03/05/2022 - 17:54

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3.Văn phòng Khu Ðoàn vẫn trong đầu Kinh Ðứng giáp mí Kinh Hàng Gòn, liên ranh với Ðoàn 6 pháo binh Quân khu 9. Nơi đây cũng như Cơi Nhứt Nhà Máy - Dớn Quẹo, từng bị B52 của giặc cất cánh từ đảo Gam, với nhiều phi đội trút hàng vạn tấn bom để hủy diệt sự sống. Nhưng sự sống của rừng thiêng U Minh vẫn tồn tại và phát triển dưới ánh nắng mặt trời, văn phòng Khu đoàn triển khai công tác tự túc, đào đìa, trồng lúa, giăng vải cao su bảo vệ lúa, không cho chuột cắn phá… góp phần cải thiện sinh hoạt cho cán bộ và công nhân viên một cách có hiệu quả.

Chú Năm Bang Nguyễn Duy Quờn đang thường trực cơ quan Khu đoàn, là một cán bộ trung kiên cách mạng, sức khỏe dồi dào, tinh thần đầy lạc quan. Những ngày vừa chuyển hướng năm 1955, em ruột của chú là Nguyễn Duy Tước - bí danh Thành Ðồng, cán bộ Tỉnh Ðoàn Thanh niên Bạc Liêu, bị địch bắt, dũng cảm hy sinh trong trường hợp bảo vệ Liên Tỉnh ủy miền Tây, bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt. Những người em khác của chú Năm là Nguyễn Duy Quới, Trung tá Cục chánh trị Quân giải phóng miền Nam, và người em út Nguyễn Thành Tâm, Út Thành, 22 tuổi, Chánh trị viên Tiểu đoàn 303, chủ lực Quân Khu 9, cũng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Người anh rể thứ ba của chú Năm là Cao Quốc Thích, cháu của chú Năm là Cao Mỹ Thiệp… cũng đã hy sinh. Thế là hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, gia đình chú Năm Nguyễn Duy Quờn đã góp phần cống hiến máu xương cho dân tộc để giành độc lập thống nhất nước nhà. Và mới đây, trong một lần rải chất độc hóa học diệt rừng U Minh khu căn cứ, tôm cá dưới sông rạch bị nhiễm độc nổi đầu lên, những đứa con nhỏ của chú thấy tôm nổi râu, mừng quá rủ nhau vớt lên nướng ăn. Cả 3 em đều bị đau bụng. Khi chú thím hay được việc nguy hiểm này, liền chở 2 em gái lớn đang quằn quại trong cơn đau đi bệnh viện để giải cứu. Còn một em trai nhỏ, dù đã ăn tôm nhiễm độc, nhưng chứng đau bụng chưa phát, thấy em còn mạnh khỏe, nên em nằng nặc đòi theo cha mẹ và các chị, chú thím sợ đi nhiều đứa, bệnh viện bận rộn không giải quyết hết nên gởi em Chiến - con trai út của chú thím ở lại với bà nội. Nào ngờ khi cha mẹ và các chị của mình vừa đi thì bé Chiến nổi lên cơn đau bụng kinh khủng và sau đó chết trong tay người cô ruột một cách đau đớn.

Chú Năm Bang tự hào về truyền thống cách mạng và sự hy sinh xương máu của gia đình mình, đồng thời mối thâm thù giặc Mỹ xâm lược nung nấu trong lòng xương ống máu đã khiến chú trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất. Những lúc sau hội nghị, cơ quan vắng người, chú Năm nhớ về những người thân đã khuất, nhớ đứa con trai út bị nhiễm độc vì ăn tôm nhiễm chất Dioxin. Chú thím ân hận vì không chở con cùng đi với các chị của nó. Trước khi chết, nó gọi cha mẹ và anh chị không dứt. Bà nội trào nước mắt nhìn cháu qua đời, không phương cứu chữa. Bấy giờ trong những khu vườn kháng chiến vắng lặng, đâu có ai hay biết mà cứu giúp kịp thời. Khi thím Năm đem những chiếc áo may sẵn dành cho Chiến về đến nhà mới hay con trai út của mình đã chết, mà những chiếc áo còn đây. Thím gào khóc đau đớn biết dường nào!

Ðang trầm tư trong những nỗi niềm chung riêng giữa khu căn cứ, thì cô Sáu Trầu đưa nữ đồng chí Út Nhì về tới. Chú Năm mừng rỡ:

- Cô Út về tới rồi các đồng chí ơi, Út Nhì về tới rồi!

Chú Năm Bang có lòng trông đợi cô Út, nên chú nghe vỏ lãi cập bến trước tiên và reo mừng khi cô Út từ chiến trường ác liệt trở về khu căn cứ an toàn. Các cô chú trong cơ quan: Mười Nho, Mười Hòa, Mười Chánh, cô Ga, cô Thắm, chú Sáu Nhứt, chú Sáu Mến, cô Tươi… chạy ra mé kinh đón mừng cô Út Nhì. Tổ bảo vệ lăng xăng phân công nhau thăm lưới, thăm bẫy, giở lợp để tìm thức ăn làm một bữa cơm liên hoan mừng cô Út. Sau buổi liên hoan, lúc chạng vạng, sương chiều U Minh đã giăng phủ trên ngọn tràm. Pháo biển bắt đầu hoạt động, tầm pháo vút qua nóc chòi, rớt nổ xa trong kinh Năm Dương và kinh Cây Bàng nơi Xã ủy và Xã đoàn Khánh An đang ở. Cô Út tranh thủ đến báo cáo tình hình Liên đội với chú Năm:

- Báo cáo anh Năm, đợt rồi ta vận chuyển hơn 6 ngàn tấn từ Trạm 95 về Trạm 90 an toàn, không có đồng chí nào hy sinh, vũ khí ta không bị hư ẩm, mất mát. Khu ủy và Cục Hậu cần có biểu dương Liên đội ta.

Chú Năm hỏi:

- Ðồng chí Hai Nô tiếp nhận nhiệm vụ của cô bàn giao như thế nào?

- Hai Nô cùng với Sáu Mạnh đến văn phòng Liên đội lúc 1 giờ đêm. Tôi tiến hành bàn giao cho tới sáng. Ðồng chí Hai Nô vui vẻ tiếp nhận toàn bộ lực lượng để cùng với Liên đội trưởng là đồng chí Năm Ðoàn và các đồng chí Sáu Thiện, Bảy Thu bổ sung thêm Tư Bay, Hai Tân, Hai Hùng, Bảy Nông, Năm Thơ, dồn sức cho đợt vận chuyển tới, quyết đưa 5 vạn tấn hàng còn lại, phần lớn là vũ khí, về chiến trường T3 để nuôi sống phong trào du kích chiến tranh sau khi Mỹ rút quân.

- Thái độ đồng chí Hai Nô và sự tín nhiệm của tập thể đối với đồng chí?

- Ðiều này hơi khó nói. Chúng tôi chưa hiểu rõ quá trình hoạt động của đồng chí Hai Nô, nhưng cấp trên đề cử là chúng tôi chấp nhận bằng tinh thần tổ chức kỷ luật cách mạng. Nhưng nhìn chung anh em không hài lòng, không phấn khởi. Cái thấy rõ là đồng chí Hai Nô thiếu tinh thần hy sinh dũng cảm, biểu lộ qua mấy trận chống càn diễn ra liên tục khi đồng chí đến nhận nhiệm vụ mới.

- Còn đồng chí Năm Ðoàn?

- Thưa anh, đồng chí Năm Ðoàn tiếp nhận bác sĩ Chín Tần - Trần Minh Hữu là bạn học từ trường Tiền Phong, thuộc Xứ Ðoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ thời kháng Pháp, và hiện đang tiến dẫn gánh Chín Tần chọn điểm để lập trạm xá dã chiến. Ðồng chí Chín Tần đến nơi làm anh em Liên đội ta reo mừng chào đón nhiệt liệt. Nhưng Hai Nô có vẻ không vui, vì lúc ở điểm căn cứ rừng đước, nghe đồng chí Hai Nô sắp về chiến trường 1C để thay tôi, đồng chí Chín Tần đến gặp Hai Nô xin có giang cùng về, vì Chín Tần không rành đường, nhưng Hai Nô kiên quyết từ chối. Cuối cùng gánh Chín Tần - gồm nhiều y bác sĩ, đem dụng cụ y tế và thuốc men lên cho Liên đội, lại gặp Hai Nô vừa nhận nhiệm vụ Chính trị viên Liên đội, chỉ huy lại anh em, thì hai bên có vẻ ngỡ ngàng…

- Kể ra cũng có phức tạp và khó hiểu. Trước khi đồng chí về đây, tôi và Năm Hạnh có bàn đưa nữ đồng chí Năm Phi - một cán bộ cấp dưỡng có tinh thần trách nhiệm cao lên bổ sung cho văn phòng liên đội. Ðồng chí này sẽ giúp đỡ đồng chí Hai Nô hoàn thành nhiệm vụ theo sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Khu đoàn.

- Các anh định chừng nào đưa cô Phi đi?

- Chờ Năm Hạnh về trao đổi thêm và kết nạp cô vào Ðảng cái đã.

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết