30/07/2010 - 10:01

“Phớt tỉnh Ăng-lê”?

Tân CEO Robert Dudley (phải) và Chủ tịch Carl-Henric Svanberg, hai người nước ngoài nắm “quyền sinh sát” ở BP. Ảnh: AFP

Tại châu Âu, dân Pháp hoặc Ý thường sẽ cảm thấy tủi nhục nếu người nước ngoài nắm quyền điều hành các tập đoàn kinh tế lớn của họ, nhưng với dân Anh điều này không quan trọng, miễn là người đó đem lại lợi nhuận và việc làm cho họ. Thế nên, không ngạc nhiên khi các chính khách và dư luận xứ sương mù hầu như chẳng có phản ứng gì trước tin một người Mỹ, ông Robert Dudley, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn dầu khí khổng lồ BP, thay thế “người Anh xui xẻo” Tony Hayward vừa từ chức vì sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico. Điều đáng nói là chủ tịch của BP hiện tại, ông Carl-Henric Svanberg, cũng không phải công dân Anh mà là một người Thụy Điển.

Để Dudley nắm chiếc ghế CEO, BP có thể sẽ thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề rắc rối ở Vịnh Mexico, bởi quốc tịch của ông này, nhất là vì ông từng trải qua thời niên thiếu ở Mississippi - một trong những bang chịu ảnh hưởng sự cố tràn dầu. Các nhà đầu tư Anh chỉ quan tâm duy nhất một việc là... giá cổ phiếu của BP. Nếu cổ phiếu của tập đoàn tăng lên khi một người Mỹ điều hành, đối với họ thế là đủ. Vì vậy, họ chẳng đoái hoài việc không tìm được người đồng hương nào thay thế ông Hayward, dù điều đó phơi bày một thực tế là thiếu tài năng người Anh trong cả tập đoàn BP.

Nhiều nước đang tìm cách bảo vệ những lĩnh vực kinh tế quan trọng của họ trước sự thôn tính của nước ngoài. Ví như Mỹ cấm người nước ngoài kiểm soát các hãng hàng không, trong khi Pháp bảo vệ các lĩnh vực có liên quan tới quốc phòng. Nhưng với Anh thì khác, nhiều đời chính phủ nước này tự hào rằng họ là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới, khi chỉ áp đặt một vài hạn chế nhỏ đối với vấn đề người nước ngoài sở hữu các công ty Anh. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, hơn 40% cổ phiếu các công ty Anh niêm yết trên thị trường chứng khoán là do người nước ngoài sở hữu, kể cả các biểu tượng quốc gia cũng lọt vào tay người ngoại quốc. Chẳng hạn hãng sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover, công ty cung cấp điện British Energy và cửa hàng tổng hợp sang trọng bậc nhất thế giới Harrods lần lượt do Tata Motors của Ấn Độ, EDF SA của Pháp và các nhà đầu tư Qatar nắm cổ phần. Đội bóng được ủng hộ cuồng nhiệt tại giải Ngoại hạng Anh là Chelsea cũng thuộc quyền điều hành của tỉ phú người Nga Roman Abramovich. Các câu lạc bộ giàu truyền thống khác như Manchester United hay Liverpool cũng nằm trong tay các tỉ phú Mỹ.

Có lẽ nhiều người Anh tâm đắc với quan điểm của Stephan Pope, chiến lược gia chứng khoán toàn cầu của công ty Cantor Fitzgerald, rằng tinh thần dân tộc và chuyện làm ăn không thể trộn lẫn với nhau. Pope nói: “Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu, chúng ta cần người tốt nhất cho công việc, chứ không nhất thiết phải là người của nước mình làm việc đó”.

Trở lại chuyện BP. Dân Anh không nao núng khi tập đoàn lớn nhất nước này hiện hoàn toàn do người ngoại quốc điều hành. Đây là tính thực dụng của họ hay một biểu hiện của phong cách “phớt tỉnh Ăng-lê”?

NGUYỄN HOÀNG (Theo AP)

Tân CEO Robert Dudley (phải) và Chủ tịch Carl-Henric Svanberg, hai người nước ngoài nắm “quyền sinh sát” ở BP. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết