17/07/2009 - 21:17

“Tin tặc trí não”- Ẩn họa khó lường

Nạn tin tặc (hacker) tấn công máy tính của các cá nhân, tổ chức, chính phủ đang khiến thế giới đau đầu. Nhưng bạn nghĩ sao nếu một ngày nào đó, hacker tấn công và kiểm soát cả bộ não của bạn?

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều công nghệ cho phép sử dụng máy tính, điều khiển xe lăn, thậm chí lướt web mà không cần “động tới móng tay”. Nhưng khi các thiết bị tương tác não bộ xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên hiện đại hơn, các nhà khoa học cho rằng “tin tặc trí tuệ” sẽ trở thành hiểm họa thật sự. “Nếu chúng ta không bắt đầu chú ý đến vấn đề an ninh ngay từ bây giờ, tôi e rằng 5 hoặc 10 năm nữa, chúng ta sẽ nhận ra đó là một sai lầm khủng khiếp”, chuyên gia an ninh máy tính Tadayoshi Kohno ở Đại học Washington (Mỹ) cảnh báo.

Các nhà khoa học có thể sử dụng tín hiệu điện não để điều khiển máy tính rảnh tay. Ảnh: Wired 

Tin tặc tấn công máy tính mọi lúc, mọi nơi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng đột kích vào những dụng cụ hỗ trợ hoặc kích thích thần kinh như thiết bị điện não dùng trong điều trị hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) và trầm cảm, hay hệ thống điện cực dùng để điều khiển tay, chân giả? Trong bài viết cảnh báo về nguy cơ “tin tặc thần kinh” vừa đăng trên tạp chí Neurosurgical Focus số tháng 7, Kohno và đồng nghiệp cho rằng hầu hết các thiết bị đều tiềm ẩn nguy cơ an ninh. Nhưng một khi kỹ thuật kích thích thần kinh trở nên tinh vi và phổ biến hơn, nguy cơ phá hoại cũng sẽ bùng nổ.

Một số người có thể đặt câu hỏi: tại sao lại có người muốn tấn công bộ não của người khác? Tuy nhiên, trên thực tế từng xảy ra 2 vụ sử dụng máy tính để làm tổn hại hệ thần kinh của con người. Khoảng cuối năm 2007 đầu năm 2008, bọn hacker cố ý phá hoại các trang web hỗ trợ bệnh nhân động kinh bằng cách cài các ảnh động, khiến một số bệnh nhân nhạy cảm hình ảnh lên cơn. Theo Tamara Denning, đồng nghiệp của Kohno, đó là bằng chứng cho thấy thực sự có người muốn tổn hại sức khỏe người khác bằng máy tính, nhất là khi các thiết bị tương tác thần kinh ngày càng trở nên phổ biến.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân thậm chí nảy ra ý định tấn công thiết bị kích thích thần kinh mà họ đang sử dụng. Khác với các thiết bị điều khiển tay, chân giả vẫn còn sử dụng dây điện, nhiều thiết bị kích thích sâu trong não hoạt động dựa vào tín hiệu không dây. Đột kích vào những thiết bị này cho phép bệnh nhân “tự điều chỉnh” tâm trạng quá khích hoặc giảm đau bằng cách tăng cường hoạt động của các trung khu thần kinh hưng phấn của não.

Bất chấp những nguy cơ trên, Kohno cho biết, phần lớn các thiết bị mới ra đời chưa được các nhà sản xuất cũng như giới chuyên môn lưu tâm tới nguy cơ bị tin tặc. Đây là lần đầu tiên một bài báo đề cập đến chủ đề “an ninh thần kinh” – “những vấn đề an ninh và riêng tư thường bị bỏ qua bằng cách này hay cách khác”, Kohno nhận định. Kevin Otto, kỹ sư công nghệ sinh học nghiên cứu giao diện máy-não ở Đại học Purdue (Mỹ), cho biết ông chưa hoàn toàn đồng tình với bài viết nhưng cho đó là vấn đề quan trọng cần xem xét. Trong khi đó, kỹ sư thiết kế thiết bị hỗ trợ thần kinh Justin Williams ở Đại học Wisconsin thì cho rằng các loại thiết bị hiện nay không dễ bị tấn công.

Tuy nhiên, với quan điểm “cẩn tắc vô áy náy”, Kohno cho rằng chúng ta nên chặn đứng nguy cơ trước khi nó xảy ra. Ví dụ tốt nhất là Internet, hệ thống được thiết kế mà không chú trọng vấn đề an ninh để sau này phải trang bị thêm các phần mềm bảo mật mới có thể đáp ứng nhu cầu về an ninh toàn cầu. Kohno và đồng nghiệp hy vọng các thiết bị tương tác thần kinh mới được thiết kế có nhiều tính năng an toàn hơn, để có thể tránh được những hiểm họa “an ninh thần kinh” trước khi nó trở thành hiện thực.

THANH TRÚC (Theo WIRED)

Chia sẻ bài viết