13/08/2013 - 22:10

“Tăng nhiệt” quan hệ Anh – Tây Ban Nha

Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha đang leo thang khi cả hai đều tuyên bố về khả năng đưa tranh chấp vùng lãnh thổ Gibraltar - từng là thuộc địa của Tây Ban Nha sau rơi vào tay Anh theo Hòa ước Utrecht năm 1713, ra các tòa án quốc tế.

Hôm 13-8, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nước này đang xem xét hành động pháp lý chống lại Tây Ban Nha, trong đó cáo buộc Madrid vi phạm qui định Liên minh châu Âu (EU) trước các biện pháp kiểm soát gắt gao mà Tây Ban Nha đang áp dụng tại khu vực biên giới với Gibraltar. Phía Madrid cho biết, hoạt động trên là nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền và buôn lậu, nhưng phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng đây là hành động "không cân xứng và mang động cơ chính trị".

"Thủ tướng Anh David Cameron đang rất thất vọng khi cuối tuần rồi Tây Ban Nha vẫn không loại bỏ các thủ tục kiểm tra đối với phương tiện đi qua biên giới. Do đó, chúng tôi đang xem xét nên áp dụng hành động pháp lý nào thích hợp nhất. Các Bộ trưởng của Anh cũng đang thảo luận "vấn đề cấp bách" này với EU" – người phát ngôn văn phòng số 10 Phố Downing nói trước báo giới. Tuy nhiên, người này cũng nói thêm rằng hành động pháp lý thông qua EU là bước đi "chưa từng có" nên Luân Đôn sẽ phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Hàng xe từ khu vực biên giới Gibraltar chờ đợi được qua Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters 

Mặc dù vậy, Chủ tịch Văn phòng Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha Ignacio Ibanez lên tiếng rằng Madrid không lo lắng về các mối đe dọa bởi "chúng tôi tin tưởng những gì mình đang làm và biết rằng lẽ phải thuộc về phía chúng tôi". Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã cảnh báo rằng chính phủ nước này đang cân nhắc đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Người này còn cho biết thêm Madrid đang xem xét một số biện pháp ngoại giao để "kéo" Argentina, cũng có tranh chấp với Anh về quần đảo Falkland (phía Argentina gọi là Malvinas) về cùng "mặt trận".

Mặc dù vẫn chưa đưa ra hành động cụ thể nhưng những đe dọa về hành động pháp lý có nguy cơ làm xói mòn hơn nữa quan hệ ngoại giao giữa hai đối tác EU. Nếu Anh chọn giải pháp khiếu nại Tây Ban Nha vi phạm pháp luật EU lên Ủy ban châu Âu, vụ việc có thể được đưa đến Tòa án Tư pháp châu Âu và có thể phải mất nhiều năm để giải quyết. Tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ gửi một đội ngũ giám sát đến khu vực biên giới giữa Tây Ban Nha với Gibraltar để kiểm tra tình hình, nhưng dự kiến nhanh nhất cũng đến tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Được biết, căng thẳng giữa Anh và Tây Ban Nha bắt đầu bùng lên khi giới chức Gibraltar dự định thả 70 khối bê tông để xây dựng một rạn san hô nhân tạo mà Tây Ban Nha cho là sẽ phá hủy ngư trường trong khu vực. Sau đó, Madrid đã tiến hành các biện pháp thắt chặt hoạt động kiểm soát khu vực biên giới và đề xuất áp dụng mức lệ phí khoảng 67 USD đối với tất cả các phương tiện ra vào Tây Ban Nha từ lãnh thổ Gibraltar.

Đến 12-8, Anh cho triển khai một lực lượng đặc nhiệm thuộc Hải quân Hoàng gia đến Địa Trung Hải và một trong các tàu chiến của lực lượng này là tàu khu trục HMS Westminster sẽ dừng ở Gibraltar. Tuy nhiên, quân đội Anh cho biết đây chỉ là một phần của khóa huấn luyện lâu dài và dự kiến một trong các tàu ​​sẽ ghé thăm cảng Rota của Tây Ban Nha.

Gibraltar có diện tích chưa tới 7 km2, với khoảng 30.000 dân, nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương. Tây Ban Nha kiểm soát vùng lãnh thổ này trước năm 1704, song sau một loạt biến động, Gibraltar trở thành thuộc địa của Anh từ năm 1713. Tuy Anh và Tây Ban Nha có thỏa thuận chia sẻ chủ quyền và hơn nữa người dân Gibraltar phản đối việc Gibraltar trở về Tây Ban Nha trong hai cuộc trưng cầu ý dân năm 1967 và 2002, nhưng Madrid vẫn gây áp lực để kiểm soát vùng đất này. Cho đến nay, Tây Ban Nha vẫn không công nhận chủ quyền của Anh đối với vùng lãnh hải quanh Gibraltar.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết