05/04/2013 - 22:03

1.000 ngày nước rút hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Đến ngày 5-4-2013, còn đúng 1.000 ngày nữa là đến thời hạn cuối cùng để các nước hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết: Sau 10 năm cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2000 - 2010), theo đánh giá của LHQ, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (cả về các chỉ tiêu tuyệt đối lẫn tương đối). Chính vì vậy, lúc này Việt Nam cần tiếp tục tăng tốc để tiến tới thời hạn thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

13 năm trước, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương là một trong số 189 nhà lãnh đạo thế giới họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để ký Tuyên bố thiên niên kỷ. Đây chính là sự khởi đầu của việc thiết lập 8 Mục tiêu thiên niên kỷ rất cụ thể. Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau cam kết cắt giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo toàn cầu, chống lại biến đổi khí hậu, bệnh tật, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường, mở rộng giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ em gái và phụ nữ.

Theo bà Pratibha Mehta, tại Việt Nam, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã c ó tác động lớn đến sự phát triển của xã hội. Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc nhanh chóng giảm tỷ lệ đói nghèo (giảm 50% trong giai đoạn 1993-2002 và tỷ lệ đói nghèo còn lại tiếp tục được giảm 50% trong giai đoạn 2002- 2008). Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, giáo dục và sức khỏe trẻ em. Những thành tựu ấn tượng này đã có tác động thực sự và lâu dài đến cuộc sống của người dân . "Tuy nhiên , khi bước vào chặng đua cuối cùng của "cuộc đua maratông" xóa đói giảm nghèo với thời gian còn lại là 1.000 ngày, Việt Nam không thể cho phép mình "nghỉ ngơi", mà phải nắm lấy cơ hội này để tăng cường nỗ lực, tiếp tục hướng tới đích", bà Pratibha Mehta nói.

Để đảm bảo đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở tất cả các thôn xóm và tỉnh thành ở Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện và công bằng, gắn với trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân, kể cả những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Vì vậy, cột mốc 1.000 ngày được xem như một lời kêu gọi hành động để tăng tốc trên cơ sở những thành công đã đạt được. Kinh nghiệm ở Việt Nam chứng tỏ mục tiêu phát triển toàn cầu có trọng tâm có thể tạo nên sự khác biệt sâu sắc, giúp huy động, hợp nhất nguồn lực và thôi thúc toàn xã hội cố gắng nhiều hơn nữa.

"Mặc dù đây không phải là một cuộc đua mang tính cạnh tranh, nhưng việc phát huy tối đa sức mạnh tiềm năng để có thể hoàn thành chương trình mục tiêu còn dang dở là cần thiết. Sự thành công trong 1.000 ngày tới sẽ không chỉ mang lại cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người Việt Nam, mà còn tiếp thêm sinh lực, khích lệ người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt, khi hoạch định kế hoạch hành động cho giai đoạn sau năm 2015 và đối mặt với những thách thức lớn của phát triển. Điều quan trọng hơn cả là cần đảm bảo để chặng đua nước rút này, không ai bị bỏ lại phía sau" bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết