27/12/2014 - 17:12

“Những bài thơ dở” mà hay về đời

Những bài thơ dở” là tác phẩm mới xuất bản của Anh Động. Được biết đến qua nhiều tác phẩm đậm chất Nam bộ về chiến tranh, chuyện bác Ba Phi… nên ít ai biết Anh Động còn là một nhà thơ. Gặp chuyện vui buồn trong cuộc sống mà không thể chuyển thành truyện, ông làm thơ. Những bài thơ đó ông dành để đọc, thảng hoặc đưa bạn bè đọc “cho vui”. Lâu ngày, đủ để in thành tập vào cuối quý 4-2014. Về văn ông không dám tự hào mình hay, về thơ thì ông khẳng định mình dở. Vì vậy ở tập thơ đầu tay, Anh Động lấy tựa đề khá “sốc”: “Những bài thơ dở”. Tuy vậy, NXB “khó tính” và nhiều uy tín, NXB Trẻ lại đứng tên cho tập thơ này.

Bìa tập thơ mới xuất bản của Anh Động. 

Sự dí dỏm của nhà văn được người viết lời giới thiệu tập thơ, Mai Văn Minh hưởng ứng: “Thông thường khi đọc xong một bài thơ nào đó người ta thường thốt lên cảm nhận của mình là hay quá! Hay là dở thế!... Thơ hay thì nhiều nhà phê bình, nhà nghiên cứu, thậm chí từng cá nhân từ xưa tới nay đã, đang, sẽ bình và đưa ra các tiêu chí khá rõ ràng trong khi cảm nhận dở thì chẳng ai thèm nghiên cứu làm gì. Có phải vì thế mà Anh Động đã tự phong cho tập thơ của mình là “Những bài thơ dở”” (tr. 3).

Anh Động khẳng định thơ hay, thơ dở ngay trong bài “Thơ” mở đầu: “Thơ là những mảnh tâm hồn vỡ / Lượm về rửa sạch đúc thành thơ / Có kẻ khéo tay người vụng dở / Nhưng vẫn gần nhau chút dại khờ” (tr. 7). “Những mảnh tâm hồn vỡ” mà Anh Động có được qua cuộc sống, qua lăng kính của riêng ông đã thành một chuỗi đến 55 bài. Tất cả thể hiện những mảnh ký ức đáng yêu, đáng quý trong cuộc sống quanh ông thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến những những mảnh vụn đau lòng, những nghĩ suy về con người, về đời trong cuộc sống hôm nay. Chiêm nghiệm về cuộc sống ngắn ngủi hay dài lâu rồi cũng đi đến “Mai nầy” - đó là dấu chấm hết cuộc đời con người: “Mai nầy tôi về nghĩa trang / Nơi thành phố lạnh không sang không hèn / Đêm đêm không cần lên đèn / Không còn xe cộ bon chen rộn ràng / Mai nầy tôi về nghĩa trang / Nằm nghe từng chiếc lá vàng rụng rơi / Cuộc đời như giấc mộng thôi / Không còn toan tính đầy vơi… mai nầy” (tr. 69).

Vâng, “không còn bon chen, không còn toan tính” gì nữa, lòng ông thanh thản sẽ trở về với cõi hư không, mai nầy. Nhưng cái đáng quý là ông đã để lại cho đời một số tập truyện ngắn, truyện dài như: “Ven rừng tràm” (1978), “Bên hàng cù oanh” (1985), “Bóng núi Tô Châu” (1984), “Tiếng trống Săm-phô” (1986), “Rừng tràm lặng lẽ” (1988)… Đặc biệt, nói đến Anh Động, về phương diện ca cổ, không ai không biết bài vọng cổ “Dệt chặng đường xuân” (phổ thơ Lê Chí) được biểu diễn nhiều nhất trong các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán…

Nhà văn Anh Động tên thật Nguyễn Việt Tùng, sinh ngày 20-10-1941 tại Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Tham gia kháng chiến năm 1956, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Bài, ảnh: PHÙ SA LỘC

Chia sẻ bài viết