27/06/2019 - 08:54

“Nóng” tại thượng đỉnh G20 

Ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran dự kiến phủ bóng hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tuần này tại Nhật Bản.

Người biểu tình phản đối hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka. Ảnh: Getty Images

Người biểu tình phản đối hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka. Ảnh: Getty Images

Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại thành phố Osaka từ ngày 27 đến 29-6 trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp.

Tại diễn đàn năm nay, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cùng nhiều lãnh đạo châu Âu nỗ lực duy trì hệ thống và các nguyên tắc quốc tế thông qua chương trình nghị sự tập trung vào cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, thúc đẩy chính sách kỹ thuật số cởi mở với quy tắc toàn cầu về quản trị dữ liệu và công bằng dựa trên thị trường. Trong khi đó, lập trường của Mỹ hiện nay là Trung Quốc chỉ thu thập thay vì chia sẻ dữ liệu. Bất đồng này có thể gây trở ngại cho các bên trong việc đạt được tuyên bố chung.

Các điểm nóng như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, khủng hoảng Venezuela và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại cũng nằm trên bàn nghị sự.

Nhưng mọi sự chú ý đều dồn vào cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hoạt động này diễn ra sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung gần đây bị đổ vỡ, dẫn đến quyết định của Washington tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Trump xem cuộc gặp sắp tới là cơ hội để hiểu rõ lập trường của Bắc Kinh và ông cũng “thoải mái” dù kết quả thế nào. Về phần Trung Quốc, giới chức nước này khẳng định sẽ không vội vàng thỏa thuận khi cuộc chiến thương mại vẫn “đang trong tầm kiểm soát”.

Theo giới quan sát, tuy Mỹ-Trung có dấu hiệu muốn tái khởi động tiến trình đàm phán nhưng không có khả năng hai bên sẵn sàng cho các nhượng bộ đáng kể. Các nhà chiến lược cho rằng cuộc gặp Trump-Tập ở Osaka có thể mở ra lộ trình đàm phán mới xoa dịu cuộc chiến thương mại và công nghệ đang leo thang nhưng cách làm này không thể giải quyết các vấn đề trước mắt, đặc biệt khi gánh nặng từ cuộc chiến thuế quan không khoan nhượng tiếp tục đè lên kinh tế toàn cầu. Nhiều người còn cho rằng thời đại của cạnh tranh và căng thẳng giữa hai cường quốc trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, nhân quyền và thương mại có thể chỉ mới bắt đầu.

“Bóng ma” xung đột Trung Đông

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump ngoài gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc còn dự kiến họp bên lề với các nhà lãnh đạo Nga, Úc, Đức, Ấn Độ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để tranh thủ sự ủng hộ đối với các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran. Cách đây vài ngày, ông Trump quyết định hủy lệnh tấn công quân sự Iran sau khi căng thẳng leo thang từ loạt sự cố tàu chở dầu bị tấn công tại Vùng Vịnh và vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. Nhưng hôm 25-6, Nhà Trắng tiếp tục công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào một số lãnh đạo cấp cao Tehran kèm đe dọa “xóa sổ” nếu nước này tìm kiếm chiến tranh.

Trước đó, lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh họ muốn tránh chiến tranh nhưng sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia nếu bị khiêu khích. Và tại G20, các nước tham dự ngoài tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng đồng thời vận động hành lang nhằm xoa dịu nguy cơ xung đột Trung Đông.

Úc cảnh báo thiệt hại do thương chiến

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 26-6 cảnh báo thiệt hại từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang gây tổn hại các nước nhỏ hơn và đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

​Thủ tướng Morrison khẳng định Úc sẽ không thụ động trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền lực toàn cầu và ông sẽ hành động vì lợi ích kinh tế và an ninh của Úc nếu quan hệ giữa hai siêu cường tiếp tục xấu đi.

 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết