05/05/2022 - 00:30

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

4. Chú Năm Ðoàn và chú Chín Tần gặp nhau trên chiến trường 1C lần này trong niềm vui khôn xiết, nhưng cũng là lúc phải tập trung trí lực đối phó với chiến dịch “Gió mùa Tây Nam” của Mỹ ngụy. Bầu trời và mặt đất vùng Nam biên giới Vĩnh Tế không giờ phút nào vắng bóng máy bay các loại và không giờ phút nào mặt đất không bị rung chuyển bởi chấn động của pháo và bom, kể cả bom rải thảm từ các phi đội B52. Hơn 2 tuần qua, các chú xây dựng trạm dã chiến ở khu rừng lưỡng đoạn T80 và T90, cứu chữa nội ngoại thương cho các chiến sĩ cán bộ Liên đội thanh niên xung phong và Ðoàn 195 cũng như nhân dân trong vùng. Chú Tám Xà Bam, chú Chín Cà Rèm, chú Ba Ðầu Sọ, chú Sáu Vệ Tinh, chú Năm Mau, chú Ba Ðắc… đều được bác sĩ Trần Minh Hữu và các trợ lý của chú khám bệnh và cho thuốc trị bệnh. Nhưng chiều hôm qua chú Tư Mau Phan Văn Nhờ trực tiếp phổ biến mệnh lệnh của Tư lệnh phó Quân khu 9 Nguyễn Hoài Pho, tất cả nữ thanh niên trong Liên đội 1 phải về núi Cô Tô để bảo toàn lực lượng. Ðoàn y bác sĩ cũng phải dời về đó. Xã ủy Ô Lâm, Xoài Tô và Huyện ủy Tri Tôn với lực lượng 207 thuộc Tỉnh đội Rạch Giá và địa phương quân Tri Tôn, địa phương quân Hà Tiên sẽ hợp tác nhau để bảo vệ khu căn cứ Tức Dụp bao gồm vùng Khnâykhumchắc và hang Tho-mo-mút (Hòn đá trước mặt).

Trong 2 tuần nay, các Liên đội đã xếp nhân sự, phân công đồng chí Năm Ðoàn tiến dẫn mấy mươi đồng chí nữ thanh niên xung phong thuộc đơn vị Hòn Ðất tiến về đồi Tức Dụp để xây dựng căn cứ, sẵn sàng tiếp nhận nhiều đồng chí khác trong các đại đội Nguyễn Việt Khái, Mai Thanh Thế, Tây Ðô, Vĩnh Trà cùng về miệt Tri Tôn để bảo toàn lực lượng qua cuộc càn lớn của giặc. Còn chú Chín Tần và gánh y tế dã chiến tạm thời né qua vùng Kinh Xáng Cụt, dựa vào sự cưu mang của ngôi chùa có nhà sư mù nhưng tinh thần bảo vệ cách mạng rất cao. Chú Hai Nô chờ cô Phi từ văn phòng đưa lên rồi cùng nhau vượt biên giới qua khu an toàn thuộc đất bạn với Trạm T95. Theo hướng phân công này, những đồng chí giàu tinh thần hy sinh chiến đấu như Sáu Thiện, Bảy Nông, Hai Hùng, Tư Ðức, Hai Tân, Hai Hồng, Tư Bay… đều tình nguyện bám lại chiến trường cũ, sẵn sàng đương đầu với mọi thứ quân thù đầy móng vuốt. Còn người được ưu tiên sang Trạm 95 - nơi “chằn ăn trăn quấn” cũng không chết, đó là tân Chánh trị viên Liên đội: Hai Nô!

5.VỀ CÔ TÔ

Cô Tô là một trái núi cao lớn, tiêu biểu cho Bảy Núi ở vùng biên giới Tri Tôn. Cô Tô gọi tắt là núi Tô, biệt danh Phụng Hoàng Sơn, cùng một quần thể gồm núi Két - Ô Thước Sơn, núi Dài - Ngọa Long Sơn, núi Cấm - Bạch Hổ Sơn, núi Tượng - Kỳ Lân Sơn, núi Năm - Ngũ Hổ Sơn. Trong vùng thâm sơn kỳ tích này có biết bao huyền thoại về thần tiên, về đạo sĩ, về những nhà yêu nước, những tiền hiền hậu hiền mở đất và giữ đất. Có bao nhiêu sắc tộc từng trải bao cuộc chiến tranh. Nền văn hóa Phù Nam và Chân Lạp cộng hưởng nền văn minh tối cổ Ấn Ðộ và Trung Quốc cũng để lại nơi đây biết bao dấu vết lịch sử. Bảy Núi với hàng nghìn ngôi chùa, am, thất, miễu và những hang thờ cúng hương khói bốn mùa. Những vị thuốc quý, những loài hoa lạ, danh mộc và ngọc thạch đều tựu trung ở đây. Thời kháng chiến đánh Pháp, Bảy Núi - Ba Hòn là chiến khu của Nam Bộ và Bộ Tổng tham mưu Ðông Nam Cao Miên trú đóng nơi đây. Ðến thời chống Mỹ, Bảy Núi - Ba Hòn là khu căn cứ chỉ đạo của các Tỉnh ủy An Giang, Kiên Giang, Châu Ðốc, Hà Tiên, và tình nguyện quân Việt Nam lập căn cứ để chi viện cho nước bạn. Từ những đàn voi thiêng đến bò, ngựa, la được sinh trưởng và giúp cho người sản xuất cũng như vận chuyển vũ khí, lương thực trong cuộc chiến tranh vệ quốc anh hùng của cộng đồng các dân tộc Ðông Dương anh em.

Thời đánh Mỹ, giặc chiếm ưu thế trên những điểm cao Cô Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng và nhiều núi trong quần thể liên sơn hùng vĩ của biên giới Tây Nam đều bị giặc chiếm để bố trí: trận địa pháo, trường huấn luyện quân sự, sân bay, cơ sở gián điệp Phượng hoàng - con chim của thần chết và bao nhiêu thứ khác thuộc về phía quân thù úp chụp lên trên vùng Bảy Núi thân yêu để khống chế toàn bộ khu vực, tiến hành 3 cuộc chiến tranh “Bình định”, “Bóp nghẹt”, “Tìm diệt” nằm trong chiến lược chiến tranh cục bộ của Johnson - Tổng thống Hoa Kỳ phát động và thực hiện. Cô Tô có một ngọn đồi thắng cảnh nổi tiếng, trường học, chùa và cư dân sơn cước trồng cây ăn trái, khai mở suối nước, tạo cuộc sống cư dân trù phú như một tiên cảnh. Nhưng Sư đoàn 9 Hoa Kỳ với kỵ binh bay gồm hàng trăm trực thăng hiện đại di chuyển quân thần tốc cùng với Sư đoàn 9, Sư 21 ngụy Sài Gòn chia nhau chiếm lĩnh đồi Tức Dụp. Những cuộc chạm trán dữ dội giữa chúng và lực lượng vũ trang quân dân Tây Nam Bộ đã diễn ra hết sức ác liệt, hàng 5.000 tên giặc, trong đó có hàng trăm tên Mỹ cố vấn với thiết giáp, trực thăng và nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác bị hủy diệt. Cô Tô - Tức Dụp trở thành nỗi khiếp sợ của Liên quân Việt - Mỹ. Ðồi Tức Dụp thắng cảnh trở thành bãi chiến trường. Hàng vạn tấn bom các loại đã dội xuống nhiều thớt đá hóa thành bột tro. Nhưng giặc lại tái chiếm để dùng cao điểm này khống chế chiến trường Bảy Núi. Chúng vẽ ký hiệu hàng trăm chữ A, B, G, H, E, F, U, N, M… để phân phối lực lượng tử thủ ở những nơi hiểm hóc mà chúng đã đánh dấu ký hiệu bằng chữ. Từ xa nhìn vào bằng mắt thường, ta có thể thấy ngọn đồi Tức Dụp trở thành một cuốn sách khổng lồ do kẻ thù đánh dấu. Ðó là ngọn đồi 2 triệu đô-la, do TướngWestmoreland - chỉ huy trưởng các lực lượng quân sự của liên quân Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam treo giá để thưởng cho các đơn vị thuộc quyền bảo vệ ngọn đồi cao điểm của chiến dịch “Gió mùa Tây Nam”.

Ðó là ngọn đồi đã được quân dân ta giải phóng, và hôm nay Liên đội trưởng Bùi Tấn Sĩ dẫn một bộ phận nữ chiến binh thanh niên xung phong thuộc Ðại đội Hòn Ðất về Tức Dụp - Cô Tô để chuẩn bị doanh trại cho toàn đơn vị về đóng quân chống càn. Quân số do Năm Ðoàn phụ trách gồm hơn 50 đồng chí, qua hết đoạn đi xuồng, cùng nhau giấu xuồng trong những khe núi, lấy lá khô phủ lại, để mùa lũ lại trở xuống lấy xuồng chuyển hàng. Từ chân núi, anh em kéo nhau đi bộ cho đến 3 ngày sau mới tới điểm, dù đoạn đường chim bay chỉ hơn 20 cây số, nhưng ta phải đi đường xoáy trôn ốc, phải qua nhiều ngọn đồi, thung lũng, và bắc cầu treo, đu dây để vượt qua những hang núi, lò ảng rất nguy hiểm. Ðảng bộ và chánh quyền địa phương các xã Xoài Tô, Xoài So, Ô Lâm hết sức niềm nở đón tiếp và tìm mọi cách giúp đỡ đơn vị. Nhưng, mùa hạn thiếu nước uống và nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ðồi Tức Dụp có ô nước trong vắt, anh chị em ta mới dùng nguồn nước này tắm giặt và nấu thức ăn, nước uống. Không ngờ 10 ngày sau tất cả anh em đồng chí của ta đều lên cơn sốt. Có những đồng chí nhiệt độ lên cao trên 400C, y sĩ địa phương chẩn đoán là bị thương hàn do dùng nước ở suối Ô Lâm.

Năm Ðoàn nói:

- Báo cáo các đồng chí, quân số của đơn vị tôi mới điều lên tá túc với các đồng chí đợt đầu là 52 người, trừ tôi và Sáu Thiện, Ba Dưỡng ra, tất cả đều là nữ. Hầu hết các đồng chí, trừ tôi, thì ai cũng bị sốt. Ở đây các đồng chí biết có thầy thuốc nam nào trị sốt rét giỏi xin chỉ dùm.

Hai Dũng:

- Xin tự giới thiệu với đồng chí, tôi là Hai Dũng, Bí thư xã Ô Lâm. Xin thông báo cho các đồng chí rõ ô nước trong vắt mà các đồng chí xài có lẽ là nguồn nước bị nhiễm độc bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn xác chết của giặc, của ta và của nhân dân từ trên các đỉnh đồi, qua mùa mưa rã thây thi, chất độc chảy xuống, đọng thành vũng, bị suối cuốn tập trung về ô nước, ngoài ra giặc nhiều lần đánh thuốc độc các nguồn suối. Bom na-pal, hợp chất C4, xăng đặc đốt núi từ trên các đỉnh đồi chiến trận cũng bị mưa và suối nước từ trên cao đổ dồn xuống ô nước. Nên anh chị em ta dùng nước trong ô ấy bị nhiễm bệnh. Bây giờ phải thử máu và phải có bác sĩ mới có thể giải quyết được bệnh tình hàng loạt như thế này.

Năm Ðoàn:

- Chúng tôi có một đơn vị quân y do bác sĩ Chín Tần - Trần Minh Hữu phụ trách. Nhưng hiện nay đơn vị này đang trú đóng để chống càn tại kinh Xáng Cụt, cách chúng ta hơn trăm cây số.

Ba Khiêm:

- Xin tự giới thiệu với các đồng chí, tôi là Ba Khiêm, Xã đội trưởng Xoài So. Tôi xin tình nguyện cùng 2 chiến sĩ du kích đến kinh Xáng Cụt để rước bác sĩ Chín Tần và bộ phận y tế của đơn vị các đồng chí về đây cứu chữa các chiến sĩ đang lâm bệnh.

Năm Ðoàn:

- Vậy, tôi viết thư cho đồng chí Chín Tần, nhờ các đồng chí trao giùm.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết