02/03/2016 - 19:55

“Tay sát thủ mù” - Bi kịch của xã hội thượng lưu

Với thủ pháp truyện lồng trong truyện, nữ nhà văn Margaret Atwood cuốn người đọc theo câu chuyện trải dài gần một thế kỷ của một gia đình tư sản Canada trong tiểu thuyết "Tay sát thủ mù". Qua đó, lịch sử của đất nước này cùng bi kịch của xã hội thượng lưu được tái hiện sinh động, cụ thể.
Sách do Công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phối hợp phát hành năm 2015.

"Tay sát thủ mù" đoạt giải Man Booker năm 2000, giải Hammett năm 2001, được tạp chí Time bình chọn là một trong những tiểu thuyết hay nhất năm 2000, được đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1923. Theo đánh giá của The Washington Post Book World thì tiểu thuyết có "Nghệ thuật kể chuyện vĩ đại trên qui mô lớn… Tuyệt hay".

Có thể nói, gần 500 trang sách với những câu chuyện lồng vào nhau, sự đan xen giữa đời thực và hư cấu, quá nhiều sự kiện cùng cách miêu tả chi tiết, tỉ mỉ… khiến "Tay sát thủ mù" là một tác phẩm không dễ đọc. Nhưng một khi đã kiên nhẫn theo dõi, người đọc sẽ dần khám phá cái hay tiềm ẩn từ thủ pháp nghệ thuật đến nội dung câu chuyện. Đặc biệt là từ những sự kiện, những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc ban đầu, tác giả đã khéo léo xâu chuỗi, liên kết chúng thành một đường dây cốt truyện hấp dẫn mà chỉ đến gần cuối tác phẩm, sự thật mới được sáng tỏ.

Mở đầu bằng cái chết của cô em gái Laura sau một tai nạn giao thông, người chị Iris dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện của lịch sử gia đình mình, kéo dài từ chiến tranh thế giới thứ Nhất đến cuối thế kỷ XX, với rất nhiều biến cố thăng trầm, từ thời ông nội cho đến cha của Iris - người kế thừa sản nghiệp lớn của gia đình. Khi đứng trước nguy cơ phá sản, cha Iris quyết định gả cô cho nhà tài phiệt Richard E. Griffen với hy vọng sẽ được con rể giúp đỡ vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này lại mang đến nhiều bất hạnh cho các thành viên trong gia đình Iris…

Câu chuyện của gia đình được kể bằng cách đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa những hồi ức của bà lão Iris gần đất xa trời và những cảm nhận của nàng tiểu thư Iris trẻ tuổi. Song song đó, là một câu chuyện khác, câu chuyện về "Tay sát thủ mù" ở một đất nước xa xôi thời còn chế độ phong kiến quân chủ - do một chàng trai kể cho nhân tình nghe mỗi lần họ gặp nhau. "Tay sát thủ mù" được cho là cuốn sách duy nhất của Laura xấu số, vốn là những trang bản thảo bị giấu kín, mà người chị Iris vô tình tìm ra trong đống đồ cũ, cho xuất bản, rồi được tôn vinh…

Kết cấu "truyện lồng trong truyện" ở cuốn tiểu thuyết này tạo ra sự phức tạp khiến người đọc như lạc vào mê cung để rồi sau đó bất ngờ thú vị khi tìm được lối thoát và câu trả lời cho toàn bộ câu chuyện: Tác giả thật sự của truyện "Tay sát thủ mù" là ai? Cặp đôi nhân tình lén lút hẹn hò là những người nào? Sự thật đằng sau cuộc hôn nhân của cô chị Iris và cái chết của cô em Laura là gì?...

Dù là câu chuyện trong đời thật của nhân vật Iris hay là hư cấu như "Tay sát thủ mù" thì tất cả đều toát lên một tinh thần chung: khát vọng tự do, hạnh phúc. Sự tính toán sai lầm của cha Iris, tham vọng và thủ đoạn bẩn thỉu của chồng Iris, sự giả dối của cô em chồng Iris hay việc ngoại tình của Iris… đã biến mọi chuyện thành một bi kịch không lối thoát. Đó cũng là bi kịch của giới thượng lưu, của những con người tự giết mình trong những mưu đồ toan tính, trong những bế tắc của gia thế, hôn nhân, chính trị… Những yếu tố tác động lớn đến bi kịch ấy chính là bối cảnh lịch sử, là những cuộc chiến tranh toàn cầu, là những đổi thay của từng giai đoạn trong xã hội Canada… được tác giả tái hiện chi tiết trong tác phẩm.

Cùng với "Tay sát thủ mù", nhà văn Margaret Atwood còn có 4 tiểu thuyết khác được đề cử giải Man Booker, góp phần đưa bà lên vị thế là một trong những tiểu thuyết gia đương đại hàng đầu.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết