01/05/2023 - 11:19

“Tự hát” về tình yêu quê hương 

CÁT ÐẰNG

"Tự hát" (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ thứ ba của nhà thơ Lê Văn Long (sinh năm 1948), hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ, hội viên Hội Thơ Ðường luật Việt Nam. Tập thơ như lời tự bạch về cuộc đời, tình người, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của một người đã trải thăng trầm.

Hơn 70 bài thơ là khúc tự tình mà tác giả trút vào đó bao niềm thương nỗi nhớ, cảm xúc, nghĩ suy, tình cảm với người thân, bạn bè, quê hương, đất nước… Trong đó, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là nỗi nhớ quê hương. Bởi tác giả quê ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An, hơn nửa đời người sinh sống và làm việc ở nhiều nơi xa quê, đặc biệt là từ năm 2010 ông vào Cần Thơ đoàn viên cùng con cháu cho đến nay. Do đó, nỗi nhớ quê da diết như một điệp khúc được tác giả nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài thơ: "Hơn nửa đời xa quê biền biệt/ Ngang dọc xứ người bươn chải mưu sinh/ Lòng nặng trĩu nhớ quê da diết/ Có kịp về trả nợ chốn ta sinh" ("Tình quê hương"). Hay :"Thái Hòa ơi! Quê mẹ/ Ðẹp như bản tình ca/ Xin rót vào nỗi nhớ/ Nỗi nhạc lòng thiết tha" ("Thái Hòa - Nỗi nhớ").

Tuy hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm khảm, nhưng tác giả vẫn luôn dành cho những vùng đất mới nhiều tình cảm yêu mến và đầy cảm xúc. Ðó là cái tình "Gặp nhau không muốn xa rời" với người Hậu Giang trong bài "Quê em miền sông Hậu", là sự "Xa nhau để lại bao lưu luyến" khi đến thăm Bạc Liêu hay Phú Quốc... Ðặc biệt, với Cần Thơ, vùng đất mà tác giả sinh sống, gắn bó hơn 10 năm qua, là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bài thơ về các địa danh, hay tình bạn, tình xóm giềng… Nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nơi vẫn đong đầy: "Cũng còn mùa được biết ơn/ Sẻ chia manh áo, bát cơm… tình người!" ("Mùa").

Cái tình, cái nghĩa luôn là điều tác giả tâm niệm và lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Bên cạnh tình yêu quê hương, ông dành trọn tình yêu cho người vợ đã quá cố, với các con ông cũng luôn răn dạy những điều hay lẽ phải, cách sống ở đời sao cho phải đạo làm người: "Lội sông phải biết nông sâu/ Dò dòng nước chảy chớ đâu vội vàng/ Có cầu, phải nhớ đò ngang/ Nhớ đò đã chở người sang một thời" ("Lời răn"). Và với đồng đội, những người một thời vào sinh ra tử trên chiến trường, ông luôn khắc ghi trong tim và nhắc nhớ một thời đã xa: "Thơ viết một thời đồng đội/ Chia nhau hơi thuốc đỡ thèm/ Bia mộ chỉ còn tên gọi/ Nhói đau, buốt tận trong tim" ("Một thời").

Tinh thần lạc quan, yêu đời là điểm sáng trong thơ của tác giả Lê Văn Long, dù cuộc sống có những lúc không như ý nhưng ông luôn tìm những niềm vui bình dị, tận hưởng cuộc sống bằng những khoảnh khắc đặc biệt, như:"Ðổ mưa ra đếm/ Từng hạt mưa rơi/ Ðổ nắng ra phơi/ Ðếm từng giọt nắng" ("Ðếm"); hay niềm vui khi hay tin sông Hiếu ở quê nhà đã được nối đôi bờ bằng nhịp cầu vững chãi; là niềm vui bên con cháu hay tình thông gia…

Cứ thế, những nốt trầm sâu lắng và những niềm vui đơn sơ qua những dòng thơ của tác giả nhè nhẹ len lỏi, gieo vào lòng người đọc những cơn gió mát lành để thêm yêu cuộc đời và những vần thơ.

Chia sẻ bài viết