10/12/2021 - 07:53

“Trào lưu” tuần làm việc 4 ngày 

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ rút ngắn thời gian làm việc của người lao động còn 4 ngày rưỡi/tuần với lịch nghỉ cuối tuần bắt đầu từ chiều thứ Sáu đến hết Chủ nhật.

Giảm giờ làm được chứng minh giúp tăng năng suất lao động. Ảnh: Getty Images

Lâu nay, người lao động tại UAE bắt đầu tuần làm việc mới vào Chủ nhật và nghỉ cuối tuần từ tối thứ Năm đến tối thứ Bảy. Ðây cũng là quy định chung ở nhiều quốc gia Hồi giáo. Nhưng thông báo mới cho biết, thời gian làm việc ở nước này theo điều chỉnh sẽ bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 15 giờ 30 chiều các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm, riêng thứ Sáu làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa. Thay đổi trên được áp dụng đối với các cơ quan chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2022. Trường học và doanh nghiệp tư nhân có thể làm theo, thông báo cho
biết thêm.

Như vậy, UAE là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn so với quy định phổ biến 5 ngày/tuần và trở thành nước duy nhất ở vùng Vịnh có thời gian nghỉ cuối tuần không bắt đầu từ thứ Sáu đến thứ Bảy. Theo Hãng thông tấn nhà nước UAE WAM, thay đổi này tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính và thương mại phù hợp khung thời gian của thị trường quốc tế, qua đó thúc đẩy liên kết và cơ hội giao dịch đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng như nhóm công ty đa quốc gia có trụ sở tại UAE. Ðiều này còn giúp người dân cân bằng giữa công việc và cuộc sống; từ đó cải thiện đáng kể năng suất lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh kinh tế của UAE về lâu dài.

Tăng năng suất, cải thiện chất lượng cuộc sống

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tranh luận xung quanh việc giảm thời gian lao động với các lý do được đưa ra như tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm, cải thiện sức khỏe người lao động... Trong đó, ý tưởng phổ biến nhất là làm việc 4 ngày/tuần.

Một nghiên cứu năm 2012 bởi trường Kinh doanh Henley ước tính, người dân Anh lái xe ít đi 560 triệu dặm/tuần nếu áp dụng mô hình làm việc như trên, đồng nghĩa giảm lượng khí thải từ giao thông. Trong thử nghiệm năm 2019, công ty Microsoft Nhật Bản cho biết xu hướng mới giúp tăng 40% năng suất trong khi hóa đơn tiền điện giảm 23%. Ở Mỹ, đã có ý kiến cho rằng thời gian làm việc ngắn hơn có thể giảm 7% lượng khí thải carbon.

Ngoài tác động tức thời, làm việc 4 ngày/tuần cũng phá vỡ chu kỳ “làm việc - chi tiêu”. Thay vì dùng thời gian rảnh để mua sắm, các chuyên gia nhận thấy mọi người tham gia nhiều hơn các hoạt động lành mạnh và hữu ích, như quây quần với gia đình hoặc tận hưởng không gian ngoài trời.

Bên cạnh “lợi ích xanh”, tuần làm việc 4 ngày cũng tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần. Cụ thể, kết quả cuộc thử nghiệm trên 2.500 người lao động Iceland giai đoạn 2015-2019 cho thấy đời sống của họ được cải thiện đáng kể ở mọi khía cạnh khi làm việc 35-36 tiếng/tuần. Trong khi đó, năng suất và công việc vẫn được đảm bảo, thậm chí còn tăng trong một số điều kiện làm việc nhất định. Các cuộc thử nghiệm tương tự tại nhiều công ty ở Nhật Bản và New Zealand cũng cho kết quả khả quan, trong đó người lao động hoàn thành khối lượng công việc lớn nhưng ít căng thẳng hơn.

Ðầu năm nay, Tây Ban Nha cũng nhảy vào cuộc khi cho phép các công ty trong nước thử nghiệm giảm giờ làm xuống còn 4 ngày/tuần trong 3 năm. Chính phủ đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án với tổng nguồn quỹ lên tới 56 triệu USD. Tại Mỹ, Nhóm Cấp tiến tại Quốc hội nước này hôm 8-12 đã thông qua dự luật giảm thời gian làm việc còn 32 tiếng/tuần. Ðộng thái này được ca ngợi như biện pháp cần thiết giúp người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống sau nhiều thập kỷ phải làm việc nhiều giờ hơn với mức lương trì trệ. Trong lĩnh vực tư nhân, công ty huy động vốn cộng đồng Kickstarter trụ sở ở Mỹ cho biết sẽ chuyển sang mô hình mỗi tuần làm việc 4 ngày vào năm tới, sau thành công trước đó của nhiều công ty phần mềm.

Theo giới chuyên môn, xu hướng giảm giờ làm mang ý nghĩa mới khi đại dịch COVID-19 nêu bật nhiều vấn đề, trong đó có cân bằng giữa công việc và cuộc sống.  Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự hoài nghi từ một số doanh nghiệp cũng như các nhà kinh tế học, rằng phương án này chỉ phù hợp với giới trí thức thường làm việc trong văn phòng hơn là người lao động phổ thông hoặc hưởng lương theo giờ.

MAI QUYÊN (Theo NPR)

Chia sẻ bài viết