15/03/2020 - 07:10

“Nhiệm vụ kép” giảm tác động của dịch COVID-19

Tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động đến hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (4/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ thị cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Đó là: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Tập trung xử lý vướng mắc về lao động. Đẩy mạnh thông tin truyền thông. Tất cả nhiệm vụ, giải pháp này đều phải báo cáo Thủ tướng trong tháng 3-2020.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, nhiều bộ, ngành và các địa phương đã có các giải pháp cụ thể, quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỉ đồng từ các ngân hàng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Nghị định và đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan xin ý kiến. Theo đó, đối tượng gia hạn thuế được xác định các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch COVID-19: dịch vụ du lịch; nông, lâm, thủy hải sản; vận tải; sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành dệt may, da giầy; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống (có danh mục cụ thể); doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. 

Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng này giảm khoảng khoảng 22.600 tỉ đồng (trong đó: số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỉ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỉ đồng). Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31-12-2020. Bộ Tài chính dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỉ đồng... Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rà soát để chủ động giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm thị trường mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công... Tất cả những giải pháp này đều để hoàn thành “nhiệm vụ kép”. 

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết