28/12/2011 - 09:16

10 sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2011

Hãng tin CNN của Mỹ vừa công bố 10 sự kiện công nghệ được quan tâm nhiều nhất trong năm qua mà họ cho là ảnh hưởng của chúng có thể còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Steve Jobs qua đời

Sự ra đi của CEO kiêm nhà đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ Apple vào ngày 5-10 sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư là thông tin chấn động toàn cầu. Hàng triệu người trên khắp thế giới đã tưởng niệm “cha đẻ” của hàng loạt sản phẩm công nghệ nổi tiếng như iMac, iPod, iPhone và iPad bằng cách đặt hoa, nến và những dòng lưu niệm bên ngoài các cửa hàng của Apple. Quyển hồi ký về ông do tác giả Walter Isaacson viết và xuất bản tháng 11 cũng trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất.

Mạng xã hội trở thành công cụ liên lạc

Sự ra đi của Steve Jobs là sự kiện lớn nhất trong thế giới công nghệ năm nay. 

Các trang như Facebook, Twitter và YouTube đã đóng vai trò không nhỏ trong làn sóng biểu tình “Mùa Xuân A rập” diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi. Trong khi đó, tin tức cập nhật của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” và các cuộc biểu tình khác ở Mỹ cũng được liên tục đưa lên Twitter. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố: “Chúng ta tồn tại giữa giao điểm của công nghệ và các vấn đề xã hội”.

Tin tặc

Năm qua, một tổ chức với tên gọi Anonymous (Nặc danh) đã nổi lên từ thế giới ngầm của Internet với các cuộc tấn công mang động cơ chính trị đối với ngành ngân hàng và thương mại điện tử. Một tổ chức tương tự với tên gọi Lulz Security cũng lộ diện, thực hiện một số cuộc tấn công và sau đó nhanh chóng biến mất. Từ “hack” đã ám ảnh người dùng Internet đến nỗi nó trở thành từ cửa miệng của họ mỗi khi gặp các vấn đề về mạng Internet.

Máy tính bảng ồ ạt ra đời

Sau khi máy tính bảng iPad của Apple ra đời và được chào đón nồng nhiệt, các công ty điện tử khác cũng thi nhau trình làng dòng máy tính bảng của riêng mình. Google thì tung ra máy tính bảng Android, Research in Motion ra mắt BlackBerry Playbook và Amazon.com cũng không chịu thua kém khi có Kindle Fire.

Giao tiếp “không có ma sát”

Facebook mô tả việc mọi người có thể tìm hiểu lẫn nhau mà không qua tiếp xúc hay trò chuyện là giao tiếp “không có ma sát”. Nhiều công ty đã khai thác đặc tính này bằng cách phát triển thêm các ứng dụng như dịch vụ chia sẻ âm nhạc và nó đã trở thành phương tiện quảng cáo hiệu quả vô cùng.

Cuộc chiến về bằng sáng chế độc quyền

Các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Apple, Google, HTC, Microsoft, RIM và Samsung đã bước vào một cuộc chiến tranh giành bằng sáng chế độc quyền. Các công ty này đang theo đuổi nhiều vụ kiện nhằm đạt được bằng sáng chế độc quyền và ngăn cản việc kinh doanh của đối thủ.

Google +

Cỗ máy tìm kiếm thông tin Google nhận thấy người dùng Internet có xu hướng dành nhiều thời gian để lên các trang mạng xã hội như Facebook hơn là lướt web tìm thông tin. Chính vì vậy, Google quyết định tạo ra một môi trường ảo gần giống Facebook với tên gọi Google +, cho phép người dùng có thể chia sẻ hình ảnh và cập nhật tin tức về bạn bè.

Apple trở thành công ty giá trị lớn nhất thế giới

Khi Steve Jobs trở lại làm việc cho Apple năm 1997, công ty này đang ở trong tình trạng vỡ nợ. Một thập niên sau, ông đã giúp Apple hồi sinh mạnh mẽ và trở thành tập đoàn số 1 thế giới với giá trị vốn hóa đạt 378,7 tỉ USD vào tháng 10-2011.

Máy tính Watson đánh bại con người trong trò chơi đố vui

Máy tính Watson của IBM trước đây từng không mấy thành công trong việc hiểu đúng sắc thái của tiếng Anh và gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Song, năm qua dòng máy tính này đã chứng tỏ uy lực của mình khi đánh bại nhà vô địch Gary Kasparov trong một cuộc thi cờ vua, đồng thời chiến thắng 2 thí sinh cực kỳ thông minh trong chương trình đố vui Jeopardy của Mỹ.

Spotify và Facebook thống lĩnh thị trường nhạc số

Với iTune và iPod, Apple trội hơn hẳn trong nền công nghiệp nhạc số. Còn Amazon và Google không có bước tiến gì đáng kể. Tuy nhiên, Spotify đã chứng tỏ nó xứng đáng là đối thủ của Apple về lĩnh vực này tại châu Âu và thời gian gần đây đã bắt đầu mở rộng thị trường đến Mỹ. Facebook Music – một dịch vụ chia sẻ âm nhạc của Facebook – đã giúp giới thiệu đến đông đảo thính giả các dịch vụ nghe nhạc như Spotify, Rdio và Rhapsody.

QUANG HIỂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết