29/09/2024 - 08:41

“Tiền đen” trong cuộc đua vào Nhà Trắng 

Mỗi mùa vận động tranh cử, việc ai gây quỹ cho ứng cử viên nào và vì mục đích gì là đề tài thu hút cử tri Mỹ không kém các cam kết về chính sách. Trong đó, cái gọi là “tiền đen” và sức ảnh hưởng của nó khiến nhiều người đặc biệt lo ngại khi gợi lên bóng ma về những kẻ mờ ám đang thao túng nền chính trị quốc gia.

Chiến dịch vận động tranh cử 2024 của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters

Tiền đen là thuật ngữ ám chỉ dòng tài chính không thể xác định nguồn gốc được chi cho các cuộc bầu cử. Theo một số quy định của liên bang và tiểu bang, những khoản đóng góp hay chi tiêu chính trị đều có giới hạn và phải được công khai. Ngay cả các Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (PAC), định chế cho phép từ cá nhân đến công ty, tập đoàn, công đoàn hoặc bất kỳ tổ chức nào góp tiền cho chiến dịch vận động của các ứng cử viên, cũng phải báo cáo những thông tin cơ bản như danh tính người nộp đối với số tiền ủng hộ từ 200 USD/năm trở lên cho Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Các báo cáo sau đó được FEC công khai với cử tri.

Dù vậy, giới chuyên môn cho biết luật vẫn còn nhiều lỗ hổng dẫn đến lỏng lẻo trong khâu quản trị và theo dõi dòng tiền đen, điển hình như điều khoản cho phép một số tổ chức phi lợi nhuận nhất định gây quỹ và chi mạnh cho chiến dịch vận động tranh cử mà không cần tiết lộ danh tính nhà tài trợ. Về phần các siêu PAC, công chúng càng khó để biết chính xác nguồn gốc thực sự cũng như danh mục giải ngân trực tiếp cho thực thể trung gian nếu các khoản đóng góp đến tay họ thông qua công ty vỏ bọc.

Ví dụ trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016, chiến dịch của ứng cử viên Hillary Clinton và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đối mặt với khiếu nại của FEC vì không tiết lộ những khoản thanh toán gián tiếp cho các nhà nghiên cứu biên soạn hồ sơ về quan hệ của đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump với Nga. Chiến dịch của bà Clinton và DNC đã nộp phạt để giải quyết vấn đề, nhưng không thừa nhận hành vi sai trái. Hay như kỳ bầu cử 2020, một nhóm giám sát đã đệ đơn khiếu nại lên FEC với cáo buộc chiến dịch tái tranh cử của ông Trump chuyển hàng trăm triệu USD cho một thực thể trung gian nhằm che giấu các khoản chi tiêu mà theo luật phải được tiết lộ.

Rào cản cơ chế

Thiếu minh bạch về nhà tài trợ đã và đang làm dấy lên nhiều lo ngại, trước tiên là cử tri sẽ khó đưa ra đánh giá chính xác về các thông điệp chính trị. Nó cũng khiến hoạt động vận động tranh cử trở nên đáng ngờ, chẳng hạn như tiền quyên góp được sử dụng để làm giàu cho ứng cử viên hoặc cộng sự. Quy trình điều tra của hệ thống quản lý và giám sát nhà nước đối với hoạt động bất hợp pháp cũng gặp nhiều thách thức hơn, đặc biệt nếu cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài lợi dụng quỹ tài trợ để truyền bá thông tin sai lệch hoặc phá hoại bầu cử mà không cần chịu trách nhiệm.

Mặc dù hiểu rõ nguy cơ, những tiếng nói ủng hộ tăng cường minh bạch tài chính trong bầu cử hầu như không tạo được sức ép đáng kể nào để buộc các nhà lập pháp giải quyết vấn đề tiền đen. Việc thuyết phục các cơ quan quản lý liên bang thắt chặt việc thực thi, hoặc thông qua các quy định công bố thông tin mới cũng không có tiến triển. Đáng chú ý trong đó là sự chia rẽ đảng phái ở những cơ quan như FEC, dẫn tới việc Mỹ ngày càng nới lỏng thay vì thắt chặt các quy tắc tài trợ. Ngoài thách thức chính trị, những người ủng hộ các biện pháp như vậy còn đối mặt với rào cản tiềm ẩn liên quan Hiến pháp khi những người phản đối đưa nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận ra làm lá chắn.

MAI QUYÊN (Theo Conversation, OpenSecrets)

Chia sẻ bài viết