03/12/2019 - 11:30

“Yếu tố Mỹ” trên chính trường Anh 

Một số cá nhân và tổ chức giàu có của Mỹ dường như đang gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sớm ở Anh, sẽ diễn ra vào ngày 12-12 tới.

Bầu cử ngày 12-12 sẽ là “màn đấu” giữa Thủ tướng Johnson (phải) và lãnh đạo Công đảng Corbyn. Ảnh: Manchester Evening News

Theo Guardian, khoảng 11 người Mỹ đã hỗ trợ hơn 3,7 triệu USD cho các nhóm cánh hữu có ảnh hưởng ở Anh trong 5 năm qua. Tin tức này được tiết lộ giữa thời điểm Washington đang vật lộn với các cáo buộc nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ. Điều đó chứng tỏ dưới lăng kính quốc tế, người giàu Mỹ cũng tìm cách gây ảnh hưởng bầu cử nước khác.

Tuy các khoản đóng góp hầu như không bất hợp pháp, nhưng Guardian cho biết “ảnh hưởng Mỹ” vẫn thu hút quan tâm khi tính minh bạch của hệ thống chính trị Anh đang trở thành vấn đề gây tranh cãi. Đầu tháng rồi, đảng Bảo thủ  của Thủ tướng Boris Johnson bị cáo buộc ngăn chặn báo cáo về ảnh hưởng của Nga trong nền chính trị nước nhà. Theo tờ Times of London, đảng Bảo thủ cầm quyền vốn được nhiều viện chính sách, tổ chức nghiên cứu hỗ trợ và sự việc lần này cho thấy sức ảnh hưởng của các "mạnh thường quân" liên kết với Điện Kremlin trên chính trường Anh.

Tại cuộc họp báo hôm 27-10, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tiếp tục tấn công khi tiết lộ cái gọi là “đàm phán bí mật” giữa chính quyền Johnson với Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận song phương thời “hậu Brexit”. Trước đó, ông Trump không ngần ngại thể hiện thái độ ủng hộ ông Johnson và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Trước bầu không khí căng thẳng hiện nay, Thủ tướng Johnson cách đây vài ngày đã đề nghị Tổng thống Mỹ không nên bình luận về bầu cử Anh, đặc biệt khi ông sẽ có mặt tại Luân Đôn dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần này.

Lo ngại tính khí thất thường của ông Trump, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Washington cũng đang “căng thẳng” nhưng khẳng định Tổng thống Trump hoàn toàn ý thức việc không can dự vào tiến trình bầu cử của quốc gia khác. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng ông Trump không được người dân Anh yêu thích, nên lãnh đạo Mỹ nếu có công khai ủng hộ ai đó thì hành động này nhất định phản tác dụng. Nhưng ảnh hưởng của những người  giàu Mỹ thì lại khó đánh giá hơn, chẳng hạn như Phil Bryant - Thống đốc bang Mississippi và là đồng minh của ông Trump. Theo Washington Post, nhân vật này đã hợp tác với lãnh đạo đảng Brexit của Anh Nigel Farage thành lập tổ chức phi lợi nhuận World4Brexit để quyên tiền hỗ trợ Anh “ly hôn" EU. Những người ủng hộ coi đây là công cụ đối trọng với tỉ phú đầu tư người Mỹ George Soros, người được cho đã ủng hộ các nhóm chống Brexit khoảng 800.000USD (một số người nói rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều).

Nhưng đáng chú ý nhất là tỉ phú đã mất John Templeton. Là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, Sir Templeton có mối quan hệ chặt chẽ với Anh và ảnh hưởng sâu rộng trong nhóm cánh hữu. Ông được cho đã hỗ trợ các tổ chức ở Anh khoảng 3,3 triệu USD.

* Úc lập lực lượng đặc nhiệm chống gián điệp 

Động thái trên được đưa ra sau khi giới chính trị gia lên tiếng về sự can thiệp tràn lan của nước ngoài, đặc biệt báo cáo về hoạt động gián điệp táo bạo của Trung Quốc với kế hoạch cài người vào Quốc hội Úc.

Tuy không đề cập Bắc Kinh, nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 2-12 cảnh báo mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài vẫn tiếp tục phát triển. Và lực lượng mới có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào muốn làm suy yếu lợi ích của Canberra. Lực lượng này còn phối hợp với cảnh sát liên bang để xác định và tiến hành truy tố hoặc trục xuất các đặc vụ nước ngoài.

MẠNH TRƯỜNG (Theo Washington Post, RFI)

Chia sẻ bài viết