Điều tra * SƠN THỦY- ĐĂNG HUỲNH
Bài cuối: Làm sao để xã, phường, thị trấn văn hóa thực sự văn hóa?
TP Cần Thơ đầu tư xây dựng rất nhiều các thiết chế văn hóa để địa phương đạt chuẩn. Tuy nhiên năm tháng đi qua, các cơ sở vật chất xuống cấp và không ít trường hợp không phát huy tác dụng. Dường như sau khi đã đạt danh hiệu, một số địa phương chưa mặn mòi với công tác nâng cấp các thiết chế và chấn chỉnh hoạt động.
Xây đã khó, giữ càng khó hơn
Để được công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa là một quá trình dài phấn đấu và sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, việc giữ và nâng chất xã, phường văn hóa lại là vấn đề khác. Khảo sát thực tế nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy không ít xã, phường thiếu mặn mà hoặc đuối sức danh hiệu dẫn đến chất lượng xã, phường văn hóa bị xuống cấp, thậm chí bị rút danh hiệu.
 |
Sân chơi cho thanh thiếu niên ở nông thôn ngày càng ít. Ảnh: SƠN THỦY |
Điểm qua một số xã, phường, thị trấn văn hóa, điều đầu tiên dễ thấy nhất là không phải nhà văn hóa (NVH) nào cũng hoạt động hiệu quả. Đơn cử NVH phường An Bình, quận Ninh Kiều được xây dựng cách đây không lâu với đầy đủ các phòng chức năng: phòng đọc sách, phòng phát thanh, phòng truyền thống, hội trường... với kinh phí lên đến 1,6 tỉ đồng. Tuy nhiên khi chúng tôi đến đây, phòng đọc sách chỉ có khoảng 200 quyển sách cũ kỹ, bám bụi. Phòng phát thanh máy móc đã xuống cấp, lúc phát lúc không. Phòng truyền thống dường như đã lâu lắm rồi không mở cửa bởi bụi bám đầy vách, cửa. Đáng nói là hội trường với sức chứa khoảng 120 người nhưng ít khi dùng tới với lý do mà cán bộ phường đưa ra là... quá rộng và tốn điện! Hay NVH xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền được xây dựng từ năm 2008, trong khuôn viên UBND xã. Tháng 9-2011, đoàn kiểm tra của thành phố đến làm việc và được “tận mục sở thị”: NVH thường xuyên đóng cửa do không có người trực, xung quanh đầy cỏ rác; phòng đọc sách rất ít sách báo, bụi bặm bám đầy trên kệ sách và không có lấy một bộ bàn ghế để phục vụ bạn đọc; phòng đài truyền thanh đã biến thành nhà riêng của cán bộ phụ trách đài... NVH đã vậy thì trách chi các Nhà thông tin ấp, khu vực ngày càng xuống cấp hoặc ít khi mở cửa hoạt động.
Nhiều địa phương dù mang danh hiệu “Xã, phường văn hóa” nhưng lại thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc số đề thậm chí là có trọng án...
Nhiều tháng gần đây, xã văn hóa Nhơn Ái, huyện Phong Điền xảy ra tình trạng trộm cắp trái cây khiến nhà vườn rất hoang mang. Số lượng trái cây bị mất có giá trị từ vài trăm ngàn đến mười mấy triệu đồng nhưng nhà vườn không dám trình báo với công an vì sợ bị trả thù. Công an địa phương dù nắm được tình hình nhưng do lực lượng mỏng nên chưa thể ngăn chặn hiệu quả nạn trộm cắp. Còn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền hơn một năm nay lại “đau đầu” vì tình trạng mất cắp dây loa truyền thanh. Dù lực lượng công an, xã đội nhiều lần tổ chức phục kích nhưng vẫn chưa bắt được thủ phạm. Phường An Bình, quận Ninh Kiều có nhiều tụ điểm đá gà ăn tiền, đánh bài quy mô lớn... Trong năm 2011, quận Cái Răng có 3 phường văn hóa là Hưng Thạnh, Lê Bình, Phú Thứ đều để xảy ra trọng án.
Tiêu chí để đánh giá, xếp loại tiêu chuẩn “3 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm) vẫn còn nghịch lý. Một địa phương dù xảy ra nhiều vụ trộm cắp hay đánh bài, đá gà... nhưng không bắt quả tang hay không có trọng án thì vẫn đạt “3 không” vì đó chỉ là thường án (!). Nhưng nếu một địa phương duy trì tốt an ninh trật tự cả năm bỗng xảy ra một vụ trọng án do người nơi khác đến gây ra thì lập tức bị hạ bậc xếp loại và đương nhiên không đạt “3 không”. Nhiều địa phương đã bị dính “án oan” kiểu này là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt năm 1998, phường An Phú, quận Ninh Kiều năm 1999...
Do quá trình công nghiệp hóa, quỹ đất của các địa phương ngày càng hẹp dần nên việc tạo sân bãi vui chơi giải trí cho người dân địa phương cũng bị “lấn chiếm”, “quy hoạch”. Không ít xã, phường hoàn toàn thiếu sân chơi thể thao nên người dân phải xuống vỉa hè, lòng đường, đất ruộng chơi. Tình trạng đô thị hóa cũng khiến các quận, huyện có nhiều qui hoạch, khu công nghiệp như Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt khó mà duy trì tốt cảnh quan môi trường, thậm chí có nơi môi trường nước, không khí ngày càng ô nhiễm...
Xã, phường, thị trấn văn hóa nào cũng có nhiều CLB văn nghệ, thể thao nhưng đa phần chỉ duy trì được hoạt động thời gian đầu. Lâu dần, số thành viên rụng rơi, hoạt động của các CLB không còn đều đặn, chỉ có đám tiệc mới lôi ra ca hát cho vui. Hiện trạng chất lượng các CLB Văn - thể - mỹ xuống cấp, bị lãng quên, thành lập cho đủ tiêu chí đang phổ biến ở các xã, phường, thị trấn văn hóa của TP Cần Thơ.
Chất lượng hay số lượng?
Những kết quả tốt đẹp mà cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) nói chung và phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa nói riêng mang lại là điều đáng ghi nhận và cần tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, 15 năm thực hiện cho thấy việc giữ vững và nâng chất các xã, phường, thị trấn văn hóa cũng như xây dựng các địa phương đạt chuẩn văn hóa cần được tính toán, xem xét lại.
Thành phố đặt ra chỉ tiêu mỗi năm xây dựng thêm xã, phường, thị trấn văn hóa mới để các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện là chủ trương đúng. Nhưng có nên bắt “ép” phải có 4 xã phường văn hóa mới trong khi thực tế để đạt chỉ tiêu này là khá khó khăn. Nhiều cán bộ ngành văn hóa của thành phố, quận, huyện cũng muốn rằng: “Công nhận địa phương nào cho chắc địa phương đó!”.
Mỗi năm, thành phố đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra, khảo sát để đánh giá, xếp loại và tái công nhận các xã, phường, thị trấn văn hóa. Nhưng những năm gần đây, việc khảo sát, đánh giá này không còn được chặt chẽ như xưa. Việc đánh giá, xếp loại cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”. 15 năm qua, chỉ duy nhất một đơn vị bị rút lại danh hiệu văn hóa là xã Thạnh Lộc của huyện Vĩnh Thạnh (năm 2009) trong khi tình trạng xuống cấp đang đến mức báo động.
Để việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa đi vào chiều sâu thì trước hết cần phải có quan điểm đúng đắn, tránh tình trạng chạy đua theo thành tích. Kế đến là cần củng cố hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo và Ban chủ nhiệm phong trào TDĐKXDĐSVH của các địa phương; đẩy mạnh hoạt động của Nhà thông tin, Nhà văn hóa; đầu tư kinh phí, biên chế, con người hợp lý... Thiết nghĩ, xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa không chỉ căn cứ vào các con số, không nên nguyên tắc cứng nhắc theo những quy định chung mà nên tập trung phát huy những thế mạnh riêng biệt của từng địa phương. Ví dụ như ở các vùng nông thôn thì nên chú trọng về những vấn đề phát triển đời sống kinh tế, hoàn thiện hệ thống giao thông và những hoạt động văn hóa, văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con; vùng nội ô nên chú trọng hình thành nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự phố phường... Đặc biệt nên mạnh tay rút danh hiệu văn hóa nếu địa phương nào “năng xây nhác giữ”. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào biết huy động nguồn lực từ người dân, tạo được ý thức xây dựng nếp sống văn hóa cho họ thì chuyện giữ vững danh hiệu văn hóa khá hiệu quả. Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Xây dựng đời sống văn hóa phải dựa vào dân, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện thì mới phát huy hiệu quả”.
Theo ông Châu Văn Dự, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, hiện tổ chuyên viên của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố đang tham mưu với UBND TP điều chỉnh Quyết định 680 về việc công nhận các danh hiệu văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong đó sẽ có những thay đổi về việc rút danh hiệu văn hóa quyết liệt và mạnh tay hơn để phong trào có chất lượng.
Ngày 22-12-2010, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 3589/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới gồm 4 nhóm lớn: Quy hoạch (1 tiêu chí); Hạ tầng kinh tế - xã hội (8 tiêu chí); Kinh tế và tổ chức sản xuất (4 tiêu chí); Văn hóa - Xã hội - Môi trường (7 tiêu chí), có nhiều tiêu chí trùng hoặc mở rộng từ tiêu chí xây dựng xã, thị trấn văn hóa. Có lẽ, cần kết hợp hai cuộc vận động này, vừa giúp TP Cần Thơ hoàn thành chỉ tiêu được giao và tạo được đời sống kinh tế - văn hóa - tinh thần tốt đẹp cho người dân.