiến sĩ cũng bị bệnh dịch hy sinh nhiều. Bát lộ quân trong cuộc trường chinh cũng có nhiều trường hợp mất quân số vì đói rét. Nói chung chiến tranh có những trường hợp mà các bộ não đầy mưu lược cũng không lường trước được. Từ nay chúng ta đã thật sự chấm dứt được cái chết do bệnh tật tàn phá.

Năm Ðoàn:

- Sẵn có Sáu Thiện đây, tôi và Sáu Thiện đi liền qua cứ anh Hai Nguyễn để mượn tiền. Chắc chắn không có nhiều thì ít…

      (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết