01/04/2024 - 08:49

Ðông Nam Á bùng nổ vấn nạn buôn người 

Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế  (Interpol) Jurgen Stock mới đây cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức tạo ra “sự bùng nổ” nạn buôn người và các trung tâm lừa đảo qua mạng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 từ Đông Nam Á đã mở rộng thành một mạng lưới toàn cầu với quy mô lên tới 3.000 tỉ USD/năm.

Myanmar bàn giao các nghi phạm lừa đảo qua điện thoại người Trung Quốc cho phía Bắc Kinh. Ảnh: Weibo

“Nhờ việc ẩn danh trực tuyến, được thúc đẩy bởi các mô hình kinh doanh mới và được COVID-19 “tiếp tay”, các nhóm tội phạm có tổ chức này hiện đang hoạt động ở quy mô không thể tưởng tượng được cách đây một thập niên. Mối đe dọa tội phạm vốn hiện hữu ở khu vực Đông Nam Á nay đã trở thành một cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu khi hàng triệu nạn nhân bị sa lưới” - ông Stock phát biểu trong một cuộc họp tại văn phòng Interpol ở Singapore.

Theo ông Stock, chính các trung tâm lừa đảo qua mạng kiểu mới đã giúp các băng nhóm tội phạm đa dạng hóa doanh thu bên cạnh việc buôn ma túy, vốn đóng góp từ 40-70% thu nhập của các nhóm tội phạm. Theo ông này, khoảng 2.000-3.000 tỉ USD tiền thu bất hợp pháp được chuyển qua hệ thống tài chính toàn cầu hàng năm. Trong đó, một tổ chức tội phạm có thể “bỏ túi” 50 tỉ USD/năm. Ông Stock cho hay các băng nhóm tội phạm đang đa dạng hóa hoạt động phạm tội bằng cách sử dụng con đường buôn bán ma túy để buôn người, vũ khí hay các sản phẩm được đánh cắp. Vào năm 2023, Liên Hiệp Quốc  cho biết hơn 100.000 người đã bị buôn bán vào các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Campuchia. Tháng 11-2023, Myanmar đã bàn giao hàng ngàn nghi phạm lừa đảo qua điện thoại người Trung Quốc cho phía Bắc Kinh.

Theo báo cáo mới đây của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), tham nhũng, xung đột, biến đổi khí hậu và nhu cầu lao động lương thấp ở các quốc gia như Thái Lan, Malaysia đang thúc đẩy sự gia tăng vấn nạn buôn người ở Đông Nam Á. UNODC cho biết hàng chục ngàn người từ Myanmar, các khu vực khác ở Đông Nam Á cũng như từ bên ngoài khu vực đã bị bán tới Indonesia, Malaysia và Thái Lan mỗi năm. Báo cáo lưu ý, chính hành vi tham nhũng đóng vai trò là “động cơ và tác nhân thúc đẩy việc đưa người di cư trái phép cũng như góp phần giúp bọn tội phạm được miễn tội”.

Để đi đến báo cáo trên, UNODC đã khảo sát 4.785 người di cư và người tị nạn ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đáng chú ý, 83% trong số họ nói rằng đã bị bán. Đặc biệt, cứ 1 trong 4 người bị bán cho biết họ từng bị buộc phải hối lộ các quan chức, gồm nhân viên nhập cư, cảnh sát và quân đội. UNODC lưu ý, tham nhũng cũng thúc đẩy hoạt động buôn người, bởi những người bị bán thường cảm thấy họ cần những kẻ buôn người để thực hiện giao dịch với những quan chức tham nhũng.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hồi giáo Rohingya từ Bangladesh và Myanmar mạo hiểm vượt biển với hy vọng đến được nơi an toàn ở Đông Nam Á. UNODC cũng phát hiện tình trạng lạm dụng tràn lan. ¾ số người được khảo sát nói rằng họ đã phải trải qua một số hình thức lạm dụng trong hành trình đến Đông Nam Á từ chính những kẻ buôn người, quan chức quân đội, cảnh sát hoặc các băng nhóm tội phạm. Trong đó, bạo lực thể chất là loại lạm dụng phổ biến nhất. Năm 2015, Thái Lan và Malaysia đã phát hiện ra nhiều ngôi mộ tập thể tại hơn 20 trại buôn người ẩn náu trong khu vực rừng rậm phía biên giới Malaysia. Cảnh sát khi đó tìm thấy 139 ngôi mộ cũng như các dấu hiệu cho thấy những người bị giam giữ ở đó đã bị tra tấn.

Ngoài xung đột và việc làm, UNODC cho biết biến đổi khí hậu đã nổi lên như một yếu tố khiến người di cư trái phép đến Đông Nam Á. ¼ số người được khảo sát cho hay, họ cảm thấy buộc phải di cư vì các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, lũ lụt. Theo báo cáo, để được sang Đông Nam Á, người di cư trung bình phải trả cho bọn buôn người là 2.380USD, trong đó nam giới phải trả nhiều hơn nữ giới một chút. Riêng người Afghanistan muốn sang Malaysia và Indonesia phải trả tới 6.000USD.

Dữ liệu do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thu thập từ năm 2002 xác định 10.045 người bị buôn bán trên khắp khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, 24.707 công dân Đông Nam Á là nạn nhân của bọn buôn người trên toàn thế giới, khiến nơi đây trở thành khu vực nghiêm trọng nhất châu Á về tình trạng này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết