31/01/2019 - 09:09

“Nội chiến” giữa ông Trump và đảng Cộng hòa 

Sau hơn một nửa nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao đảng Cộng hòa ngày càng chia rẽ trong phần lớn chính sách đối ngoại.

Từ trái sang: Giám đốc FBI, lãnh đạo CIA và Giám đốc Coats trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 29-1.

Theo New York Times, nhiều thành viên bảo thủ đảng Cộng hòa ngay từ đầu đã bất an trước sách lược đối ngoại của Tổng thống Trump nhưng hiếm khi mâu thuẫn quyết liệt. Nếu có là vào năm 2017 khi Quốc hội gần như “đoàn kết” để thông qua dự luật trừng phạt Nga bất chấp phản đối của ông Trump. Nhưng về sau, giới quan sát cho biết bất đồng giữa tổng thống và các cố vấn, đồng minh thân cận trong đảng Cộng hòa về vấn đề đối ngoại ngày càng lớn, đặc biệt khi ông Trump đột ngột tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria dẫn đến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức và “sự kiên nhẫn” của ông chủ Nhà Trắng đối với yêu cầu ngân sách xây tường biên giới khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần suốt 35 ngày.

Cách đây 2 tuần, hơn 2/3 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống quyết định của chính quyền Trump nhằm nới lỏng cấm vận các công ty Nga liên quan doanh nhân Oleg V. Deripaska vốn thân cận Điện Kremlin. Tuần rồi, nhiều đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện tiếp tục bỏ phiếu ngăn ông Trump rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mới đây, “sóng ngầm” lại được phơi bày sau đề xuất của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell về dự luật sửa đổi ngăn Mỹ rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Vốn là một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Trump tại Quốc hội, nhưng ông McConnell không đồng ý quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại và lấy đó làm tiền đề cho quyết định rút toàn bộ 2.000 binh sĩ khỏi Syria. Phát biểu hôm 29-1, ông McConnell cho biết dự luật “thừa nhận thực tế” các tổ chức khủng bố như IS và Al Qaeda tại Syria, Afghanistan là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Văn kiện cảnh báo hiểm họa nếu nhanh chóng rút quân, đồng thời làm rõ sự cần thiết của giải pháp ngoại giao lẫn chính trị đối với nguy cơ xung đột tại hai nước Trung Đông. Thông qua dự luật sửa đổi, ông McConnell cho biết sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ tại Syria và Afghanistan cần được đảm bảo cho đến khi “những kẻ khủng bố ghê tởm” thất bại hoàn toàn. Ngoài ra, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện còn trực tiếp bác bỏ lập luận của Tổng thống Trump giới hạn trách nhiệm của Washington trong vai trò “cảnh sát toàn cầu”.

Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats trong phiên điều trần trước Thượng viện mới đây đã trình bản đánh giá hoàn toàn khác so với tuyên bố trước đây của Tổng thống Trump về các nguy cơ quốc tế mà Mỹ phải đối mặt. Theo đó, ông Coats nói rằng CHDCND Triều Tiên sẽ không bao giờ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa còn cảnh báo một số đồng minh đang xa rời Washington để phản ứng trước những thay đổi chính sách về an ninh và thương mại. Phiên điều trần ngoài Giám đốc Tình báo Quốc gia còn bao gồm lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel và nhiều quan chức cộng đồng tình báo. Đi ngược quan điểm của ông Trump, họ cảnh báo nỗ lực mới của Nga hòng can thiệp bầu cử ở Mỹ và nói rõ IS vẫn đang âm mưu tấn công trên toàn thế giới. Đáng nói, các quan chức không đề cập ưu tiên an ninh hàng đầu của ông Trump là xây bức tường biên giới với Mexico.

Không chỉ giới lập pháp và quan chức nội các, khảo sát gần đây cũng cho thấy đa số người Mỹ phản đối cách Tổng thống Trump xử lý vấn đề đối ngoại với khoảng 50% người được hỏi cho rằng vị thế của cường quốc số 1 thế giới tiếp tục suy giảm trong năm tới. Nhìn chung, tỷ lệ ủng hộ chính sách ngoại giao của ông Trump ở mức thấp khi 35% ủng hộ và 63% không tán thành.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết