25/03/2010 - 21:28

“Sứ giả hòa bình” hay thảm họa?

Biến đổi khí hậu có thể góp phần giải tỏa xung đột mà tàu chiến không bao giờ giải quyết được (?!). Thực tế là điều đó đã xảy ra khi một hòn đảo nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh, từng là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai nước hồi thập niên 1980, đang chìm vào đại dương do nước biển dâng cao. Sự kiện này đã khiến hai nước không còn “cơ hội” tranh chấp về chủ quyền đảo, khi hạn chót phân xử được Liên Hiệp Quốc (LHQ) quy định vào năm 2011.

Đảo mà người Ấn gọi là New Moore, còn người Bangladesh gọi là Nam Talpatti, dài 3,5 km và rộng 3 km, nằm ở vịnh Bengal, khu vực có tiềm năng dầu khí lớn. Cũng như nhiều đảo khác trong khu vực, New Moore là sự hình thành không ổn định của đồng bằng sông Bhramaputra, và lần đầu tiên xuất hiện trên hình ảnh vệ tinh năm 1974. Năm 1981, Ấn Độ đưa tàu hải quân tới cắm cờ xác định chủ quyền. Không lâu sau đó, người Ấn rời đảo và Bangladesh “hạ cờ” Ấn Độ. Đảo này trở thành trung tâm tranh chấp trên biển giữa Ấn Độ với Bangladesh và vấn đề được đưa lên LHQ.

Theo Sugata Hazra, giám đốc khoa nghiên cứu hải dương Đại học Jadavpur ở Calcutta, New Moore bắt đầu chìm từ thập niên 1990, trong khi một phần diện tích đã bị xói mòn 40 năm qua. Những năm 1990, đảo chỉ cao hơn mực nước biển 2 m. Giáo sư Hazra khẳng định hình chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy New Moore hiện đã chìm dưới mực nước biển và chỉ có thể nhìn thấy khi nước biển xuống thấp nhất. Theo ông, biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân chính dẫn tới mất hòn đảo không có cư dân này.

Lâu nay, các chuyên gia cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm các cuộc xung đột về lãnh thổ và tài nguyên. Những viễn cảnh như sa mạc hóa các vùng đất tranh chấp giữa các bộ tộc ở châu Phi, thu hẹp diện tích các dòng sông băng chung giữa Ấn Độ và Pakistan, cư dân các quốc đảo đi tị nạn (như Maldives chẳng hạn )... sẽ tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nước. Trong trường hợp New Moore, chưa biết chắc việc đảo này biến mất có thể giúp giải tỏa tranh chấp giữa Ấn Độ và Bangladesh hay không, nhưng nó đã tạo ra “một cơ hội” hòa bình giữa hai nước.

Còn thực tế, giáo sư Hazra cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại, chỉ đứng sau chiến tranh hạt nhân. LHQ dự báo 17% diện tích Bangladesh sẽ biến mất vào năm 2050 và 20 triệu người nước này phải di tản, nếu mực nước biển tăng lên hơn 1 m. Giáo sư Hazra nói đùa rằng: “Nếu ai đó tìm ra cách có thể ngăn chặn tất cả các hình thức xung đột, thì điều đó cũng sẽ giúp chúng ta giảm khí thải”. Có nghĩa là nếu không có những tranh chấp, các nước sẽ chung tay chống biến đổi khí hậu và hiện tượng này sẽ không phải làm “sứ giả hòa bình” bất đắc dĩ như đối với New Moore.

N. KIỆT (Theo Csmonitor, LA Times, USAToday)

Chia sẻ bài viết