23/11/2011 - 21:51

15 năm nhìn lại việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa ở TP Cần Thơ

Điều tra * SƠN THỦY- ĐĂNG HUỲNH

Bài 1: Những cuộc đua ma-ra-tông danh hiệu

Sau nhiều năm phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực ở cơ sở. Trong phong trào, việc xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa có vai trò rất quan trọng, thế nhưng vẫn còn nhiều bất cập xoay quanh tình trạng hình thức và chạy đua thành tích.

* Từ những điểm son của phong trào...

Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt hằng năm đều tổ chức ngày hội trái cây – một nét đẹp văn hóa của người dân xứ cù lao. Ảnh: SƠN THỦY. 

Năm 1996, tỉnh Cần Thơ (cũ) có 2 xã đầu tiên được công nhận là “Xã văn hóa” (2 xã này nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Sau 15 năm phấn đấu, đến nay, TP Cần Thơ đã có 36/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa (khoảng 40%). Công bằng mà nói, những xã, phường, thị trấn văn hóa đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo của thành phố, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo nên một nếp sống văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, với một thành phố trực thuộc trung ương như Cần Thơ thì số xã, phường, thị trấn, văn hóa còn khá ít.

Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt là một cù lao nằm giữa dòng sông Hậu, kinh tế nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, được công nhận “Phường văn hóa” từ năm 1998. Đây là một trong những đơn vị điển hình thường xuyên củng cố và nâng chất các hoạt động để giữ vững danh hiệu suốt 13 năm qua. Từ khi đạt danh hiệu văn hóa đến nay, Tân Lộc đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và giữ vững an ninh trật tự. Phường có trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; gần 50 km đường giao thông chính nối liền các khu vực đã được bê tông hóa, nhiều cây cầu được nâng cấp, xây mới kiên cố; hằng năm phường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mà tiêu biểu là lễ hội trái cây; nhiều phong trào từ thiện được nhân dân hưởng ứng tích cực: mua xe cứu thương từ thiện, “Nắm gạo tình thương”, xây nhà tình thương... Yếu tố quan trọng giúp Tân Lộc ngày càng phát triển chính là địa phương biết khơi dậy sức dân qua các phong trào và thực hiện rất tốt việc vận động xã hội hóa để nâng cấp và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Huyện Phong Điền là huyện đầu tiên của TP Cần Thơ hoàn thành 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Là một huyện nông nghiệp, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con còn thiếu thốn. Các xã văn hóa đã làm cho diện mạo nông thôn Phong Điền có nhiều khởi sắc. Xã Giai Xuân là một điển hình khá ấn tượng. Khách đến đây “mát mắt” với những hàng rào xanh mướt, những hàng cây rợp mát hai bên đường; hầu hết các tuyến đường đến ấp đều được tráng nhựa, bê tông sạch đẹp, cầu cống chỉn chu đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Buổi tối trước cửa hộ dân nào cũng treo đèn điện sáng choang, trong nhà treo mõ theo mô hình “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà” giúp giữ gìn an ninh trật tự và tạo mỹ quan xóm làng. Xã còn có mô hình “Xây dựng Khu dân cư thân thiện với môi trường: 1 xanh – 2 sạch” do Hội cựu chiến binh huyện phát động; các hộ dân trong xã không chỉ quan tâm giữ sạch đẹp ngoài đường mà cả trong nhà, sau bếp.

Có địa phương như phường An Cư (quận Ninh Kiều) gắn xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện nếp sống văn minh đô thị khá tốt, giúp chỉnh trang bộ mặt của quận trung tâm thành phố với những phong trào: vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, khắc phục tình trạng treo băng- rôn, bảng quảng cáo trái phép...

Phong trào xây dựng và nâng chất “Xã, phường, thị trấn văn hóa” của TP Cần Thơ đạt thành quả lớn nhất chính là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, hình thành cho người dân thành thị cũng như nông thôn một nếp sống mới.

* ...đến những cuộc đua để về đích... “văn hóa”

Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận thì 15 năm qua việc xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn hóa” ở Cần Thơ còn bộc lộ nhiều sự “lệch pha”, nổi rõ nhất là tình trạng chạy theo thành tích, không ít địa phương đã bằng mọi giá để đạt chuẩn xã, phường, thị trấn văn hóa. Buồn cười nhất là chuyện “thiếu nợ” để “tạm ứng” trước danh hiệu văn hóa: theo chỉ tiêu của HĐND, UBND TP Cần Thơ, mỗi năm phải xây dựng được 4 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, vậy là để đảm bảo chỉ tiêu, Ban chỉ đạo các cấp cũng đành “cho khất” các thiết chế cần có.

“Món nợ” mà các địa phương thiếu lại nhiều nhất là Nhà văn hóa- nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao- là một tiêu chí quan trọng để được công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Để có được một Nhà văn hóa (NVH) đạt tiêu chuẩn: diện tích đất đến khoảng 1.500m2, kinh phí xây dựng cũng phải hơn 1 tỉ đồng, chưa kể kinh phí đầu tư, mua sắm các thiết chế văn hóa... địa phương cần đầu tư rất lớn. Thiếu đất, thiếu tiền chưa xây dựng được NVH, một số địa phương phải trưng dụng vài phòng của UBND hoặc một địa điểm tạm nào đó cho có “NVH tạm”. Dù chuyện “đối phó” dễ thấy nhưng để đảm bảo chỉ tiêu nên cấp có thẩm quyền cũng đành “mắt lấp tai ngơ” và cho “nợ”. Đến nay, trong 36 xã, phường, thị trấn văn hóa, vẫn còn nhiều địa phương chưa có NVH là phường An Cư (quận Ninh Kiều), phường Hưng Thạnh (quận Cái Răng), phường Thuận Hưng, phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt)...

Cấp xã, phường, thị trấn trong cuộc “chạy đua” cũng ráo riết hoàn thành các thiết chế để đạt chuẩn văn hóa. Vậy là ấp phải “văn hóa”, gia đình phải “văn hóa”, cơ quan, trường học phải “văn hóa”... theo kiểu “nhà nhà văn hóa, người người văn hóa”. Cứ như thế, một cuộc chạy đua từ trên xuống dưới rất “quyết liệt”, cốt sao để về đích... “văn hóa”!?

Theo Quyết định 55 (ban hành năm 2008) và Quyết định 680 (ban hành năm 2010) của UBND TP Cần Thơ, một xã, phường, thị trấn văn hóa cần có 100% ấp, khu vực đạt chuẩn văn hóa, ít nhất 80% hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” trở lên; ít nhất 90% cơ quan, đơn vị, trường học và chợ trên địa bàn đạt các danh hiệu văn hóa... Nhưng hầu như địa phương nào cũng đều báo cáo số “Gia đình văn hóa” đạt từ 90% trở lên, thậm chí có nơi đạt 98-99% (?), còn các cơ quan, trường học thì đều đạt 100% danh hiệu văn hóa... Các số liệu về các câu lạc bộ, số gia đình không sinh con thứ ba... cũng đều “tuyệt vời” đến mức đáng ngờ.

Theo quy định, việc xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” phải được tổ chức bài bản: từng tổ dân phố tổ chức họp dân để bình xét công khai, sau đó nộp danh sách về ấp, khu vực; ai thắc mắc, kiện tụng sẽ được địa phương họp giải quyết thấu đáo. Nhưng tìm hiểu ở nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy công việc bình xét chỉ được làm qua loa, “vui cả làng”. Gần như các địa phương tập trung lãnh đạo các tổ dân phố, ấp/ khu vực lại rồi xét “đạt” hay “không đạt” chứ ít khi có sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân. Vậy nên không ít chuyện “cười ra nước mắt” như: có những gia đình cha mẹ cự cãi, đánh nhau, gây mất trật tự hoặc con cái nghiện ngập, hư hỏng... vẫn được công nhận là “Gia đình văn hóa”! Một số tiêu chí khác như: cảnh quan môi trường sạch đẹp, hệ thống giao thông hoàn chỉnh, an ninh trật tự đạt chuẩn “3 không”... cũng được một số địa phương làm cho có để đối phó chứ chưa đi vào thực chất, chiều sâu.

Theo chỉ tiêu năm 2011 này, sẽ có 4 địa phương được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Nhưng đến nay đã cuối tháng 11, mới chỉ có phường Ba Láng, quận Cái Răng và xã Trường Thành, huyện Thới Lai được công nhận là xã, phường văn hóa; còn những địa phương khác bị vướng một số tiêu chuẩn, tiêu chí... Do đó, theo thông lệ sẽ có tình trạng “chạy” gấp rút giải quyết mọi chuyện sao cho ổn thỏa để cuối năm nay kịp thời công nhận thêm 2 đơn vị hầu đạt chỉ tiêu. Cuộc chạy đua với thời gian để về đích “văn hóa” lại tiếp tục... chưa biết bao giờ kết thúc!

Bài cuối: Làm sao để xã, phường, thị trấn văn hóa thực sự văn hóa?

Chia sẻ bài viết